Mới đây, trong phiên họp Quốc hội sáng 22/10, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong đã báo cáo về tình trạng tham nhũng trong năm 2013. Theo đó, các vụ tham nhũng trong năm 2013 tại Việt Nam gây thiệt hại khoảng 9.260 tỷ đồng, 51.000 lượng vàng SJC và 155.000 m2 đất.
Như vậy, những vụ tham nhũng sử dụng công cụ bằng vàng đang ngày càng gia tăng. Nhưng vì sao giá vàng liên tục trong xu hướng giảm mạnh 1 năm qua (từ mốc 47 triệu đồng xuống còn 37 triệu đồng) nhưng những kẻ đưa và nhận hối lộ, tham nhũng vẫn chuộng vàng? Việc đưa và nhận hối lộ bằng vàng có điểm lợi và bất lợi gì so với tiền đồng, USD, nhà đất đối với những kẻ tham nhũng?
|
Vàng hết thời vì sao đối tượng tham nhũng vẫn chuộng? |
Theo ông Nguyễn Minh Châu, Giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu, từ xưa đến nay, việc dùng vàng làm “công cụ” để đưa hối lộ không phải là hiếm. Thậm chí thời phong kiến, đất đai chưa có giá trị như bây giờ thì việc dùng vàng bạc châu báu hối lộ lại rất được các quan tham ưa chuộng. Hiện nay, tham nhũng có nhiều hình thức, có những cái rất tinh vi, việc đưa nhận hối lộ chỉ là một trong những hành vi của tham nhũng. Và việc dùng vàng trong tham nhũng cũng chủ yếu thông qua hình thức đưa, nhận hối lộ.
Các “công cụ” cho việc đưa nhận hối lộ hiện nay chủ yếu là tiền mặt, vàng, USD, đất đai. Nếu sử dụng tiền mặt thì sẽ rất bất lợi, cồng kềnh nếu giá trị hối lộ lớn. Còn ngoại tệ thì không dễ huy động số lượng lớn một lúc như vàng. Nhà đất thì không phải kẻ tham nhũng nào cũng dám nhận, vì muốn sở hữu thực sự một ngôi nhà, một miếng đất, kẻ tham nhũng phải làm các thủ tục sang tên đổi chủ, hoặc đăng ký quyền sử dụng nhà, đất. Như vậy hành vi nhận hối lộ sẽ dễ bị pháp luật “sờ gáy”.
Ngoài ra, việc đưa nhận hối lộ bằng vàng còn được diễn ra dưới nhiều hình thức tinh vi, khiến nhiều người không phát hiện được. Có những kẻ đưa hối lộ công khai song biết cách lách nên không ai bắt bẻ, thậm chí nghi ngờ được. Chẳng hạn như ở Trung Quốc, một thời gian dài người ta nhận hối lộ bằng vàng, thông qua việc dát vàng vào các vật phẩm như bánh trung thu… rồi mang bánh này đi biếu tặng quan chức, đối tác, sếp… mãi vừa rồi các nhà chức trách mới phát hiện và vào cuộc dẹp hình thức này. Ở Việt Nam tình trạng này không phải là không có.
Ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Agribank thì cho rằng, dù giá tăng hay giảm thì xưa nay với người dân các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, vàng vẫn luôn được “sùng bái”.
Nguyên nhân do yếu tố văn hóa ăn sâu vào người Việt. Việt Nam từng trải qua một thời kỳ chiến tranh kéo dài từ bao thế kỷ nay, nhiều người đã thấm thía sự nghèo đói, đất đai có nhiều rồi cũng mất vì ly hương, vì nhiều lý do, chỉ có vàng là họ giữ lại được cho nhiều đời con cháu. Thế nên người dân vẫn coi vàng là một phương tiện tích lũy đáng tin cậy, dù giá có giảm họ vẫn tin việc giảm chỉ là xu hướng ngắn hạn. Do đó, vàng vẫn là công cụ đưa nhận hối lộ đáng ưa chuộng.
Minh Hiếu