Tới 16h, bão Wutip hút chết 3 người, gây thiệt hại nặng

Google News

(Kiến Thức) - Dù bão số 10 chưa đổ bộ vào đất liền nhưng đã gây mưa to gió lớn và ngập trên diện rộng. Hiện ít nhất 3 người chết, 1 người bị trọng thương.

Cho tới thời điểm này, dù bão số 10 chưa đổ bộ vào đất liền, nhưng mưa to gió lớn tại một số địa phương đã gây nhiều khó khăn và thiệt hại ban đầu. Theo thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh miền Trung, đến thời điểm này, đã có ít nhất 3 người thiệt mạng.
Bên cạnh thiệt hại về người, những thiệt hại về vật chất cũng không hề nhỏ. Nhà tốc mái, cây gãy đổ, hàng trăm đầm tôm, hàng nghìn hecta hoa màu ruộng lúa đã bị ngập trắng trong biển nước dù bão chưa chính thức vào đất liền.
Tới 16h chiều nay, bão Wutip hút chết 3 người, gây thiệt hại nặng.
Thừa Thiên Huế: Hàng chục ngôi nhà tốc mái
Cụ thể, tại Thừa Thiên Huế, lúc 16h chiều nay 30/9, thượng tá Lê Văn Phương - phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh, cho biết, tại thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) có khoảng 30 nhà bị tốc mái, 2 nhà bị sập hoàn toàn do bão số 10.
Bờ biển các xã Vinh Hiền, Vinh Hải, Quảng Công bị sóng biển xâm lấn, ăn sâu vào đất liền 5m, kéo dài hơn 10km. Quốc lộ 49 đi huyện miền núi A Lưới bị sạt lở một số điểm ở địa bàn xã Hưng Nguyên, tuy nhiên lực lượng cứu hộ túc trực tại chỗ đã kịp thời ứng cứu thông đường.
Quảng Bình: Một dân quân trọng thương khi chống bão
14h chiều nay (30/9), ông Nguyễn Văn Đồng - Chủ tịch UBND xã An Ninh, H.Quảng Ninh, Quảng Bình, cho biết, một dân quân tự vệ đã bị trọng thương khi đang làm nhiệm vụ chống bão số 10.
Theo đó, thực hiện công điện của UBND huyện Quảng Ninh và Ban chỉ huy Quân sự huyện, Xã đội An Ninh đã điều động trung đội dân quân cơ động tập trung để chống bão tại địa phương. Anh Trần Văn Quyết (SN 1989, trú tại địa phương, là dân quân tự vệ) được cử đến Trường Mầm non An Ninh ứng cứu bão.
Do trời hiện đang mưa rất to, gió lớn nên trong khi tròe lên cây xà cừ trong khuôn viên trường để chặt bớt các nhánh cây, anh Quyết đã bị rơi tự do từ độ cao hơn 10 mét xuống đất và bất tỉnh. Ngay sau đó, anh Quyết đã được nhanh chóng đem đi cấp cứu tại bệnh viện.
Thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới cho biết, anh Quyết nhập hiện trong tình trạng nặng, gãy xương vai, hiện đang theo dõi chấn thương sọ não.
Từ 14h chiều nay 30/9, gió tại Quảng Bình đã giật rất mạnh kèm theo mưa lớn. Tại thành phố Đồng Hới, nhiều cây xanh đã bị gió mạnh quật đổ, bật gốc. Người dân ở các vị trí trọng yếu đã được sơ tán đến những nơi an toàn.
Quảng Trị: Nguy cơ thủy điện Đakrông 3 bị thủng một lỗ lớn ở thân đập có nguy cơ đe dọa vỡ. 
Trưa 30/9, bão số 10 bắt đầu ập vào Quảng Trị, trời mưa to, gió giật cường độ lớn, làm gãy đổ nhiều cây cối, hư hỏng nhiều pano, bảng hiệu.
Tại các huyện ven biển như Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng sóng biển ầm ập đổ vào bờ cao hơn 3 mét. Hầu hết các huyện đồng bằng này đều có nhiều nhà tốc mái, cây cối ngã đổ.
Cây cối bị bão số 10 đánh bật gốc.
Tại huyện Đakrông, trước nguy cơ thủy điện Đakrông 3 bị thủng một lỗ lớn ở thân đập có nguy cơ đe dọa vỡ. Chính quyền huyện Đakrông đã tổ chức di dời 700 hộ dân thuộc các thôn Pa Hy, Chân Rò, Khe Ngài xã Tà Long đến nơi an toàn.
Trong khi đó, huyện vùng cao Hướng Hóa cơ bản đã di dời 1.400 hộ dân thuộc 34 thôn của 7 xã và thị trấn đến nơi an toàn. Nước sông Sê Pôn đi qua các xã vùng Lìa như Thanh, Thuận, A Túc, A Xing, Tân Thành, Tân Long và thị trấn Lao Bảo dâng cao có nguy cơ gây lũ như cơn bão số 8.
Theo thống kê nhanh, toàn tỉnh Quảng Trị có hơn 1.500 nhà dân và các công trình cộng đã bị tốc mái, đổ sập. Đặc biệt, huyện đảo Cồn Cỏ hầu hết các ngôi nhà và các công trình đều bị tốc mái.
Quảng Trị mưa lớn vì bão số 10.
Hiện, tỉnh Quảng Trị đã thành lập 5 đoàn công tác về tận các địa phương để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, nắm bắt tình hình thiệt hại tại các địa phương; huy động hơn 70 xe cơ động, 50 ca nô với 5.000 chiến sĩ là công an, bộ đội biên phòng trực chiến các vùng nhạy cảm, xung yếu để chống bão lụt.
Theo Trung tâm khí tượng Thủy văn trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10, ở đảo Hòn Ngư có gió giật mạnh 28m/s (cấp 10); đảo Cồn Cỏ có gió giật mạnh 34m/s (cấp 12). Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có gió giật mạnh 33m/s (cấp 12); Trên đất liền các tỉnh ven biển từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Riêng TP Đồng Hới, có gió giật mạnh 35m/s (cấp 12); Ba Đồn có gió giật mạnh 44m/s (cấp 14). Ở các tỉnh Hà Tĩnh đến Đà Nẵng đã có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 70 – 150mm; một số nơi có mưa lớn hơn như Kỳ Anh (Hà Tĩnh) 183mm; Ba Đồn 203mm; TP Đồng Hới 294mm; Tuyên Hóa 175mm….
Hồi 19h ngày 30/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,7 độ Vĩ Bắc; 105,9 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình và nước Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.
Dự báo trong 12h tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Vượt qua biên giới Việt - Lào suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển về phía Tây và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng gần tâm áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, đêm nay (30/9) vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế và Nam vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9 - 10. Biển động mạnh. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có gió mạnh cấp 6, cấp 7, riêng khu vực các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình có gió mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật cấp 11 - 12. Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 2 -3m.

Đ.Nhiên-T.Phong-V.Anh