TS Nguyễn Tùng Lâm: Nhân cách không đo bằng điểm số

Google News

(Kiến Thức) - Điều TS Nguyễn Tùng Lâm trăn trở nhất là dường như đa số mọi người đều cho rằng phải học giỏi, phải có điểm số cao thì mới thành danh. 

TS Nguyen Tung Lam: Nhan cach khong do bang diem so
TS Nguyễn Tùng Lâm. 
Nhiều người cho rằng học càng giỏi, tỷ lệ đỗ đại học càng cao thì càng chứng tỏ sự thành công của giáo dục. Nhưng tôi cho rằng như thế chưa đủ. Trước khi là một người có trí thức, phải là một người có nhân cách. Khi có nhân cách, tôi tin học trò sẽ thành công và tôi làm giáo dục theo hướng ấy”, TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ.
Ở tuổi 74, TS Nguyễn Tùng Lâm tự hào với con đường mình đã chọn: giáo dục học sinh kém. Từ khi còn làm chủ tịch công đoàn ngành giáo dục, ông nhận thấy số học sinh bị đuổi học nhiều quá, nếu không có môi trường tập hợp, dạy dỗ các em thì sẽ hỏng mất. Thế là ông thành lập trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng, ngôi trường mà người ta hay nói đùa là “trường dành cho học sinh cá biệt”. 
Quan điểm của TS Nguyễn Tùng Lâm, giáo dục là phải nhân văn, mỗi con người đều có những giá trị như nhau, không có học sinh kém, chỉ có các nhà giáo không có khả năng sư phạm. Ông chia sẻ: “Lúc đầu người ta bảo tôi, cùng lắm trường tồn tại được 3 năm. Nhưng đến nay đã 27 năm, tôi đã chứng minh được triết lý giáo dục nhân văn của mình là đúng. Tôi luôn tự hào về lựa chọn đó, nhiều thế hệ học sinh đã được trải qua môi trường đó để phát triển”.
Lúc đầu, để “đối phó” với mỗi kỳ thi, ông gom tất cả những học sinh yếu kém lại, cử những giáo viên giỏi nhất dạy giúp trang bị cho các em kiến thức thực sự để vượt qua kỳ thi. Sau này khi đã vào guồng, ông quan niệm, trong nhà trường, giáo dục nhân cách của thầy và trò là điều quan trọng nhất, sau đó mới đến các yếu tố khác. Sản phẩm của giáo dục là nhân cách, chứ không phải điểm số. Không phải cứ tỉ lệ đỗ cao, điểm cao nhưng thực hiện “bằng mọi cách” là thành công. Không phải cứ điểm cao thì mới nên người, điểm cao, thi đỗ, nhưng bằng cách nào? Có phải là sự gian dối, đánh đổi hay không? “Tôi tin nếu học sinh có nhân cách, các em sẽ sống tử tế được, sẽ thành công trong cuộc đời”, TS Nguyễn Tùng Lâm khẳng định.
Điều ông trăn trở nhất là dường như đa số mọi người đều cho rằng phải học giỏi, phải có điểm số cao thì mới thành danh. Vì thế mà gò ép con cái chạy theo điểm số từ lớp 1. Giáo dục là cả quá trình, không phải trong ngày một ngày hai, nhân cách cũng phải rèn rũa lâu dài. Đến nay, mô hình giáo dục của ông đã được công nhận. Ông mong mỏi mọi người hãy nghĩ khác đi về giáo dục, về thành tích, điểm số và nhân cách, để trẻ có thể phát triển toàn diện, không phải là siêu nhân điểm số nhưng là những người tử tế. 
Hà Bình