Sáng ngày 12/9, nhiều người dân ở khu vực trung tâm thành phố Sóc Trăng bất ngờ khi chứng kiến cảnh náo loạn tại sân trụ sở TAND thành phố Sóc Trăng mà nguyên nhân chính là Thẩm phán tuyên án trong khi cả nguyên đơn và bị đơn trong một vụ kiện dân sự chưa kịp vào phòng xử án.
Hồ sơ vụ việc cho thấy: Bà Nguyễn Thị Ngọc, ngụ tại số 93, ngụ tại số 93/1, Trương Công Định, khóm 4, phường 2, TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) mua nhà của ông Đặng Văn Muôn, ngụ tại số 2/4, Tôn Đức Thắng, khóm 1, phường 8, TP Sóc Trăng. Đây là căn nhà sở hữu của ông Muôn được TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên trong vụ án ly hôn với vợ là bà Trần Thị Lẫm, ngụ tại số 2/2, Tôn Đức Thắng, khóm 1, phường 8, TP Sóc Trăng.
Sau đó, bà Ngọc chuyển nhượng căn nhà trên cho ông Lê Ngọc Phượng, cư ngụ Phường 16, Quận 8 TP.HCM. Bà Ngọc nhận tiền đặt cọc 2 tỷ đồng, sau 30 ngày phải hoàn tất hồ sơ chuyển nhượng, nếu không, bà Ngọc phải trả cho ông Phượng 2 tỷ tiền nhận cọc và 2 tỷ do vi phạm hợp đồng.
|
Người dân theo dõi vụ việc và không đồng ý cách hành xử của tòa. |
Ngày 21/02/2013 vợ chồng bà Ngọc nhận được Thông báo thụ lý vụ án của Tòa án nhân dân TP. Sóc Trăng về việc bà Trần Thị Lẫm “Yêu cầu tuyên bố vô hiệu và hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất” mà vợ chồng bà Ngọc đã mua của ông Đặng Văn Muôn với lý do ông Muôn chưa thi hành án cho bà. Trong khi đó, Thi hành án dân sự TP Sóc Trăng xác nhận ông Muôn và bà Lẫm đã thỏa thuận xong về thi hành án, đã có quyết định đình chỉ thi hành án.
Ngày 22/2/2013, Thẩm phán Nguyễn Văn Thanh Bình, TAND thành phố Sóc Trăng, ban hành Quyết định số 01/2013/QĐ-BPKCTT áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (kê biên) đối với căn nhà và đất nói trên. Bà Ngọc khiếu nại quyết định kê biên thì bị TAND TP Sóc Trăng cũng như TAND tỉnh Sóc Trăng bác đơn.
Vì vậy, bà Ngọc không thể hoàn thành việc chuyển nhượng cho ông Phượng theo thảo thuận nên bị ông Phượng khởi kiện ra Tòa đòi bồi thường 4 tỷ đồng theo cam kết ban đầu.
Sau nhiều lần “đưa đẩy”, ngày 6/9/2013, TAND tỉnh Sóc Trăng có Quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND TP Sóc Trăng vì “không đúng qui định”. Quyết định nêu rõ: “Ngày 6/2/2013, ông Muôn với bà Ngọc và ông Thu đã hoàn tất thủ tục Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại phòng công chứng Khánh Hưng, nhưng đến ngày 22/2/2013 mới ra quyết định cấm chuyển dịch là không đúng”. TAND tỉnh Sóc Trăng cũng nêu rõ: “Tại thời điểm bà Lẫm có đơn yêu cầu (kê biên) thì tài sản đã được chuyển dịch cho người khác hợp pháp theo qui định của pháp luật nhưng TAND TP Sóc Trăng vẫn áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi đối tượng bị áp dụng không còn”.
Như vậy, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp của TAND TP Sóc Trăng đã gây thiệt hại rất lớn cả về uy tín cũng như kinh tế của bà Nguyễn Thị Ngọc. Vì sự kê biên không đúng này của Thẩm phán Nguyễn Văn Thanh Bình mà bà Ngọc bị kiện ra tòa và có nguy cơ bị ôm nợ với số tiền 4 tỷ đồng theo yêu cầu của ông Lê Ngọc Phượng.
Tại phiên tòa chiều ngày 11/9, giữa bà Ngọc và ông Phượng đã thỏa thuận được với nhau là bà Ngọc chấp nhận trả 2 tỷ đồng tiền đặt cọc và bồi thường cho ông Phượng 1,9 tỷ đồng (thay vì 2 tỷ như ông Phượng yêu cầu) và được phía ông Phượng chấp nhận. Thế nhưng Thẩm phán Nguyễn Văn Thanh Bình lại không chấp nhận sự thỏa thuận này.
Sáng ngày 12/9, Thẩm phán Bình tuyên: Ông Phượng biết bà Ngọc mua nhà của ông Muôn nhưng chưa sang tên cho bà Ngọc mà vẫn mua là sai; bà Ngọc có lỗi khi không thực hiện hợp đồng giữa bà với ông Phượng. Vì vậy, Tòa chấp nhận một phần yêu cầu của ông Phượng, yêu cầu bà Ngọc trả lại số tiền đặt cọc 2 tỷ đồng; không chấp nhận yêu cầu của ông khi buộc bà Ngọc phải bồi thường 2 tỷ đồng vì vi phạm hợp đồng như thỏa thuận. Án phí cả bà Ngọc và ông Phượng phải chịu mỗi bên trên 70 triệu đồng.
Bà Ngọc nói: “Tòa tuyên khi cả nguyên đơn và bị đơn chưa có mặt là không thể nào chấp nhận được. Chúng tôi không biết tòa tuyên như thế nào, chỉ nghe các nhà báo nói lại lời tuyên của tòa. Tôi chuyển nhượng cho ông Phượng không thể làm hồ sơ vì tòa đã kê biên thì làm sao sang tên được. Vậy mà tòa cho rằng lỗi tại tôi thì thật vô lý. Lỗi này là lỗi tại tòa chứ không phải lỗi tại tôi”.
Dư luận đặt vấn đề: Bà Ngọc chấp nhận bồi thường cho ông Phượng 1,9 tỷ đồng. Vậy tại sao tòa lại không chấp nhận sự thỏa thuận này. Phải chăng tòa thấy mình kê biên sai, nếu chấp nhận tôi bồi thường cho ông Phượng thì nguy cơ tòa sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do kê biên không đúng qui định nên tuyên như vậy để chạy tội của mình?
C.X.L