Về vấn đề gần đây Trung Quốc cáo buộc Việt Nam đâm, gây hấn với tàu Trung Quốc, điều này liệu có đúng? ông Ngô Ngọc Thu cho biết: Trong họp báo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, họ có cáo buộc Việt Nam khiêu khích, sử dụng tàu đâm va vào tàu bảo vệ giàn khoan Trung Quốc. Đây là thông tin sai lệch, vu cáo, chúng tôi bác bỏ!
Thực tế, Trung Quốc ở thời kỳ cao điểm là ngày 20/5 sử dụng tới 137 lượt chiếc tàu thuyền, trong đó có 4 lượt tàu chiến. Hoạt động của Trung Quốc gồm sử dụng súng phun nước, máy phát tạo âm thanh, sóng âm tần gây khó chịu,ảnh hưởng thính giác của người, rồi dùng đèn pha chiếu vào tàu Việt Nam...
Ngoài ra, họ tiến hành đâm va vào tàu Việt Nam. Phía Việt Nam hoàn toàn không sử dụng công cụ trên tàu đáp trả, chỉ sử dụng loa tuyên truyền yêu cầu Trung Quốc chấm dứt xâm phạm vùng biển Việt Nam. Thực tế tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư đã bị đâm va 20 lần. Có tàu bị đâm va 3 lần. Hình ảnh chúng tôi cung cấp cho báo chí đã chứng minh điều này. Phía Việt Nam xin khẳng định không tấn công, khiêu khích tàu Trung Quốc.
Với thông tin nhiều công dân Việt Nam nhập cảnh Trung Quốc được yêu cầu phải ký vào văn bản thừa nhận Hoàng Sa là của Trung Quốc, ông Lê Hải Bình nói: “Chúng tôi chưa nhận được thông tin này nhưng sẽ đề nghị cơ quan chức năng Việt Nam xác minh. Nếu có, sẽ xử lý vấn đề đúng luật pháp quốc tế cũng như thỏa thuận hai bên”.
Về thông tin gần đây Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh và phía Trung Quốc có thỏa thuận khẳng định không sử dụng vũ lực, ông Lê Hải Bình cho biết, trong cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Trung Quốc, phía Việt Nam đã kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan rồi hai bên trao đổi, ổn định tình hình, giải quyết. Nhưng phía Trung Quốc vẫn khước từ đề nghị thiện chí của Việt Nam và đưa ra nhiều luận điệu sai trái.
Trong cuộc gặp giữa hai thứ trưởng Bộ Ngoại giao của 2 nước, phía Việt Nam đã nói rõ, hai bên không thể và không nên sử dụng biện pháp quân sự để giải quyết bất đồng vì không phù hợp quy tắc quốc tế và tình hình hiện nay. Phía Trung Quốc cũng tán đồng.