Trong vài năm gần đây các dạng đề thi mở luôn được ra. Nếu kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013, đề thi môn Văn trong phần nghị luận xã hội nói về sự dũng cảm cứu 5 em nhỏ thoát khỏi dòng nước xiết của học sinh Nguyễn Văn Nam ở Nghệ An, thì đề thi Ngữ Văn khối D trong kỳ thi ĐH, CĐ 2013 trong câu hỏi nghị luận xã hội cũng dành đến 3 điểm cho câu hỏi mở, mang tính thời sự.
Cụ thể, trong câu 2 (3 điểm) đề thi nêu: “Đi dọc đất nước với tâm nguyện tìm hiểu nguồn cội bằng trải nghiệm của chính mình, chàng trai Việt kiều Tran Hung John có một nhận xét: “Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động, là những người đi theo chứ không phải là người tiên phong. Nếu ai đó đi trước và thử trước, tôi sẽ theo sau chứ không bao giờ là người dẫn đường. Áp lực xã hội khiến bạn đi theo con đường đã được vẽ sẵn”. Anh (chị) có đồng ý với ý kiến trên, hãy trao đổi với Tran Hung John và bày tỏ quan điểm sống của chính mình.
|
Đề thi môn Ngữ Văn khối D kỳ thi ĐH-CĐ 2013. |
Với đề mở trên, nhiều thí sinh cho rằng rất khó để đưa ra được quan điểm và nhận xét. Do là đề mở nên chỉ nêu những cảm nghĩ của mình về vấn đề đó. Với nhiều thí sinh câu hỏi này khó làm bởi các em chưa đủ vốn sống từ thực tế và không mấy am hiểu tính thời sự.
Thí sinh Nguyễn Thị Trang (điểm thi Đại học KHXH&NV, Hà Nội) cho biết, đề Văn năm nay khá dài với nhiều câu hỏi khó. Đặc biệt là câu hỏi mở về bày tỏ quan điểm sống của mình liên quan đến lời nhận xét của Tran Hung John. Dù biết rằng, câu hỏi này có tác dụng khiến các thí sinh có thể dũng cảm vượt lên phía trước là người tiên phong. Nhưng khi thiếu những kiến thức về kỹ năng sống thì khó có thể hoàn thành tốt câu hỏi này.
Trong khi đó, thí sinh Trần Thị Vân Anh (thi vào trường Đại học Công đoàn, Hà Nội) cho biết, với đề thi Văn năm nay khó mà ăn điểm cao. Bởi nguyên câu 2 với 3 điểm bàn về quan niệm sống, thí sinh có thể mất điểm ở câu này. Với giới hạn khoảng 600 chữ, các thí sinh đều rất khó để triển khai.
"Em vừa đồng tình với nhận xét của Tran Hung Jond nếu xét trên cơ sở một số người có tính cẩn trọng, không muốn vượt lên. Nhưng nếu xét về những người khác thì nhận xét của Tran Hung John hoàn toàn sai lệch. Ở Việt Nam thời chiến có bao nhiêu anh hùng tiên phong ngã xuống như La Văn Cầu, Bế Văn Đàn, ở thời bình khi phát triển kinh tế có bao nhiêu tấm hương dám nghĩ, dám làm để vượt lên làm giàu. Mọi sự so sánh đều khập khiễng, và mọi sự nhận xét đều phiến diện ở từng góc độ, khía cạnh nên rất khó để phân tích đúng sai", Vân Anh bày tỏ.
“Với những câu hỏi mở dạng này, thí sinh khó đạt điểm cao. Em nhớ trước đây, khi một “ông Tây” đe dọa tẩy chay du lịch Việt Nam vì thói quen ăn thịt chó của người Việt là rất dã man. Nhận xét này đã được mổ xẻ trên các diễn đàn, thậm chí các Giáo sư cũng vào cuộc tranh luận nảy lửa. Một số ý kiến bày tỏ đồng quan điểm, nhưng nhiều ý kiến khác phản bác lại: “Ăn thịt chó có dã man không?”, “Người Việt có nên ăn thịt chó hay không?”….
Nên em nghĩ với những đề mở như này có cái hay giúp các thí sinh nhìn nhận lại kiến thức sống, tuy nhiên với những người chưa va vấp, thì câu hỏi này là câu hỏi khó có thể làm được, dễ sa vào lan man”, thí sinh Nguyễn Văn Hùng, thi trường Đại học Luật Hà Nội cho biết.
ĐANG ĐỌC NHIỀU
Thiên Hải