"Tiểu thư" phố núi sa ngã vác bụng "bầu" làm "gái gọi"

Google News

Trong số "gái gọi" quán karaoke đêm ấy, tôi bị ám ảnh bởi cô gái mới 18 tuổi. Mang thai đến tháng thứ 6, nhưng cô vẫn "miệt mài" tiếp khách ngày đêm, để kiếm tiền nuôi sống cả hai mẹ con...

Lò Thị H giấu mình sau lùm cây, né tránh ánh mắt của người đi đường. 
Dù tối trời và chỉ loáng thoáng thấy những gương mặt “bự” son phấn dưới ánh đèn cao áp, những cô gái ăn mặc kiệm vải, tóc nhuộm đỏ rực và “lênh khênh” trên những đôi giày cao gót vẫn cúi gằm mặt, vì một nỗi sợ hãi mơ hồ… hay chỉ đơn giản là tránh né để sống với một “xã hội khác”, chỉ có đàn ông và tiền, để rồi đêm về làm bạn với những giấc ngủ cô đơn và mệt nhoài vì bia rượu?
Những con phố… nóng
Nếu ai sống hay chỉ đơn giản là thường xuyên đi ngang qua những con phố vẫn được xem là điểm nóng về tệ nạn "gái gọi" dịch vụ như: Nguyễn Khang, Nguyễn Ngọc Vũ, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh, Nguyên Hồng… hẳn sẽ rất chướng tai, gai mắt khi chứng kiến cảnh những chiếc xe không biển kiểm soát, chở tới 4, 5 cô gái ăn mặc hở hang, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh, lạng lách trên đường, thậm chí cả trên vỉa hè, bất chấp thời điểm đường phố đông người qua lại hay đêm khuya thưa thớt. Và hẳn là nhiều người sẽ tự hỏi, những cô gái này được chở đến đâu?
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, những con phố này tập trung nhiều quán Karaoke, nơi giải trí của nhiều người, sau những giờ làm việc căng thẳng, hoặc đơn giản là nơi “tụ tập anh em sau nhiều ngày không gặp”, như nhiều người vẫn đùa.
Đến quán hát Karaoke ở nông thôn được xem là “xa xỉ”, thì ở thành phố, nó giống như một món ăn tinh thần “bình dân”. Giờ đây, sang hơn một chút thì có thêm “tay vịn”, tức là có “chân dài” ngồi cạnh tiếp rượu, hoặc thi thoảng “hát đôi, hát bè cho vui”...
Và từ đó, “nghề” gái gọi dịch vụ hay gọi một cách lịch sự là “tiếp viên dịch vụ” được ra đời. Sở dĩ phải dài dòng nói về nguồn gốc của hoạt động này, cũng chính là để trả lời câu hỏi: Các chân dài sẽ được chở đi đâu?
Đi chơi quên đường về
Giữa những “bóng hồng” ngồi la liệt trên vỉa hè sau khi bị lực lượng chức năng truy quét, cô gái mặc chiếc váy quây màu đỏ, tóc búi cao và đôi mắt tô đen đậm, thu mình trong góc, thi thoảng liếc nhanh ra ngoài rồi lại cúi mặt xuống. Ánh mắt cô gái vừa như bất cần, vừa như căm giận. Cô gái có tên Lò Thị H (SN 1995), sinh ra và lớn lên tại thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
Khi tôi tiến đến “hỏi thăm”, cô gái tỏ ra sợ sệt, giọng lí nhí: “Chị đừng đưa hình em lên báo, em xin chị!”. "Em yên tâm, chắc chắn không ai nhìn thấy mặt em đâu", tôi trấn an cô gái.
Thế rồi cô gái tin tưởng kể: “Em không sợ bị bắt, em chỉ sợ gia đình xấu hổ khi thấy em trên báo...”. Rồi cô tâm sự: “Em sinh ra trong một gia đình gia giáo, bố mẹ em đều làm cơ quan nhà nước. Bác em cũng làm ở Sở GD-ĐT, nên em không muốn vì em mà mọi người bị mang tiếng...”
H kể, từ bé đến lớn, cô là một đứa con rất ngoan và học giỏi, nhưng thấy bạn bè được chơi bời thoải mái thì cảm thấy mình bị bó buộc. Năm 2010, sau khi người cậu mất, gia đình lục đục, H mượn cớ mâu thuẫn gia đình bỏ nhà đi chơi. Trong khoảng thời gian này, H gặp một người con trai và đem lòng yêu mến. Lực học có sa sút đi, nhưng H vẫn đỗ cấp 3. Bố mẹ không còn quan tâm như trước nữa, mà chỉ khi nào H cần thì cho tiền, thế nên, H càng kiếm cớ đi chơi nhiều hơn.
“Em chán lắm, mà đi chơi thì thích hơn đi học và không bị ai quản, nên em càng không muốn về nhà. Thế rồi, sau một lần đi qua đêm, cũng mới mấy tháng thôi chị ạ! Em đã ngủ cùng bạn trai và có thai”.
Cô gái vừa nói, vừa nước mắt lưng tròng, nhìn xuống bụng lùm lùm. Cái thai đã được 6 tháng, mà nhỏ như người ta mang thai 3 tháng, nên ai không để ý kĩ sẽ không nhận ra được.
Kể về cái thai, H nói: “Em xuống Hà Nội lúc ấy là em đã có bầu 2 tháng rồi chị ạ!”. “Gia đình em có biết em mang thai không?”. Cô gái cúi mặt: “Dạ có, khi em xuống Hà Nội, em có gọi điện về cho bố mẹ. Em biết bố mẹ em đã rất sốc và giận em, nhưng em không muốn giấu”. Thế rồi giọng cô gái nghẹn đi: “Lỗi này là tại em. Em đi chơi mà quên đường về với gia đình”.
Trong giây phúc ấy, bỗng nhiên giọng cô gái đanh lại, mắt nhìn thẳng và nói như khẳng định: “Dù bố mẹ không chấp nhận, em cũng không bỏ cái thai này. Chị ơi... Đứa trẻ không có tội. Tội là ở em, nhưng em sẽ sinh con và chăm sóc nó nên người, dù vất vả, nghèo khổ em cũng chịu, như là cách em đền tội với con”.
Trong câu chuyện, H tuyệt nhiên không nhắc tới người yêu. Khi tôi hỏi chuyện, H mới thỏ thẻ, nhưng ánh mắt thì căm phẫn đầy lửa hận: “Người yêu em sinh năm 87, hiện đang đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Anh ta biết em có thai, nhưng vẫn đồng ý, khi em nói chia tay”. “Tại sao không để anh ta chịu trách nhiệm?”. H cười chua chát và kể về gã người yêu đa nghi, nghe bạn quên tình.
Trong thời gian đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, người yêu của H thường xuyên liên lạc về cho H cũng như một số bạn bè khác. Trong những câu chuyện, số bạn bè này thường xuyên nói xấu H, khiến anh ta trở nên đa nghi và hay chửi bới, dọa dẫm H. “Chị xem, một người đàn ông mà nghe bạn bè xúi bậy, chửi bới người yêu mình, dù biết mình đang mang thai con của hắn, thì có đáng làm thằng đàn ông không?”, giọng H đầy sự căm phẫn.
Cô gái tuy trẻ nhưng suy nghĩ già dặn, có lẽ bởi ý thức về việc chuẩn bị trở thành một người mẹ đã đến gần. Nhưng, với cái bụng như thế này, H làm sao để "tiếp khách"?
(Còn tiếp)
Theo An Ninh Thủ Đô