Tuyên án Dương Chí Dũng: tử hình?

Google News

(Kiến Thức) - Mặc dù kéo dài thêm hai ngày so với dự kiến nhưng phiên tòa phúc thẩm Dương Chí Dũng vẫn còn nhiều mâu thuẫn chưa thể làm rõ. 

14h chiều nay, bị cáo Dương Chí Dũng ra tòa vẫn trong trang phục quen thuộc là chiếc áo trắng cổ cồn mới toanh. Ông Dũng cũng là bị cáo duy nhất mặc áo trắng. Các bị cáo còn lại trong trang phục quần xanh, áo xanh sẫm.
Vị chủ tọa tóm tắt bản án sơ thẩm, nêu rõ Dương Chí Dũng bị tuyên án tử hình về hành vi tham ô tài sản, 18 năm tù về hành vi cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt chung là án tử hình.
Hành vi và mức án tương tự cũng được áp dụng cho cựu Tổng GĐ Vinalines - Mai Văn Phúc.
Trên cơ sở xem xét toàn diện các tài liệu, chứng cứ, cũng như diễn biến tại tòa, HĐXX Tòa phúc thẩm nhận thấy Dương Chí Dũng đã ký văn bản đề nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng cho Vinalines xây dựng phương án xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam. Mặc dù chưa được thông qua chủ trương, nhưng ông Dũng vẫn yêu cầu Tổng giám đốc Mai Văn Phúc xây dựng dự án.
Trách nhiệm trực tiếp và xuyên suốt thuộc về Dương Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT và Mai Văn Phúc - Tổng GĐ Vinalines.
Bản án phúc thẩm cũng dẫn chứng văn bản pháp luật thể hiện ụ nổi là tàu biển. Bởi trước đó, quá trình diễn biến phiên tòa, các bên đã đưa ra nhiều ý kiến trái chiều về việc, có hay không ụ nổi là tàu biển.
Tòa cũng khẳng định, khi Vinalines vay 130 triệu USD của ngân hàng để phục vụ việc mua bán ụ nổi 83M, đã phải thế chấp tài sản của mình, Khối tài sản này thuộc sở hữu Nhà nước vì Vinalines là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.
Tòa phúc thẩm cũng ghi nhận ý kiến một số luật sư, khi bào chữa cho Dương Chí Dũng đã cho rằng, bị cáo này chỉ đại diện cho Hội đồng quản trị khi ký kết các văn bản liên quan.
 Dương Chí Dũng sẽ bị tuyên án vào chiều nay, 7/5. 
Trong suốt những ngày xét xử trước đó, ông Dũng luôn có một nguồn động viên tinh thần rất lớn và có niềm tin vào việc sẽ thoát án tử. Ông Dũng nhận được sự động viên tinh thần rất lớn từ những người thân, nhất là vợ.Khi VKS đề nghị HĐXX bác kháng cáo, giữ nguyên hình phạt tử hình, ông Dũng vẫn giữ thái độ rất bình thản. Trong lời nói sau cùng, ông tha thiết mong được sống để có ngày minh oan, không phải rơi vào cảnh “quýt làm cam chịu”.
Cựu cục trưởng Hàng hải thừa nhận để xảy ra sai phạm khi xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, mua ụ nổi 83M gây thất thoát gần 367 tỷ đồng là do thiếu quan tâm sát sao với cấp dưới. Ông thấy có lỗi một phần trong thiệt hại của Vinalines song ông cho rằng mình không chỉ đạo mua ụ nổi 83M như cáo buộc.
Phiên tòa phúc thẩm được mở từ ngày 22/4 do đơn kháng án của 9 bị cáo. Cụ thể ông Dũng và Phúc (cùng bị kết án tử hình) kêu oan cả hai tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản.
Bị cáo Trần Hải Sơn (nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines, án 22 năm tù) xin giảm nhẹ hình phạt và mức bồi thường;Trần Hữu Chiều(nguyên phó tổng giám đốc Vinalines, 19 năm) xin giảm hình phạt, miễn trách nhiệm tội tham ô tài sản; Lê Văn Dương(nguyên đăng kiểm viên Chi cục đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm Việt Nam, 7 năm tù) kêu oan và xem xét tiền bồi thường dân sự.
Bị cáo Lê Ngọc Triện (nguyên đội trưởng nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong, án 8 năm) xin giảm hình phạt, giảm bồi thường thiệt hại; Lê Văn Lừng (nguyên cán bộ Chi cục hải quan Vân Phong, 8 năm) xin giảm hình phạt, giảm bồi thường thiệt hại; Mai Văn Khang(nguyên phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinalines, 7 năm tù) xin giảm nhẹ hình phạt; Huỳnh Hữu Đức(nguyên phó cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong kiêm phó chánh văn phòng Cục hải quan Khánh Hòa, án 8 năm) xin giảm hình phạt, giảm bồi thường.
Riêng bị cáo Bùi Thị Bích Loan, nguyên kế toán trưởng Vinalines không kháng cáo, chấp nhận án phạt 4 năm.
Mặc dù đã kéo dài thêm hai ngày so với dự kiến nhưng phiên tòa phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng vẫn còn nhiều vấn đề mâu thuẫn chưa thể làm rõ.
Trước đó, Kiểm sát viên (KSV) tham gia phiên tòa cũng thẳng thắn thừa nhận “nhiều điểm còn mâu thuẫn, xin để Hội đồng xét xử (HĐXX) phán quyết” nhưng vẫn đề nghị y án tử hình đối với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc. Không biết trong bản án phúc thẩm ngày 7/5 tới đây, HĐXX sẽ phán quyết ra sao về những mâu thuẫn mà KSV đã thừa nhận?
Với những “điểm mờ” dù đã trở lại xét hỏi vẫn không thể làm rõ trong diễn biến phiên phúc thẩm gay cấn đến nghẹt thở này, các chuyên gia pháp lý nhận định rằng, HĐXX sẽ phải cân nhắc việc nên hay không tuyên y án tử hình đối với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc.
Một trong những vấn đề mà những người theo dõi vụ việc này băn khoăn nhất, đó là 1,666 triệu USD về Việt Nam đã đi đâu, vào túi ai?
Theo lời khai của Trần Hải Sơn tại phiên tòa thì bị cáo này được Dương Chí Dũng chỉ đạo chia tiền theo tỷ lệ “10 tỷ đồng cho anh, 10 tỷ đồng cho anh Phúc, còn lại cho em”. Sơn báo cáo việc này với bị cáo Phúc thì được Phúc chỉ đạo tiếp “anh đồng ý, em xúc tiến nhanh nhé”. Sau khi nhận hơn 28 tỷ đồng từ ngân hàng (quy đổi từ 1,666 triệu USD do Cty AP chuyển về tài khoản Cty Phú Hà) thì Sơn đã chuyển cho Dũng 10 tỷ, Phúc 10 tỷ, cho em gái 2 tỷ, biếu Trần Hải Chiều 340 triệu và bản thân Sơn hưởng phần còn lại.
Tuy nhiên, theo công bố của LS tại phiên tòa thì trong giai đoạn điều tra, Sơn có lời khai rất mâu thuẫn về việc “chia tiền” này. Nội dung đối chất với Phúc, Sơn lại khai khác hẳn. Tiếp đó, khi đối chất với Trần Hữu Chiều, Sơn lại thay đổi lời khai. Về “hợp đồng hợp tác kinh doanh” giữa Công ty AP và Công ty Phú Hà, Sơn cho rằng đây là hợp đồng “ảo” để hợp thức hóa việc chuyển 1,666 triệu USD tiền “lại quả” về Việt Nam. Bản thân Sơn còn thừa nhận “hợp đồng hợp tác do hai bên giữ chứ không được gửi tới ngân hàng để làm thủ tục chuyển tiền”.
Từ đây, nhiều LS đã đặt nghi vấn, hợp đồng hợp tác giữa Công ty Phú Hà và Công ty AP được lập ra với mục đích thật sự là gì? 1,666 triệu USD đã “trôi” vào dự án cảng thông quan nội địa tại Quảng Ninh của Công ty Phú Hà (Công ty của em gái và vợ bị cáo Sơn) hay được chuyển cho bị cáo Dũng, Phúc như theo lời khai của Sơn?
Diễn biến phiên tòa công khai thể hiện, Ngân hàng TMCP Hàng hải cho biết họ tra soát không ra được giao dịch nào thể hiện Sơn rút 2 tỷ bằng Chứng minh thư như Sơn khai để chuyển cho Phúc. “Nếu không tra soát được thì phải coi là không có chuyện Sơn rút tiền, không có chuyện Sơn đưa tiền cho Phúc. Cần áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội.”, LS bào chữa cho Phúc đề nghị.
Bên cạnh đó, lời khai của Sơn về việc đưa tiền cho Dũng và Phúc cũng có nhiều mâu thuẫn, không khớp về thời gian, địa điểm, cách thức đưa tiền khiến dư luận có cơ sở để nghi ngờ phải chăng Sơn “ăn cả” rồi đổi vấy cho “sếp” Dũng và Phúc.
Ngoài ra, ngay cả lời khai của Sơn về việc bị cáo này đưa tiền cho em gái mình là Trần Thị Hải Hà cũng mâu thuẫn và được Sơn lý giải là “bị cáo không nhớ”. Với những “điểm mờ” khó có thể làm rõ tại phiên tòa phúc thẩm như trên, các chuyên gia pháp lý nhận định rằng, nếu áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội thì HĐXX rất khó tuyên y án tử hình đối với Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc.
Minh Hiếu (Tổng hợp)