Không chỉ Cát Vàng
"tẩy chay" người Việt
Dư luận cả nước vô cùng bức xúc khi biết thông tin nhà hàng Cát Vàng (số 81 Nguyễn Đình Chiểu, P. Hàm Tiến, TP. Phan Thiết, Bình Thuận) từ chối không cho khách Việt Nam vào cửa hàng lưu niệm với lý do "tiệm này không bán cho người Việt Nam".
Nói về lý do không tiếp khách Việt, ông Nghiêm Phúc, chủ nhà hàng Cát Vàng nói rằng vì sợ người Việt Nam “xấu tính” giả dạng Việt kiều vào ăn cắp hàng, sợ "gián điệp" của các tiệm khác dò giá cả. Ông Phúc còn nói rõ: “Tôi đã thống kê rồi. Chưa tới 1% người Việt vào mua hàng. Nhưng hễ cứ có người Việt vào là thể nào cũng có chuyện với nhân viên của tôi, trong khi giao dịch chẳng được gì. Vì vậy tôi không phục vụ người Việt đã 2-3 năm nay rồi”.
Ngay sau khi thông tin này đăng tải trên báo chí, nhiều người cho rằng, hành động này là sự phân biệt với chính người cùng đất nước, xúc phạm danh dự nòi giống mình… Nhiều ý kiến còn gay gắt đòi tẩy chay luôn nhà hàng này.
|
Nhiều nhà cổ ở Cái Bè, Tiền Giang cũng từ chối khách Việt. |
Trên thực tế, tình trạng phân biệt khách Việt và khách quốc tế không chỉ diễn ra ở nhà hàng Cát Vàng. Trước đó, nhà cổ Út Kiệt và nhà cổ Ba Đức (Cái Bè – Tiền Giang) cũng từ chối tiếp khách Việt Nam với chung một lý do: ý thức khách Việt chưa tốt, khi tiếp khách Việt, cây trong vườn trở nên xơ xác, dưới đất trái non và rác xả đầy. Khách Việt Nam thường đòi ăn rùa, rắn (không quan tâm việc bảo vệ môi trường và sinh vật tự nhiên), khi ăn là “rượu vào, lời ra, la lối om sòm”.
Trao đổi với PV
Kiến Thức, GS Ngô Đức Thịnh cho rằng, việc nhà hàng Cát Vàng không tiếp khách Việt cũng giống như một số điểm du lịch Việt Nam từ chối khách Việt Nam, đó đơn giản là cách kinh doanh của họ, nhưng chủ nhà hàng Cát Vàng tỏ thái độ như thế là một cách kinh doanh “bẩn”.
|
GS Ngô Đức Thịnh cho rằng, từ chối khách Việt là chiêu trò kinh doanh "bẩn". |
“Thực tế, có một số điểm không tiếp khách người Việt, như một làng du lịch ở Lương Sơn, Hòa Bình, một số điểm du lịch cũng chỉ nhận khách nước ngoài, đó là quyền của họ khi khai thác các luồng khách khác nhau. Nhưng cách ông chủ nhà hàng Cát Vàng ứng xử thiếu văn hóa, lý do từ chối khách Việt các ông này đưa ra là sợ người Việt Nam vào “ăn cắp” hay “xấu tính” là không thể chấp nhận. Người Việt hay bất cứ người ở quốc gia nào cũng đều có người tốt người xấu, không nên đánh đồng, càng không nên phân biệt như vậy”, GS Ngô Đức Thịnh đưa quan điểm.
Lỗi cũng ở chính quyền địa phương?
Trên một khía cạnh khác, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú lo lắng hành vi kinh doanh “bẩn” của nhà hàng Cát Vàng sẽ ảnh hưởng đến sức hút đầu tư du lịch của Việt Nam khi tạo hình ảnh xấu tràn lan trên mạng.
“Việc nhà hàng Cát Vàng từ chối người Việt Nam đã xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự của người Việt Nam. Là người Việt Nam, sống trên đất nước Việt Nam, nhất là điểm du lịch có tiếng ở Việt Nam, không nên có hành vi phân biệt, xúc phạm danh dự người cùng nòi giống con cháu vua Hùng như thế. Đó là việc làm không thể chấp nhận, làm ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước con người Việt Nam với bạn bè quốc tế”.
|
Người Việt từ chối người Việt sẽ làm ảnh hưởng đến sức hút đầu tư vào du lịch Việt Nam. |
“Hơn nữa, hành động xấu này đã ảnh hưởng đến cả đất nước, nhất là trong lĩnh vực đầu tư, thu hút đầu tư của du lịch Việt Nam với bạn bè quốc tế. Không nhà đầu tư nào chịu đầu tư vào nơi mà cách hành xử của người dân với cộng đồng của mình như thế. Thời đại thông tin tràn lan trên mạng, cả thế giới sẽ biết đến vụ việc này. Do đó, chính quyền địa phương cần xử lý nghiêm, công bố lên phương tiện truyền thông đại chúng nếu muốn tiếp tục hút đầu tư quốc tế vào du lịch địa phương để phát triển”, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú phân tích.
Ông Phú cũng đặt câu hỏi: “Tại sao nhà hàng Cát Vàng có hành động phân biệt người Việt Nam với người nước ngoài đã 2, 3 năm nay mà chính quyền địa phương không biết? Lỗi là ở chính quyền trong việc quản lý. Đồng thời, qua việc này, ngành du lịch nên có chương trình khảo sát xem bao nhiêu nhà hàng, bao nhiêu điểm du lịch khác có sự phân biệt như thế”.
Làm rõ hành vi từ chối người Việt
Trước cách hành xử từ chối khách người Việt của nhà hàng Cát Vàng, luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Trưởng Văn phòng luật sư Đức Thịnh cho rằng: “Thái độ ứng xử và đạo đức của chủ nhà hàng Cát Vàng là không thể chấp nhận. Mặc dù mỗi nhà hàng có cách kinh doanh riêng, hướng đến một đối tượng khách hàng riêng nhưng việc từ chối bán hàng cho người Việt, cách cư xử của chủ nhà hàng này đã có thấy sự kỳ thị dân tộc, thiếu đạo đức, thiếu tinh thần đoàn kết dân tộc khi người Việt Nam lại kỳ thị chính cộng đồng mà mình đang sinh sống. Ở châu Âu người ta không bao giờ phân biệt như thế, khách quốc tế đến đó muốn ăn gì thì ăn, muốn làm gì thì làm, miễn là đúng pháp luật của họ. Đáng buồn nhất, sự phân biệt trên lại là một người Việt Nam đang sinh sống trong cộng đồng người Việt, ở chính đất nước họ sinh ra”.
|
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến |
“Các cơ quan chức năng cần làm rõ chủ nhà hàng này có cố tình phân biệt người Việt, phân biệt kỳ thị dân tộc hay không để xử lý nghiêm”, luật sư Nguyễn Hoàng Tiến đề nghị.
Ngoài ra, trao đổi với
Kiến Thức về việc đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Thuận đã vào cuộc kiểm tra hàng hóa của nhà hàng Cát Vàng, tạm giữ 2 mặt hàng và yêu cầu xuất trình hóa đơn chứng từ, kết quả ban đầu cho thấy có nhiều đồng hồ và rượu ngoại không có nhãn phụ và phải lập biên bản, luật sư Nguyễn Hoàng Tiến cho biết: “Nên xem xét việc kinh doanh nhà hàng ở cả góc độ xuất xứ hàng hóa và giao dịch mua bán ngoại tệ với người nước ngoài. Nếu hàng hóa không có xuất xứ giấy tờ là kinh doanh hàng lậu, còn nếu chưa có giấy phép của ngân hàng nhà nước mà vẫn tiến hành mua bán bằng ngoại tệ thì cần căn cứ vào mức độ vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.
TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU
Hải Ninh