Thiếu nhà khoa học tỷ phú

Google News

(Kiến Thức) - "Đầu tư vào khoa học đương nhiên là mạo hiểm. Làm 10 thành công 2 đã là nhiều lắm rồi", ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia chia sẻ.

Được cùng hưởng, thua cùng chịu
Bộ KH&CN đang thí điểm xây dựng quỹ đầu tư mạo hiểm vào năm 2014, nhằm giúp "Đề án Thung lũng Silicon của Mỹ" được thực hiện thành công ở Việt Nam và đưa nghiên cứu vào ứng dụng thực tiễn. Theo đó sẽ hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp phát triển công nghệ từ khi còn là ý tưởng. Nhà đầu tư sẽ cùng hưởng lợi với nhà khoa học nếu đề tài nghiên cứu thành công. Ngược lại sẽ cùng chia sẻ rủi ro. Quan điểm của ông thế nào về việc đầu tư mạo hiểm trong KH&CN ở Việt Nam?
Tôi nghĩ đây là việc quan trọng, Quỹ phát triển KH&CN quốc gia cũng có chức năng hỗ trợ nghiên cứu khoa học từ nghiên cứu cơ bản, ứng dụng đến phát triển công nghệ, sản xuất thử nghiệm, hoàn thiện công nghệ, thương mại hóa sản phẩm. Đầu tư mạo hiểm nằm ở giai đoạn sau, tức là giai đoạn các kết quả nghiên cứu phát triển công nghệ đã sẵn sàng thì làm sao để ứng dụng các kết quả đó vào thực tế đời sống. Đầu tư đó thì tỷ lệ thành công không cao, nhưng nếu thành công thì lợi nhuận mang lại rất lớn. Nhiều mô hình trên thế giới đã thành công rồi.
Nhưng đầu tư mạo hiểm vào khoa học ở Việt Nam thì dường như rủi ro còn cao hơn, bởi tính ứng dụng và thiết thực của các đề tài không nhiều, ông có thấy vậy không?
Từ trước giờ ta vẫn nói chỉ có khoảng 20% các đề tài nghiên cứu là có thể triển khai ứng dụng vào thực tiễn. Con số đó vẫn có thể coi là nhiều. Thực ra, việc áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế ở các nước có nền khoa học phát triển, tỷ lệ này cũng thấp chứ không nhiều. Ở Việt Nam chỉ thiếu cơ chế đầu tư mạo hiểm, hoặc thiếu đầu tư mạnh của xã hội trong việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế. Bởi vậy, mô hình Thung lũng Silicon ở Việt Nam hy vọng sẽ mở ra một hướng mới để doanh nghiệp thiết tha đầu tư vào khoa học hơn.
Liệu các doanh nghiệp ở Việt Nam có muốn đầu tư vào khoa học với thực trạng của nền khoa học là đề tài nghiên cứu xong xếp xó nhiều, không ứng dụng được?
Hiện các doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư đến đổi mới công nghệ nhiều, một phần vì chưa có thông tin tiếp cận, vì thế thì càng cần đẩy mạnh.
Số doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận rủi ro để đầu tư cho KH&CN ở Việt Nam dường như vẫn rất hiếm?
Đúng là còn ít, nhưng một khi doanh nghiệp đã sẵn sàng đầu tư thì lợi nhuận thu về lại rất lớn. Vì đầu tư ban đầu nhiều, rủi ro nhiều, nên doanh nghiệp vẫn còn e dè. Việc chia sẻ lợi ích, được cùng hưởng, thua cùng chịu với nhà khoa học dường như vẫn là một cái gì rất mới. 
Ông Đỗ Tiến Dũng, Giám đốc Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia nói về đề án thung lũng silicon Việt Nam. 
Chưa có nhà khoa học tỷ phú
Nhìn vào các nhà khoa học hiện nay, người có thể làm giàu trở thành tỷ phú từ đề tài nghiên cứu của mình gần như không có. Vậy thì lấy gì để thu hút các nhà đầu tư bỏ tiền ra?
Cái này phải thống kê lại thì mới biết rõ. Vì đã có nhà khoa học về sinh học nông nghiệp đã bán được giống lúa 10 tỷ đồng. Không có lý do gì để các nhà khoa học khác không thể trở thành tỷ phú.
Đề tài nhiều, nhưng lại không thể bán hoặc chuyển giao. Phải chăng doanh nghiệp không tin các nhà khoa học?
Đề tài nghiên cứu có nhiều mục tiêu khác nhau, có mảng nghiên cứu cơ bản thì không hướng tới mảng ứng dụng mà đưa ra phát kiến về mảng khoa học thôi. Các chương trình ứng dụng thì tỷ lệ ứng dụng cao hơn. Và cũng phải có khâu liền mạch, có hoạt động thương mại hóa, đầu tư mạo hiểm. Khi các hoạt động đồng bộ thì việc ứng dụng sẽ nhiều hơn. Còn chưa có cầu nối, mới chỉ nghiên cứu thôi, chưa thương mại hóa thì doanh nghiệp không có thông tin. Thế thì làm sao có cơ sở tin tưởng để đầu tư.
Khi thung lũng Silicon ở Việt Nam hình thành thực sự, liệu sẽ có nhiều nhà khoa học triệu phú?
Nếu mọi khâu được làm đồng bộ thì tôi tin là có thể chứ.
Đến bao giờ thì giấc mơ đó có thể thành hiện thực được?
Cái đó còn phải chờ, còn rất nhiều việc phải làm. Tôi nghĩ là sẽ nhanh thôi. 

Nhà khoa học luôn biết cách tiêu tiền
Ở góc độ là người "nắm giữ túi tiền" của ngành khoa học, ông phản ứng thế nào với chuyện có người cho rằng khoa học tiêu nhiều tiền nhưng hiệu quả chẳng bao nhiêu, tiền cứ chảy đi đâu hết mà khoa học vẫn cứ lẹt đẹt? Hàm lượng khoa học trong các sản phẩm tiêu dùng xã hội gần như không có?
Thực tế cho thấy, trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản đã nâng cao các nghiên cứu, công bố, môi trường hoạt động, năng lực của các nhà khoa học hàng đầu, đào tạo thế hệ trẻ. Đối với lĩnh vực khoa học ứng dụng cũng thế, cần phải có số liệu thống kê cụ thể mới nói được, chứ không thể võ đoán.
Theo ông thì tiền có phải là mấu chốt để phát triển khoa học?
Tôi nghĩ đó là một trong những mấu chốt. Thứ nữa phải có những hành động cụ thể, con người thực hiện phải tâm huyết thì mới có kết quả được.
Vậy ông thấy tiền đầu tư của nhà nước cho KH&CN hiện nay đã đủ?
Đầu tư thì không bao giờ là đủ cả, nhưng trong bối cảnh chung mà đầu tư cho KH&CN được như thế đã là rất tốt rồi. Theo kế hoạch thì sẽ tăng tỷ lệ đó dần lên. Nhưng quan trọng nhất phải là sử dụng hiệu quả đồng tiền đó.
Vậy số tiền đó hiện đã được sử dụng hiệu quả chưa thưa ông?
Với riêng Quỹ tôi phụ trách thì tôi thấy rất hiệu quả. 
Ông là Giám đốc thì đương nhiên ông phải nói thế chứ?
Không, đã có những con số cụ thể. Quỹ chi tiêu chưa đến 1% ngân sách dành cho KH&CN nhưng đóng góp đến 50% những công bố quốc tế hàng đầu Việt Nam.
Thực hiện giải ngân nhiều cho các nhà khoa học rồi, ông thấy các nhà khoa học Việt Nam có biết cách tiêu tiền không?
Tôi nghĩ các nhà khoa học luôn luôn biết cách tiêu tiền. Thực tế là hằng năm chúng tôi vẫn thanh quyết toán được cho các nhà khoa học với đầy đủ thủ tục mà (cười). Nhưng mấu chốt vẫn là làm thế nào để việc tiêu tiền đó đơn giản hơn, minh bạch hơn, để các nhà khoa học thay vì tập trung thời gian để có các "kỹ năng tiêu tiền" thì tập trung vào nghiên cứu khoa học.
Xin cảm ơn ông!
Quỹ đầu tư mạo hiểm chủ yếu là đóng góp từ doanh nghiệp, tổ chức cá nhân không phải ngân sách nhà nước, nên người ta chỉ cần nhà khoa học bàn giao sản phẩm đúng theo hợp đồng là mọi khoản chi tiêu từ quỹ sẽ được thanh toán tiện lợi, đơn giản. Bộ KH&CN mong muốn thí điểm một quỹ đầu tư mạo hiểm và ứng dụng quy trình thủ tục của một quỹ không dùng ngân sách nhà nước đầu tư cho những ý tưởng của các nhà khoa học, đặc biệt là ý tưởng mới, ý tưởng của các nhà khoa học trẻ.
Tô Hội (Thực hiện)