HĐXX cho biết mới nhận được một số tài liệu. Trong đó có tài liệu xác minh tại Nakhodka (Nga), do phòng Nội vụ tại Nakhodka, và một nhân chứng và một biên bản thẩm vấn nhân chứng khác, một kết quả điều tra tại Công ty Nakhodka, Công ty AP và các công ty khác năm 2007 - 2008 và một giấy chứng nhận ghi vào đăng ký pháp nhân đối với công ty cổ phần Nakhodka của Nga; hợp đồng Nakhodka và AP, thuế liên quan mua bán, bản ghi nhớ hợp đồng mua ụ nổi; bảng tính toán theo hợp đồng mua bán giữa AP và Nakhodka theo đó tính 2,3 triệu USD, giấy chứng nhận xoá đăng kiểm tàu Nakhodka, biên bản kiểm tra chi tiết hàng hoá…
HĐXX mới nhận được các tài liệu trên nên chưa công bố được, toà sẽ gửi các luật sư xem xét. Trên cơ sở đó tiếp tục nghiên cứu.
8h sáng mai 29/4, Tòa tiếp tục làm việc.
|
Dương Chí Dũng có mặt từ rất sớm tại phiên xử phúc thẩm ngày thứ 5 (28/4). |
Trước đó, trong phiên xử sáng nay, có một tình tiết mới gây bất ngờ ở lời khai của bị cáo Mai Văn Phúc. Đó là, theo Phúc kể, trong một hội nghị lãnh đạo tổng công ty, Dương Chí Dũng có nói với Phúc: “Nếu anh không tổ chức được việc mua ụ nổi 83M theo đúng tiến độ thì tôi sẽ báo cáo Thủ tướng để kỷ luật, cách chức anh”.
Đề cập lại quan hệ không tốt đẹp của mình với Dương Chí Dũng, Phúc vẫn khẳng định, không có việc Phúc biết sai nhưng vẫn làm, mà chỉ vì sợ bị Dũng làm khó, cách chức vì Dũng không có thẩm quyền cách chức Phúc.
Tuy nhiên, Dương Chí Dũng không thừa nhận việc phát ngôn như này.
Dương Chí Dũng khai quan hệ với ông Goh khoảng từ năm 2000. Khi đó, Dũng là giám đốc một công ty tàu thủy ở Hải Phòng. Công ty của bị cáo có mua một tàu cũ của Singapore. Sau đó quan hệ phát triển khi có con cái học hành ở đó, có nhờ ông Goh chăm nom, giám sát con giúp.
Việc mua ụ nổi 83M, Dũng biết việc quyết định mua ụ nổi có trước khi dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam được phê duyệt, biết như vậy là không đúng quy trình.
Về công văn của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc cho phép chỉ định thầu, các hạng mục triển khai dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam (tháng 1/2008) nhưng khi đó ụ nổi đã mua rồi (ký hợp đồng từ tháng 3/2007, tháng 6 ụ nổi về, tháng 7 khoản lại quả về Việt Nam, cuối năm 2007 đã nhận đủ tiền chia chác). Tòa hỏi: "Như vậy là việc thực hiện mua ụ nổi có động cơ?". Dũng không có cơ hội đáp lại.
10 bị cáo bị TAND Hà Nội tuyên phạt ở cấp sơ thẩm:
1. Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines án tử hình về tội Tham ô tài sản, 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.Tổng án phạt là tử hình.
2. Mai Văn Phúc, nguyên Tổng giám đốc Vinalines án tử hình về tội Tham ô tài sản, 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước. Tổng án phạt là tử hình.
3. Trần Hải Sơn (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sữa chữa tàu biển Vinalines) 14 năm tù về tội Tham ô, 8 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước. Tổng án phạt là 22 năm tù.
4. Trần Hữu Chiều (nguyên phó Tổng giám đốc Vinalines): 10 năm tù về tội tham ô, 9 năm tù về tội cố ý làm trái quy định nhà nước. Tổng án phạt là 19 năm tù.
5. Mai Văn Khang (nguyên Phó tổng giám đốc công ty TNHH một thành viên Vận tải Viễn dương Vinashin thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam) 7 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.
6. Bùi Thị Bích Loan (nguyên kế toán trưởng Vinalines) 4 năm tù tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.
7. Lê Văn Dương (Đăng kiểm viên - Cục đăng kiểm Việt Nam) 7 năm tù tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.
8. Huỳnh Hữu Đức (nguyên Phó chi cục trưởng Chi cục hải quan Vân Phong, Khánh Hòa) 8 năm tù tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.
9. Lê Ngọc Triện (Đội trưởng Đội nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong) 8 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước.
10. Lê Văn Lừng (Cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong) 8 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước. Ngoài ra, HĐXX buộc các bị cáo trả lại số tiền 28 tỷ đồng tham ô, liên đới bồi thường số tiền hơn 366 tỷ đồng do hành vi làm trái quy định nhà nước. Trong đó, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc mỗi người phải bồi thường 110 tỷ đồng.
Minh Hiếu