Ngày 12/5, lãnh đạo Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh đã mời đại diện Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh đến để phản đối về việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou 981) và một lượng lớn tàu bảo vệ vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
|
Người dân Việt Nam mítinh phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN).
|
Việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan Hải Dương-981 và một lượng lớn tàu các loại, kể cả tàu quân sự vào hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là bất hợp pháp, đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Việc làm này cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sự tin cậy chính trị và các mặt hợp tác giữa hai nước, tổn thương tình cảm của người dân Việt Nam, trong đó có nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Lãnh đạo Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa. Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp phù hợp, cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Việt Nam cũng đồng thời luôn thể hiện thiện chí, kiên trì giải quyết thỏa đáng bất đồng thông qua đàm phán, đối thoại và các biện pháp hòa bình khác theo đúng nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, phù hợp với các quy định và thực tiễn luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Trong những ngày qua, nhièu tầng lớp nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã bày tỏ sự phản đối của mình trước việc Trung Quốc đã xâm phạm trắng trợn chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan cùng các tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ sự ủng hộ chủ trương của Chính phủ giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Theo VietnamPlus