Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo nghị định của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế để lấy ý kiến người dân.
Liên quan tới vấn đề này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
- Ông có bình luận gì về con số 100.000 mà nhiều người cho là không tưởng, bất khả thi?
- Theo tôi được biết, hiện nay chúng ta có tới 6 triệu người ăn lương nhà nước. Có thể thấy con số này quá lớn so với tổng số dân. Bộ máy phình to nhưng việc thì không chạy. Do vậy, việc tinh giản biên chế là cần thiết. Nhưng tinh giản bao nhiêu và làm thế nào để tinh giản được là những vấn đề đòi hỏi phải nghiên cứu rất kĩ và chỉ đạo rất sát sao.\
|
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết. |
Ai cũng nhận thấy ở nhiều cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước hiện nay, số cán bộ, công chức, viên chức làm việc không phù hợp với năng lực, không đạt yêu cầu, thậm chí chây lười, yếu kém rất nhiều. Theo ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, con số đó chiếm khoảng 30% tổng số “người nhà nước”. Còn theo phát biểu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trước Quốc hội thì con số đó là 1%. Tôi chưa hiểu giảm bớt 100.000 người nghĩa là giảm bao nhiêu % và dựa trên cơ sở tính toán như thế nào.
Thông thường, để xác định được tổng số nhân lực cần thiết cho công việc nhà nước thì trước hết phải lập được danh mục các nhiệm vụ và số người cần cho mỗi nhiệm vụ. Nhưng đây là một công việc đồ sộ, phức tạp, đòi hỏi tính toán rất khoa học.
Qua theo dõi lĩnh vực đào tạo nhân lực, tôi thấy nhiều chỉ tiêu, mục tiêu ở nước ta hình như chỉ được xác định theo kiểu ang áng, phỏng chừng.
Ví dụ, chỉ tiêu về phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020 được xác định trong Nghị quyết Đại hội XI là 400 - 450 sinh viên/10.000 dân. Đến Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020 được ban hành theo Quyết định số 5798/QĐ-TTg ngày 19/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ thì chỉ tiêu được sửa thành 400 SV/10.000 dân.
Chỉ sau đó 2 năm, theo Quyết định số 37/2013/QĐ-TTg ngày 26/6/2013 về điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006-2020, chỉ tiêu số SV/10.000 dân được xác định lại là khoảng 256, tức là giảm tới 46% so với chỉ tiêu được xác định trước đó.
Điều này cho thấy các con số đưa ra đều là sản phẩm của óc tưởng tượng, không có căn cứ khoa học gì. Nay, Bộ Nội vụ đề ra chỉ tiêu giảm biên chế 100.000 người. Nếu chỉ tiêu ấy cũng được xác định theo kiểu áng chừng thì khó có thể đạt được.
Trong quá khứ, việc tinh giản biên chế đã được đặt ra nhiều lần, nhưng chưa bao giờ thực hiện được. Thậm chí, cứ sau mỗi lần quyết giảm thì biên chế lại tăng lên.
Vì vậy, tôi cho rằng lo lắng, băn khoăn, nghi ngờ của người dân khi nghe con số tinh giản 100.000 cán bộ, công chức, viên chức từ nay đến 2020 là hoàn toàn có cơ sở. Có lẽ chúng ta khó mà thực hiện được.
- Theo ông, vì sao đã nhiều lần có chủ trương tinh giản biên chế nhà nước mà chúng ta không giảm được ?
- Biên chế nhà nước như cái đò dọc. Dù nó đi chậm nhưng an toàn, nhất là cho những anh không biết bơi. Bởi vậy, anh nào không bơi được thì chẳng dại gì bỏ nó. Nhiều anh bơi giỏi nhưng bơi thì bơi, vẫn giữ một chỗ trên đò, vì tuy chật chội nhưng nó cũng tạm đủ tiện nghi.
|
Theo ông Thuyết, rất khó để tinh giản 100.000 công chức. |
An toàn và tiện nghi như thế nên qua các bến chỉ có khách lên thêm, chứ ít ai xuống. Nhiều anh tới bến lẽ ra phải xuống nhưng vẫn cố đi thêm một đoạn. Còn chưa tới bến mà cho nhau xuống ư? Vừa không nỡ, vừa lo kiện cáo rách việc, thế cho nên thường thì người ta tặc lưỡi cho qua.
Bên cạnh đó, biên chế mỗi ngày mỗi tăng vì có nhiều đạo luật trình Quốc hội thông qua phát sinh thêm tổ chức này, tổ chức kia. Thêm một tổ chức là thêm bao nhiêu người, bao nhiêu ghế.
Ở địa phương do những yêu cầu khác nhau, quận, huyện, xã chia tách liên tục. Cứ tách một huyện ra làm hai tức là phải tăng thêm số người trong biên chế rồi. Có nơi phải tăng gấp đôi số lượng cán bộ, công chức, viên chức mới được.
Rồi thì con cháu “các cụ” cũng rất nhiều thì làm sao mà tinh giản biên chế được? Các “cháu” cứ ra trường là “ta” lại phải tìm cách bố trí việc làm.
- Từ nhiều năm nay, chủ trương của chúng ta là không tinh giản biên chế nữa mà tập trung vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Vậy chỉ tiêu trên chẳng phải đang đi ngược với chủ trương đó?
- Tôi cho rằng tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ phải được thực hiện song song với nhau. Có giảm bớt những người không đạt yêu cầu thì Nhà nước mới có điều kiện trả lương xứng đáng cho những người làm việc hiệu quả, từ đó khuyến khích người ta không ngừng nâng cao chất lượng lao động. Ngược lại, có nâng cao được chất lượng nhân lực thì mới tinh giản được bộ máy.
Hiện nay rất khó để nói tới chuyện chất lượng cán bộ, công chức, viên chức bởi khi lực lượng quá đông, trả lương vừa thấp vừa theo kiểu cào bằng, thì người lao động chỉ làm việc cầm chừng “chân trong, chân ngoài” thôi.
- Theo ông, nếu tinh giản cán bộ, công chức, đối tượng nào sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất?
- Việt Nam mình đang có số lượng cán bộ, công chức, viên chức quá lớn, nếu tính trên số dân thì lớn hơn rất nhiều so với các nước khác.
- Nhiều người nước ngoài không thể hình dung được tại sao ở Việt Nam nhiều tổ chức xã hội lại do Nhà nước cấp kinh phí, người làm việc ở các tổ chức này lại được xếp vào các ngạch bậc cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Bởi vì ở hầu hết các nước, kinh phí hoạt động của các tổ chức xã hội đều dựa trên đóng góp của hội viên và ủng hộ viên.
Đằng này ở nước mình, tổ chức xã hội không những hưởng kinh phí từ ngân sách nhà nước mà bộ máy cũng rất cồng kềnh; cứ “bên Nhà nước” có bộ ngành gì thì bên đoàn thể cũng có ban bệ tương ứng. Nói ngắn gọn là các nước khác chỉ có một chính quyền, ở mình có tới 4 – 5 chính quyền.
Tất cả đều là công chức ăn lương nhà nước hết thì ngân sách nào chịu nổi!
Nhưng nói vậy cũng chưa hết cái kì lạ của nước mình. Đến các doanh nghiệp, từ doanh nghiệp may quần áo, cũng của Nhà nước; cán bộ, công nhân cũng trong biên chế nhà nước.
Các doanh nghiệp này sử dụng tài nguyên quốc gia, kinh doanh bằng vốn từ ngân sách nhà nước, lỗ lãi không biết đâu mà lần. Những kiểu làm ăn phá của như Vinashin, Vinalines sờ đâu cũng thấy, chỉ có điều chưa sờ tới thì vẫn báo cáo hay được thôi. Như thế thì làm sao mà giàu, mà khá lên được? Cho nên phải giảm!
Trước hết phải giảm số lượng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước. Từ nay đến khi giảm được biên chế, không tăng thêm tổ chức, không chia tách thêm đơn vị hành chính. Các tổ chức xã hội đang hưởng ngân sách nhà nước chỉ giữ lại bộ khung cán bộ ở cấp trung ương và cấp tỉnh.
Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Còn bên trong mỗi cơ quan, đơn vị thì cần căn cứ vào công việc mà xác định biên chế và cấp kinh phí chi thường xuyên, trong đó có lương; rồi lãnh đạo cơ quan, đơn vị căn cứ vào kinh phí được cấp mà xác định biên chế của mình. Kinh phí chỉ có vậy, “anh” tuyển đủ số lượng thì thu nhập khá, còn tuyển dư thừa thì chịu thu nhập thấp. Cơ quan, đơn vị làm việc kém hiệu quả thì “anh” bị miễn nhiệm. Có vậy mới mong giảm được biên chế.
- Tinh giản biên chế chẳng phải là dịp tốt để người ta “chạy chức, chạy quyền”, “cậy ô dù” sao?
- Ở nước ta, việc đó đã trở thành chuyện thường ngày rồi. Tôi chỉ lo nếu ồ ạt giảm biên chế, có khi chính những người làm tốt, hay đấu tranh sẽ thuộc diện bị tinh giản, còn những người kém cỏi, có ô dù lại được yên thân.
- Ông đang muốn nói tới chuyện lãnh đạo trù dập cán bộ, nhân viên cấp dưới?
- Trên thực tế, chuyện đó đã từng xảy ra rồi chứ không phải là không có. Cho nên, để thực hiện được chủ trương tinh giản biên chế, cần phải có những tiêu chuẩn rất rõ ràng, thực hiện một cách công khai, minh bạch, tuyệt đối không thể làm dấm dúi được.
Ai giảm, ai không giảm? Lý do vì sao? Theo tiêu chuẩn nào? Tất cả những cái đó phải được công khai, minh bạch thì mới tránh được tình trạng trù dập nhau.
- Sẽ là thiệt thòi cho các cơ quan Nhà nước nếu tinh giản “nhầm” những người có năng lực bởi họ chắc chắn sẽ tìm được những công việc khác với mức lương cao hơn, thậm chí họ còn được hưởng một khoản không hề nhỏ từ việc về hưu sớm.
- Đương nhiên những người có năng lực tốt mà tìm được việc ở khu vực ngoài Nhà nước thì tôi cũng ngoan nghênh bởi như thế là họ vẫn đóng góp cho sự phát triển của xã hội, của đất nước. Làm việc trong hay ngoài khu vực Nhà nước thì vẫn vậy. Những cơ quan không biết dùng người sẽ phải tự chịu trách nhiệm về sự phát triển của mình.
- Ông có bình luận gì về cái vòng luẩn quẩn tuyển dụng – tinh giản – tuyển dụng?
- Đó là quy trình sàng lọc nhân lực rất bình thường. Dĩ nhiên, nếu cứ tuyển dụng sai rồi sa thải thì sẽ gây lãng phí tiền của của dân, nhưng khi phát hiện người đã tuyển không đủ “chất lượng”, ta đưa ra khỏi biên chế kịp thời còn hơn để lãng phí thêm tiền của dân.
Hiện nay tôi thấy quá trình tuyển dụng, sàng lọc của ta chưa thật rõ ràng, minh bạch, khách quan. Cuối cùng chúng ta cứ phải chạy theo một cái vòng luẩn quẩn mà không giải quyết được vấn đề.
Tôi cho rằng tinh giản 100.000 công chức là ý tưởng của Bộ Nội vụ thôi còn thực hiện ra sao là cả một vấn đề rất khó, không đơn giản.
- Xin cảm ơn ông!
Theo VTC News