Từ năm 2006, ngay sau khi quê hương Quảng Bình được chính Đại tướng mong muốn chọn làm nơi an nghỉ cuối cùng, việc đầu tiên các thành viên trong gia đình Đại tướng lo nhất là địa điểm lựa chọn có nước ngầm hay không.
Tìm nước ngầm ở dải đất hẹp nhất nước và địa hình bị chia cắt mạnh này bao giờ cũng là thách đố.
Vùng nghèo nước nhất
Ông Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Quảng Bình, nói: “Phía Tây của tỉnh toàn núi cao rắn chắc nên rất nghèo nước ngầm. Phía Đông là dải đồng bằng ven biển diện tích hẹp, các nguồn nước thường nhiễm mặn, nhất là những lúc triều cường”.
Hòn La là ví dụ điển hình. Nói đến Hòn La khi qua Quảng Bình, có lẽ nhiều người biết hơn là Vũng Chùa - Đảo Yến, cách đó chỉ một cây số về phía Nam. Cho đến khi có công bố chính thức mới đây về nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Đại tướng huyền thoại, dải đất thèo đảnh Vũng Chùa gần như vô danh với người đời. Còn Hòn La nổi tiếng khi nó trở thành khu kinh tế mở. Nó cũng nổi tiếng về hàng loạt thất bại lùng tìm nước ngầm. Ông Phạm Văn Lương cho hay “nhiều cơ quan và nhà khoa học, chuyên gia địa chất thủy văn, địa vật lý đã nghiên cứu, điều tra, và khảo sát thăm dò nguồn nước ngầm trong khu vực nhưng vẫn không tìm ra”.
Vũng Chùa có lẽ còn u ám hơn. Chỗ đất cằn khoảng 2.500 m dài và chỉ 200 m rộng ấy bị chắn bởi dãy Núi Mũi cả về phía bắc, một phần phía đông và tây; phía nam là sóng biển vỗ ì oạp. KS Lê Văn Quảng, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng & Khai thác Nước ngầm Đồng Hới, thừa nhận công ty ông và nhiều đơn vị nghiên cứu chính thống khác đều bó tay. “Đảo Yến - Vũng Chùa được giới địa chất quy vào vùng nghèo nước nhất của tỉnh”, ông Quảng nói.
|
Nước tuôn chảy từ lỗ khoan ở vị trí thăm dò thứ hai, lưu lượng 2 m3/h. |
Các thành viên trong gia đình Đại tướng đánh liều nhờ cậy một kỹ thuật tìm nước ngầm chẳng giống ai. TS Vũ Văn Bằng, cha đẻ của kỹ thuật này, đặt cho nó một cái tên không hề có trong từ điển khoa học và kỹ thuật thế giới: Kỹ thuật địa bức xạ. Ông là người nghĩ ra kỹ thuật ấy và, đến thời điểm này, vẫn chỉ mình ông áp dụng được nó.
Vén màn bí ẩn
TS Vũ Văn Bằng kể, một ngày đầu hè tháng 6/2006, một vài thành viên gia đình Đại tướng tìm đến trụ sở công ty của TS Bằng nằm ở đường Nguyễn Đức Cảnh, quận Hoàng Mai, Hà Nội nói : “Chúng tôi có một dự án khu nghỉ dưỡng ở Đảo Yến - Vũng Chùa mạn nam Đèo Ngang. Chúng tôi muốn biết nước ngầm ở Vũng Chùa có hay không; nếu có, nằm ở đâu. Chúng tôi muốn đơn vị có khả năng tìm nước nhanh, tránh khoan mò. Các phương pháp truyền thống không được chuẩn xác, có nhiều hạn chế. Biết anh có khả năng tìm nước ngầm…”.
|
Vui mừng từ dòng nước đầu tiên tuôn lên từ lòng đất. |
Mươi hôm sau, TS Bằng và kỹ sư cao cấp địa chất công trình và địa chất thủy văn Nguyễn Trọng Hoan lên đường vào Quảng Bình. Họ đi cùng một số thành viên gia đình Đại tướng. Đoàn xuất phát từ Hà Nội lúc sáng sớm và tối mịt thì đến xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch. Ngủ tại Khách sạn Sông Loan - Roòn một đêm.
Sáng sớm hôm sau, cả đoàn đi ngược về phía cảng Hòn La. Trên đường ra hiện trường, đoàn dừng lại ăn mì tôm tại một quán ngã ba cảng Hòn La. Quán xơ xác ấy là của một người được thuê trông nom Vũng Chùa. Giờ nó trở thành trụ sở ban điều hành Công ty Đông Sơn, đơn vị vận hành dự án khu nghỉ dưỡng Đảo Yến – Vũng Chùa.
7h30 sáng, cả đoàn vào việc. TS Bằng vạch lộ trình khảo sát dài 2,5 km từ Mũi Rồng chạy dọc chân Núi Mũi, rồi quay lại theo tuyến sát biển cũng có độ dài tương tự. Ai nấy theo dõi từng bước đi, động tác của TS Bằng. Trên tay ông chỉ có chiếc máy thăm dò đơn giản đến mức không thể đơn giản hơn do chính ông chế tạo. Một thành viên gia đình Đại tướng cầm con lắc theo sau TS Bằng. Con lắc hay được giới cảm xạ học dùng để tìm nước ngầm.
|
TS Bằng (đeo kính) trực tiếp giám sát quá trình khoan. |
Cả đoàn lầm lũi, lặng lẽ, căng thẳng. Họ di chuyển với tốc độ rùa bò giữa cái nắng gắt mùa hè. Khoảng 9h00 sáng, xuất hiện tín hiệu đầu tiên. Khung dây kim loại hình chữ nhật, bộ phận cảm biến của máy, bắt đầu xoay ngay dưới chân nhà sàn. “Tại đó, máy báo dấu hiệu có nước”, TS Bằng nhớ lại. Ai đấy xốn xang, cảm xúc lẫn lộn giữa tin và ngờ. Người tìm que đánh dấu, người lấy dao chặt cây bụi, phát tuyến.
Vùng có tín hiệu trải dài 90 m. Dựa trên công thức tự xây dựng, TS Bằng xác định độ sâu mạch nước ngầm khoảng 45 m, vị trí điểm khoan dự kiến là điểm giữa chiều rộng vùng bức xạ. Nối khung dây với một máy đo, TS Bằng nhận định lưu lượng nước dự kiến có thể đạt 1,5 m3/h. Mỏ này rất quan trọng vì nhà sàn nằm ở vùng trung tâm dự án.
Hai tiếng sau, khoảng 11h00, mạch thứ hai được tìm thấy gần một lạch suối, cách mạch thứ nhất nửa cây số. Mạch này sâu 55m, lưu lượng khá hơn mạch đầu tiên, có thể đạt 2 m3/h. Nghỉ ăn cơm trưa ở nhà sàn. Chiều đi tiếp, đo đến tận đầu vào của khu Vũng Chùa, đoàn phát hiện mạch thứ ba. Mạch này ở độ sâu 70 m, lưu lượng lớn hơn hai mạch đầu tiên, khoảng 3 m3/h. Tổng thời gian khảo sát kéo dài 1,5 ngày. Cả ngày đầu tiên đo tổng quát. Nửa ngày thứ hai, đo tái kiểm tra.
Công ty Đông Sơn hồi hộp tìm đội khoan để kiểm tra độ chính xác của thăm dò. TS Bằng giới thiệu luôn một đội khoan ở TP Đồng Hới từng khoan thành công nhiều nơi do ông khảo sát ở Quảng Bình. Kết quả, sau hơn ba tháng khoan, tại vị trí dự báo đầu tiên, lỗ thứ nhất xuống độ sâu 45 có nước không nhiều; lỗ thứ hai mới ở độ sâu 30 có lưu lượng đạt 1m3/h.
Tại vị trí thứ hai, lỗ khoan kéo dài 15 ngày bị kẹt do dụng cụ khoan rơi xuống giếng. Phải làm lỗ khoan khác cách lỗ khoan kẹt nửa mét. Lỗ khoan này kết thúc sau 20 ngày và các thông số thực tế về độ sâu và lưu lượng nước đều khớp với dự đoán. Vị chi, tổng lưu lượng nước ở hai vị trí khoan đầu tiên đạt 3 m3/h, tương đương 72 m3/ngày đêm. Phấn khởi với thành công này, vị trí mỏ nước thứ ba được để lại. Được biết, vị trí này sẽ được khoan sau khi khu an dưỡng phát triển cần lượng nước lớn hơn.
Sáng 8/10, tôi theo chân TS Bằng dự cuộc họp của UBND TP Cẩm Phả, Quảng Ninh, tranh luận về nguyên nhân các tai biến sụt lún gây ồn ào cách đây không lâu. Đang bon bon gần đến TP Hạ Long lúc gần trưa, bỗng có một cuộc gọi cho TS Bằng từ ông Tuyến, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình. Ông Tuyến háo hức lại hỏi chuyện nước ngầm ở Vũng Chùa- Đảo Yến…
Khu Đảo Yến - Vũng Chùa nằm ở phía nam thôn Hải Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, cách Đèo Ngang hơn ba cây số về phía nam. Khu vực này cũng nằm phía nam cảng Hòn La, cách nhau chỉ một dãy Núi Mũi. Vũng Chùa được cho rằng có vị trí rất đẹp về phong thủy. Đông thanh long; tây bạch hổ; nam hồng phụng; bắc hắc quy. Hội tụ đủ tứ linh. Toàn bộ khu đất được dãy Núi Mũi hình cánh cung, lòng hướng về phía nam, bao bọc.
Theo Tiền Phong