Vì sao gần 600 HS Hương Bình bị cấm đến trường 2 tháng?

Google News

Năm học mới đã bắt đầu gần 2 tháng, nhưng đến hôm nay, 590 em học sinh ở xã Hương Bình, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) vẫn chưa được đến trường.

Năm học mới đã bắt đầu gần 2 tháng, nhưng đến hôm nay, 590 em học sinh ở 3 bậc học: mầm non, tiểu học và trung học cơ sở của xã Hương Bình, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) vẫn chưa được đến trường.
Nguyên nhân là do người dân phản đối việc sáp nhập trường THCS Hương Bình đến địa điểm mới.
Các lớp học của Trường Tiểu học Hương Bình hiện đang rất thưa thớt học sinh- Ảnh: HTO 
Em nào cũng mong mỏi được trở lại trường
Theo đề án quy hoạch hệ thống trường mầm non và phổ thông đến năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, năm 2014 huyện Hương Khê tiếp tục thực hiện sáp nhập 6 trường THCS; trong đó trường THCS Hương Bình sáp nhập vào các trường THCS Hòa Hải, Phúc Đồng.
Tuy nhiên, người dân ở địa phương không đồng tình chủ trương này vì cho rằng sau khi sáp nhập, học sinh sẽ phải đi học xa hơn (khoảng hơn 8km từ địa điểm cũ đến địa điểm mới).
Theo đó, từ trước khai giảng năm học mới 2014 – 2015, rất đông phụ huynh đã tụ tập trước cổng trường để phản đối; đồng thời gửi đơn, thư đến các cấp có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương và bắt con em của mình ở cả 3 bậc học: Mầm non, tiểu học và trung học cơ sở phải nghỉ học.
Đến thăm trường tiểu học Hương Bình những ngày này, dù trường, lớp luôn trong tình trạng vắng vẻ, mỗi lớp chỉ vài học sinh, có lớp khối 3 không có học sinh nào đến trường nhưng hoạt động dạy học vẫn luôn được duy trì đều đặn.
Cô Phan Thị Anh, hiệu trưởng trường tiểu học Hương Bình cho biết: Trường có quy mô 10 lớp với tổng số 253 học sinh, từ đầu năm học đến nay chỉ khoảng 30 đến 33 em đến trường, chủ yếu là con của cán bộ hoặc giáo viên trong trường.
Ban giám hiệu nhà trường đã chủ động ghép hai lớp trong khối lại thành một để thuận tiện trong việc giảng dạy. Trường đã tổ chức 2 đợt họp phụ huynh và chỉ có đại diện hội phụ huynh của các lớp dự họp, hầu hết phụ huynh không đến.
Cô Anh cũng chia sẻ, các giáo viên sau giờ giảng dạy chuyên môn thường đến tận nhà các phụ huynh tuyên truyền, giải thích về chủ trương sáp nhập trường. Gặp các em học sinh ở nhà, hầu như em nào cũng mong mỏi được trở lại trường học tập.
Ở Hương Bình còn có tình trạng lôi kéo của nhiều người dân, nếu gia đình nào trong xã mà cho con đến trường sẽ bị tất cả mọi người xung quanh cô lập, dọa dẫm...
Điển hình như ở xóm Bình Trung, nhà chị Tuyết anh Thắng có cháu út là Lê Khánh Ly năm nay bước vào lớp 1, nhưng theo phong trào chung của làng xóm, từ đầu năm học đến nay, chị Tuyết đã cho cháu Khánh Ly nghỉ học. Tuy nhiên chị vẫn luôn trăn trở, lo lắng nếu không cho con đi học sẽ khó để tiếp thu chương trình cải cách mới của lớp 1, ở nhà mẹ cũng không thể dạy được nên con sẽ không theo kịp bạn bè.
Anh Thắng đi làm ăn xa cốt chỉ để cho các con được học hành đầy đủ, thường xuyên gọi điện về nhà thúc giục chị Tuyết cho con trở lại trường. Cháu Khánh Ly chỉ mới được đi học từ vài ngày trở lại đây, nhưng gia đình cũng đã gặp phải không ít khó khăn vì bị cô lập và gây phiền phức.
Em Phan Thị Phương Thảo, xóm Bình Hải là một trong hai học sinh khối lớp 5 đang có mặt ở trường tâm sự: Cháu rất vui khi được đến trường học tập nhưng cũng rất nhớ các bạn nghỉ học.
 Nhiều lớp luôn trong tình trạng vắng vẻ nhưng hoạt động dạy học vẫn luôn được duy trì đều đặn- Ảnh: HTO.
Ông Lê Xuân Điều, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Bình cho biết, cùng chung tình trạng với trường tiểu học, trường mầm non chỉ có 35/220 cháu đến lớp, cấp THCS có 64/247 học sinh đi học. Từ trước khai giảng đến nay, xã đã thành lập 9 tổ, thuộc 9 xóm do các cán bộ xã phụ trách các đơn vị cùng với bí thư, xóm trưởng đến tận nhà vận động, giải thích, nhưng hầu như đều bị người dân trốn tránh và không tiếp.
Các tổ vận động vẫn xuống các xóm liên tục với mong muốn giải thích để người dân hiểu và tiếp tục cho con em đến trường vì chủ trương đã ban hành, học sinh không được đi học là thiệt thòi cho các cháu.
Ông Điều cũng cho biết thêm, số học sinh không được đến trường, ở nhà không học tập mà chơi bời rất dễ hư hỏng. Ông mong muốn người dân hiểu được chủ trương sáp nhập trường là đúng đắn mà cho con em trở lại trường.
Tạo điều kiện để các em đến trường
Ông Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho rằng: Không nên vì lợi ích nhỏ mà quên đi quyền lợi lâu dài, bà con cần sớm đưa con em đến trường, đó là nhiệm vụ của các bậc phụ huynh và là quyền được học tập, vui chơi của con em.
Căn cứ kết quả điều tra phổ cập, từ năm học 2014 - 2015 đến năm học 2019 - 2020, số học sinh trường THCS Hương Bình chỉ dao động từ 200 - 247 em, được biên chế tối đa 8 lớp, quy mô như vậy sẽ không phù hợp với Đề án quy hoạch hệ thống trường, lớp đến năm 2020 của UBND tỉnh Hà Tĩnh.
Đồng thời, với quy mô 8 lớp, theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo và Bộ Nội vụ chỉ bố trí được 15 giáo viên/14 môn giảng dạy, do đó giáo viên phải dạy chéo môn, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Trường THCS Hương Bình đạt chuẩn quốc gia vào năm 2006; được công nhận đạt chuẩn quốc gia tháng 5/2011; nhưng đến tháng 3/2014, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức kiểm tra, rà soát các trường chuẩn quốc gia thì trường THCS Hương Bình không còn đạt chuẩn về cơ sở vật chất.
Cụ thể là trường chưa đủ các khối công trình theo quy định, còn thiếu nhà đa chức năng, phòng y tế học đường, phòng thường trực bảo vệ, các phòng kho đúng tiêu chuẩn, phòng sinh hoạt tổ chuyên môn, nhiều hạng mục đã xuống cấp như tường rào, sân trường...
Từ thực trạng trên, với số lượng học sinh ít, quy mô trường nhỏ, sẽ không đủ điều kiện nguồn lực để đáp ứng yêu cầu xây dựng trường THCS Hương Bình đạt chuẩn.
Bởi vậy, mới có chủ trương sáp nhập trường THCS Hương Bình vào hai trường THCS Hòa Hải và Phúc Đồng. Theo điều tra, trường THCS Hòa Hải duy trì từ 14 lớp trở lên; năm học 2014 - 2015 trường có 410 học sinh với 14 lớp. Xã Phúc Đồng là điểm trung tâm của vùng hạ huyện Hương Khê, quy mô trường hiện nay là 309 học sinh với 14 lớp. Nếu số học sinh Hương Bình tiếp tục đến trường theo kế hoạch, quy mô trường THCS Phúc Đồng sẽ tăng lên 470 em.
Người dân xã Hương Bình trình bày một số băn khoăn, lo lắng trong quá trình nhập trường- Ảnh: HTO.  
Theo khảo sát, học sinh Hương Bình đến các trường Hòa Hải, Phúc Đồng, nếu chọn trường thuận lợi, cung đường ngắn hơn thì đường từ nhà đến trường không quá 8,3 km, không qua sông suối.
Trước thực trạng đó, huyện Hương Khê đã có chính sách đối với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, có nguyện vọng học tại Trường phổ thông dân tộc nội trú Hương Khê thì được xem xét. Học sinh THCS của xã Hương Bình học tại các trường sau sáp nhập được miễn các khoản đóng góp xây dựng cơ sở vật chất năm học 2014 - 2015; những học sinh của các xóm thuộc diện 135, khoảng cách từ nhà đến trường 7 km trở lên được hưởng chính sách hỗ trợ gạo theo Quyết định 36/2013/QĐ-TTg ngày 18/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
UBND huyện Hương Khê đã giao UBND xã Hương Bình thống kê, lập danh sách những học sinh có hoàn cảnh khó khăn để xem xét, tạo điều kiện giúp đỡ mua xe đạp cho các em đến trường.
Như vậy, việc sáp nhập trường THCS Hương Bình vào các trường THCS Hòa Hải, Phúc Đồng vừa có tính khoa học, vừa phù hợp với tình hình thực tế, hoàn toàn đáp ứng mục tiêu quy hoạch, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài.
Theo TTXVN