Tử hình hai kẻ giết năm phu trầm

Google News

Biết các nạn nhân đói, các bị cáo không cho ăn mà muốn bắt họ nhịn đói cho đến khi chết...

Ngày 30/5, TAND tỉnh Quảng Trị đã tuyên phạt Hồ Văn Thành (ngụ thôn Nguồn Rào, Hướng Sơn, Hướng Hóa) án tử hình về tội giết người, 10 năm tù về tội cướp tài sản, tám năm tù về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, hai năm tù về tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. tổng hợp hình phạt chung là tử hình.
Tòa cũng tuyên phạt Hồ Văn Công (ngụ thôn Tà Rùng, Hướng Việt, Hướng Hóa) án tử hình về tội giết người, tám năm tù về tội cướp tài sản, bảy năm tù về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, một năm tù về tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng. tổng hợp hình phạt chung là tử hình.
Ngoài ra, tòa còn buộc Thành, Công phải liên đới bồi thường 880 triệu đồng cho gia đình các nạn nhân; chu cấp từ 600.000 đến 800.000 đồng/tháng cho một số cháu bé con của các nạn nhân đến khi các cháu đủ 18 tuổi.
Hai kẻ giết người man rợ Hồ Văn Công (trái), Hồ Văn Thành trước vành móng ngựa. Ảnh: V.Long
Phiên tòa vắng mặt ba nạn nhân gồm các anh Hoàng Lê Dũng, Trần Minh Tuấn, Nguyễn Thành Liêm (đều quê Quảng Bình, những người bị nhóm Thành, Công bắt giữ ngày 22/3/2013 nhưng may mắn trốn thoát được). Tòa cho rằng ba nạn nhân này đã có lời khai trong hồ sơ nên sự vắng mặt của họ không ảnh hưởng đến quá trình xét xử.
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, đầu tháng 3/2013, do thua bạc, Thành cầm cố xe máy của cha vợ. Thiếu tiền chuộc xe, Thành đến nhà Công bàn cách kiếm tiền. Công rủ Thành sang Sê Pôn (Savannakhet, Lào) gặp Hồ Văn Nguyên (sẽ bị tòa án Lào xét xử) lấy súng AK đi khống chế phu trầm để cướp tài sản, đòi tiền chuộc, sau đó giết người bịt miệng.
Ngày 21/3/2013, Thành, Công, Nguyên và anh của Nguyên vào rừng (anh của Nguyên về sớm). Sáng 22/3/2013, cả nhóm đến Khe Tà Rụi (bản Tà Poọng, Sê Pôn, Lào) gặp ba người đang đào trầm (ba nạn nhân vắng mặt tại phiên xử). Nguyên chĩa súng AK uy hiếp để Thành, Công trói các phu trầm. Sau đó, khi cả ba vào lán trại của các phu trầm tìm tài sản thì các phu trầm tự cởi trói và trốn thoát.
Sáng hôm sau, Thành, Công, Nguyên đến Khe Cha Lỳ (xã Hướng Lập, Hướng Hóa) thì gặp một nhóm phu trầm khác. Nguyên cầm súng AK khống chế bắt bảy người gồm anh Nguyễn Văn Sáu, Trần Văn Trị, Nguyễn Văn Thắng, Trương Thanh Hiền, Đinh Văn Thân, Hoàng Văn Hà, Đỗ Văn Hiền ra khỏi lán đứng thành một hàng. Sau khi trói họ lại, chúng dẫn họ luồn rừng quay về bản Tà Poọng. Công đòi tiền chuộc của bảy người là 120 triệu đồng nên anh Hoàng Văn Hà xin về lấy tiền và được chúng đồng ý.
Với ý định giết người bịt miệng, Công bảo Thành đi đào hố chôn xác, chặt gỗ làm hung khí. Sau đó, Công và Thành quay lại nơi trói sáu phu trầm, dẫn từng người đến miệng hố. Công dùng gậy đánh mạnh vào gáy các nạn nhân. Thành kéo xác vứt xuống hố. Những người bị đánh chưa chết hẳn thì Công, Thành dùng gậy, đá đập đến chết.
Nạn nhân cuối cùng - anh Đỗ Văn Hiền đã may mắn tự cởi trói, trốn thoát được và báo công an. Chiều 2/4/2013, Thành, Công bị Công an tỉnh Quảng Trị bắt khi lẩn trốn trong rừng. Hai ngày sau, Nguyên cũng bị Công an tỉnh Savannakhet (Lào) bắt.
Trước tòa, Thành thừa nhận hành vi phạm tội. Công ban đầu chối tội, đổ hết lỗi cho Thành nhưng sau khi tòa hỏi nhân chứng, công bố lời khai của Công tại cơ quan điều tra thì Công đã cúi đầu nhận tội.
Lời khai của Thành có những chi tiết làm người dự khán lặng người căm phẫn, làm gia đình các nạn nhân bật khóc đau đớn bởi sự tàn ác của các bị cáo. Thành khai trên đường dẫn các nạn nhân quay lại Lào, đến 14 giờ cùng ngày, chúng dừng lại nấu cơm ăn. Thành đi cắt dây rừng về để Công trói tiếp bảy người cho chặt theo kiểu cổ người này buộc với tay người kia. “Trong lúc ăn, dù biết các phu trầm đói nhưng nhóm bị cáo không cho ăn mà muốn bắt họ nhịn đói đến khi chết”...
Theo tòa, dù hai bị cáo thành khẩn khai báo nhưng hành vi phạm tội quá tàn ác, man rợ, không còn tính người nên không thể cải tạo được. Từ đó, tòa đã tuyên án như trên.
Không mức án nào bù nổi sự mất mát!
7 giờ sáng, chị Hoàng Thị Hòe (vợ anh Trần Văn Trị, một trong năm phu trầm bị giết) cùng ba con (lớn nhất học lớp 5, nhỏ nhất học mẫu giáo) đã có mặt tại TAND tỉnh Quảng Trị. Chị Hòe kể từ khi nhận được tin xét xử hai kẻ giết chồng chị, nhiều đêm chị không ngủ được. “Mấy hôm liền tôi cho con ngủ xong là đến bàn thờ thắp hương cho anh rồi ngồi bệt xuống nền nhà nhìn di ảnh anh mà nước mắt chảy dài. Tối qua, tôi cùng ba đứa con không hề chợp mắt. Tôi định đi một mình nhưng ba đứa cứ ôm lấy chân bảo cho chúng đi theo. Tôi thấy thương nên dẫn đi cùng”.
8 giờ sáng, khi cảnh sát hỗ trợ tư pháp dẫn giải hai bị cáo vào phòng xử, chị Hòe đứng bật dậy, nước mắt trào ra: “Sao bọn bay lại giết chồng tao? Sao bọn bay ác như vậy?”. Rồi chị lịm đi, người bên cạnh vội đỡ chị ngồi xuống. Ba đứa nhỏ ôm chầm lấy mẹ. Chúng không nói gì nhưng mặt đều đẫm nước mắt.
Chị Hoàng Thị Hòe và các con đau đớn ngồi thẫn thờ ở sân tòa. Ảnh: V.Long 
Chị Hòe nói: “Miếng ăn cả nhà chỉ trông chờ vào vài sào ruộng. Cuộc sống khó khăn nhưng vợ chồng đỡ đần nhau nên cũng tạm qua ngày. Từ lúc các con lần lượt ra đời, vợ chồng nhiều lúc phải nhịn cho con ăn. Khi thấy một số người trong làng trúng trầm đổi đời, anh Trị xin đi theo. Mỗi lần cả tuần mới về, có lúc dư 1 đến 2 triệu đồng, có lúc chỉ đủ chi phí đi lại. Dù vậy, anh Trị tin có ngày sẽ đổi đời nên vẫn tiếp tục băng rừng lội suối sang tận Lào tìm trầm. Ai ngờ...” - chị nghẹn lời.
Từ lúc anh Trị mất, con đầu của chị phải nghỉ học giữa chừng để giúp việc nhà. Chị ngậm ngùi: “Giờ còn hai đứa sau chắc cũng phải cho chúng nghỉ học. Tôi không đủ tiền nuôi chúng ăn học. Tôi biết làm vậy sẽ có lỗi với chồng nhưng giờ tôi biết làm gì đây!”.
Kết thúc phiên xử, chị Hòe một tay bồng đứa con út, một tay dẫn hai đứa còn lại lủi thủi bước ra khỏi sân tòa. Chị bảo không có mức án nào có thể bù đắp được nỗi mất mát của mẹ con chị. Rồi mẹ con chị cùng gia đình các nạn nhân khác vội lên xe đò về quê. Trước mặt họ còn biết bao nhiêu nỗi lo khi chỗ dựa duy nhất của họ là những người chồng, người cha... đã ra đi mãi mãi.
Theo Pháp Luật