Thành lập ngày 28/8/1998, biên chế ngày đầu của Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam có 5 phòng với 34 người; 2 Vùng CSB (Vùng CSB1 và Vùng CSB4), chỉ có một số tàu cải hoán K20. Với chức năng, nhiệm vụ quản lý về an ninh, trật tự an toàn và đảm bảo việc chấp hành pháp luật của Việt Nam và các điều ước quốc tế trên vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam.
15 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay CSB Việt Nam đã có 4 vùng, 13 cơ quan chức năng, 4 cụm đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma tuý và 2 cụm trinh sát, được trang bị nhiều tàu xuồng cao tốc các loại, máy bay Casa 212 và nhiều loại vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại…
CSB Việt Nam đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng môi trường kinh tế trên biển lành mạnh, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn, tạo sự an tâm cho bà con ngư dân, cho các đội tàu vận tải, các hoạt động tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí hoạt động ngoài khơi xa.
Kỷ niệm 15 năm Cảnh sát biển Việt Nam, PV đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam.
|
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam |
“Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại”
Thưa Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương, với nhiệm vụ trọng tâm của CSB là đảm bảo an ninh, an toàn trên các vùng biển. Để đảm đương nhiệm vụ này trên vùng biển rộng lớn của nước ta, lực lượng CSB được tổ chức như thế nào?
Cảnh sát biển Việt Nam được xác định xây dựng theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại”, được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, với tinh thần đổi mới, Đảng ủy, Thủ trưởng CSB thường xuyên coi trọng việc cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng; lãnh đạo, chỉ đạo toàn lực lượng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.
Về phương hướng tổ chức lực lượng, chúng tôi xác định là cần và phải tiếp tục điều chỉnh tổ chức biên chế của CSB theo hướng tinh, gọn, cơ động và linh hoạt, đủ sức hoàn thành mọi nhiệm vụ.
CSB Việt Nam được tổ chức theo hệ thống dọc, một cách khoa học, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ đối với toàn lực lượng. Các Vùng CSB, các Cụm đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy và các Cụm trinh sát là các đơn vị đầu mối trực thuộc được tổ chức và đóng quân trên một số tỉnh thành ven biển đảm nhiệm thực hiện nhiệm vụ theo khu vực được phân công; Biên chế tổ chức của các Vùng CSB, các Cụm CSB có các Hải đội, xưởng trạm; các đội đặc nhiệm, tổ đội công tác và các tàu, các phân đội trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, ngoài ra còn có Trung tâm huấn luyện CSB, đảm nhiệm công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, nhân viên kỹ thuật cho lực lượng.
Với phương thức tổ chức lực lượng như vậy, chúng tôi tin tưởng rằng, trong những năm tiếp theo, CSB Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự an toàn, phòng chống vi phạm, tội phạm, tạo môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển của nước ta.
CSB Việt Nam đã có nhiều thành tích nổi bật trên mặt trận chống vi phạm, tội phạm, đảm bảo an ninh, an toàn trên biển. Xin Thiếu tướng cho biết những kết quả nổi bật, một số vụ việc điển hình được CSB xử lý thời gian qua?
Trước thực tiễn về tình hình tội phạm trên biển, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo 127/TW và 138/ Bộ Quốc phòng về tăng cường và kiên quyết đấu tranh chống tội phạm vi phạm trên các tuyến biển. Đảng ủy, Thủ trưởng CSB đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn lực lượng đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, kiên quyết đấu tranh với các vụ việc vi phạm về buôn lậu gian lận thương mại, làm tốt việc quản lý về an ninh, duy trì trật tự an toàn trên các vùng biển.
Về buôn lậu, gian lận thương mại trên biển, trong 6 tháng trở lại đây chúng tôi đã bắt giữ, xử lý đến trên 25 vụ lớn về mua bán, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới; vận chuyển hàng hóa không có nguồn gốc hợp pháp, tập trung ở các mặt hàng: khoáng sản, gia cầm, thực phẩm đông lạnh, xăng dầu, gỗ quý, thuốc lá, hàng tiêu dùng, pháo nổ các loại ...
Điển hình một số vụ việc đã được CSB Việt Nam xử lý, đó là ngày 19/12/2012, tại khu vực vùng biển Vũng Tàu, CSB đã kiểm tra, bắt giữ tàu Việt Hải của Công ty CP dầu khí Việt Hải đang bơm xăng trái phép cho 02 tàu Việt Hải 01 và Đông Hoà 09 với số lượng lớn là 917,822 m3 xăng đều không có chứng từ, hoá đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp, ước tính tổng giá trị của số hàng hóa trên khoảng gần 20 tỷ đồng.
Ngày 13/01/2013 tại khu vực biển Đông Bắc An Thới, cách bờ biển Kiên Giang 25 hải lý thuộc Vùng biển Việt Nam, CSB đã kiểm tra, bắt giữ 02 tàu nước ngoài mang số hiệu KK20031, KK20023 chở trên 20 tấn gỗ.
Ngày 27 tháng 4 năm 2013, bắt giữ tàu nước ngoài mang số hiệu KP - 20034, trên tàu có 5 thuyền viên mang Quốc tịch Campuchia đang hành trình vào Việt Nam chở khoảng 10 tấn gỗ các loại, không có giấy tờ.
Ngày 19/5, tại vùng biển Phú Quốc bắt giữ tàu nước ngoài mang số hiệu KK -20047 chở khoảng 9 tấn gỗ (chủ yếu là gỗ trắc) không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp. Ngày 01/02/2013, tại vùng biển tỉnh Ninh Bình, CSB bắt giữ tàu Lộc Nguyên 68/10 vận chuyển 2.680 tấn quặng sắt không có nguồn gốc hợp pháp.
Ngày 28/02/2013 CSB đã bắt giữ tàu Việt Anh buôn lậu xăng dầu trái phép trên vùng biển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với số lượng trên 800.000 lít dầu Diezel, ước tính tổng số tiền gần 20 tỷ đồng...
Một vụ việc điển hình cho hoạt động hợp tác Quốc tế để giữ gìn an ninh, trật tự, hoà bình và ổn định trên các vùng biển là vụ bắt giữ 11 tên cướp biển có vũ trang trên biển Đông. Đây là chiến công đặc biệt xuất sắc của lực lượng CSB trong đấu tranh chấn áp tội phạm cướp biển được Chính phủ tặng Bằng khen cho 03 tập thể và 02 cá nhân; Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công Hạng Ba cho tàu CSB 4031 và tàu CSB 4034. Chiến công này được nhân dân cả nước tin yêu cổ vũ, bạn bè các nước trong khu vực và quốc tế khen ngợi.
|
3 con tàu tuần tra hiện đại được bàn giao cho CSB Việt Nam mới đây. |
Đóng góp tích cực cho hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực
Trong tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, CSB Việt Nam phải vận dụng và xử lý khéo léo ra sao để giữ vững an ninh, hòa bình, hữu nghị, thưa thiếu tướng Nguyễn Văn Tương?
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương: Trên cơ sở quan điểm đối ngoại Quốc phòng “chúng ta tăng cường, mở rộng quan hệ với các quốc gia vì lợi ích chung, cùng phát triển, từng bước xây dựng và củng cố lòng tin của bạn bè quốc tế với một Việt Nam hòa hiếu, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Nhận thức sâu sắc bản chất vấn đề này, lực lượng CSB Việt Nam đã chấp hành nghiêm chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác đối ngoại; phục tùng tuyệt đối sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng.
Chủ động đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, nhận rõ trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo an ninh hàng hải trong khu vực, thời gian qua, lực lượng CSB Việt Nam đã cứu được nhiều ngư dân gặp nạn trên biển, trong đó có nhiều ngư dân nước ngoài. Vụ bắt giữ 11 tên cướp biển có vũ trang trên biển Đông vừa qua khẳng định quyết tâm và trách nhiệm của Việt Nam đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực.
Đặc biệt trong thực thi pháp luật trên biển, CSB Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ ngư dân, tuyệt đối không sử dụng vũ lực với ngư dân dưới bất kỳ hình thức nào, cả quân sự và phi quân sự vì chúng tôi quan niệm việc hành xử vô nhân đạo với ngư dân là không thể chấp nhận được, đó là quy định chung của luật pháp quốc tế và là đạo lý của thế giới hiện đại.
Với cách xử lý như vậy CSB Việt Nam đã góp phần đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải trên biển Đông, để các vùng biển của nước ta luôn hòa bình, hữu nghị, phục vụ có hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trợ giúp và ứng cứu ngư dân với tinh thần cao nhất
Thưa thiếu tướng Nguyễn Văn Tương, ngoài thực hiện nhiệm vụ, CSB Việt Nam đã có những trợ giúp gì đối với ngư dân cũng như các hoạt động kinh tế khác như hàng hải, dầu khí để đảm bảo an toàn khi họ hoạt động trên biển?
Phối hợp với các lực lượng khác bảo vệ tài sản của nhà nước, tính mạng, tài sản của nhân dân, phương tiện hoạt động hợp pháp trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam là chức năng, nhiệm vụ của CSB Việt Nam. Cùng với các hoạt động tuyên truyền về biển đảo, phổ biến giáo dục pháp luật, chúng tôi luôn xác định việc trợ giúp, làm chỗ dựa để động viên bà con ngư dân cũng như các hoạt động kinh tế khác như hàng hải, dầu khí… bám biển vừa làm ăn, vừa tham gia giữ vững an ninh chính trị, bảo vệ chủ quyền biển đảo, là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của CSB Việt Nam.
Bất cứ khi nào, ở đâu trên biển, không kể không gian, thời gian, nhân dân cần trợ giúp thì chúng tôi đến đáp ứng với tinh thần cao nhất. Mỗi đơn vị, mỗi con tàu, đều xây dựng, tổ chức luyện tập thành thạo nhiều phương án cho việc tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, trợ giúp y tế, thuốc men, lương thực thực phẩm, lai kéo về vị trí an toàn kể cả từ khu vực biển xa cách đất liền 600 – 700 km trong điều kiện sóng cấp 7, cấp 8. Thực tế trong thời gian qua chúng tôi đã nhiều lần ứng cứu kịp thời nhiều tàu bị nạn, kể cả tàu nước ngoài. CSB Việt Nam sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi có lệnh của trên hay có tín hiệu cấp cứu từ người và phương tiện hoạt động hợp pháp trên các vùng biển và thềm lục địa Việt Nam bị nạn.
Để đảm bảo tốt hơn nữa công tác an toàn an ninh trên biển, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, lực lượng CSB Việt Nam cần tập trung vào những nội dung gì và trang bị phương tiện cũng như con người như thế nào để thực thi pháp luật Việt Nam và quốc tế trên các vùng biển của VN, thưa Thiếu tướng?
Để đảm bảo tốt hơn nữa công tác an toàn an ninh trên biển, thực thi pháp luật Việt Nam và quốc tế trên các vùng biển nước ta, Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng đang đầu tư để CSB ngày một vững mạnh, hiện đại hơn kể cả về tổ chức biên chế lẫn trang bị phương tiện. Với các chương trình mua sắm và đóng mới trang thiết bị từ nguồn kinh phí Nhà nước, CSB sẽ có thêm nhiều tàu có lượng giãn nước lớn, có thời gian hoạt động dài ngày trên biển trong điều kiện sóng to gió lớn.
Máy bay tuần thám biển khi đi vào hoạt động sẽ hỗ trợ rất tốt cho việc nắm tình hình trên biển và cứu hộ, cứu nạn. Ngoài ra, bằng sự tiết kiệm, chúng tôi cũng tự trang bị mới một số phương tiện thông thường, các phương tiện cứu sinh, thuốc men, quần áo… Sự quan tâm đầu tư ngày càng tăng lên thì sự hiện diện của lực lượng CSB trên các vùng biển của ta càng hiệu quả.
Để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay, lực lượng CSB sẽ tập trung vào những nội dung:
Thứ nhất, xây dựng lực lượng CSB ngày càng chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại đáp ứng được với yêu cầu tình hình mới trên biển.
Thứ hai, tiếp tục bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về lực lượng để CSB Việt Nam đảm bảo có đầy đủ và thực quyền là lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực hiện chức năng quản lý về an ninh, trật tự và bảo đảm việc chấp hành pháp luật và các điều ước mà Việt Nam là thành viên trên các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam.
Thứ ba, thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng của Nhà nước, địa phương tổ chức diễn tập, huấn luyện tìm kiếm cứu nạn, bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải và phòng chống vi phạm, tội phạm trên biển.
Thứ tư, tiếp tục tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế của CSB Việt Nam để vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, vừa giữ được độc lập tự chủ, đồng thời giữ được quan hệ hòa bình, hữu nghị với các nước trong khu vực, tiếp tục đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương.
Cục Cảnh sát biển đổi thành Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 96/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 86/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Theo Nghị định mới ban hành, Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, hoạt động theo các quy định của pháp luật Việt Nam; tôn trọng và tuân thủ các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội về quản lý Nhà nước đối với lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, trực tiếp chỉ đạo hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Cũng theo Nghị định, cụm từ "Cục Cảnh sát biển" được thay đổi thành "Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển"; "Cục trưởng Cục Cảnh sát biển" thay đổi thành "Tư lệnh Cảnh sát biển".
Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển có tư cách pháp nhân, có tài khoản và con dấu có hình quốc huy, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, có trụ sở tại thành phố Hà Nội; kinh phí hoạt động do ngân sách Nhà nước cấp và được ghi riêng một mục trong tổng kinh phí hoạt động của Bộ Quốc phòng.
Tư lệnh, Chính ủy, Phó Chính ủy và các Phó Tư lệnh Cảnh sát biển do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Nghị định 96/2013/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 12/10/2013.
Theo VOV