Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, việc Việt Nam buộc phải mua 13 đoàn tàu của Trung Quốc trong dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông là điều hiển nhiên vì chúng ta đã ký thỏa thuận khi vay vốn ODA. Không phải cứ tàu của Trung Quốc là chất lượng kém, vấn đề nằm ở chỗ ta có bố trí đúng người đủ năng lực và đạo đức để thẩm định, nhập tàu đúng chuẩn về hay không.
Không thể không mua tàu của Trung Quốc
Ngày 9/6, Bộ GTVT có thông cáo báo chí trả lời về nguyên nhân lựa chọn 13 đoàn tàu Trung Quốc cho dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông. Lý do được đưa ra là vì dự án đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo hiệp định khung ký kết giữa chính phủ hai nước nên Việt Nam phải sử dụng nhà thầu Trung Quốc và các gói thầu cung cấp trang thiết bị từ nước này. Kiểu ràng buộc đó liệu có lo rằng tàu chúng ta mua không đảm bảo chất lượng?
Đó là dự án xây dựng bằng vốn vay ODA, chúng ta đã ký cam kết thỏa thuận rõ ràng nên phải chấp hành, không thể không mua tàu của Trung Quốc. Chúng ta phải tuân thủ kỹ thuật, công nghệ, vật tư của họ. Lo lắng của người dân là hoàn toàn có cơ sở vì vừa rồi có một vài sự việc xảy ra, lộ ra việc nhà thầu làm kém quá, đội giá đến hàng trăm triệu đô la rồi các rủi ro, tai nạn, chậm tiến độ trong quá trình thi công. Nên từ anh lái taxi đến xe ôm, dân thường, cảm thấy mất lòng tin với nhà thầu.
Nhưng lo lắng của người dân là có cơ sở?
Đúng, tôi nhìn nhận việc này là chúng ta buộc phải theo ràng buộc ODA. Còn cũng đừng quá lo lắng về tàu của Trung Quốc, vì dù là tàu điện ngầm hay tàu điện trên cao, đến giờ Trung Quốc cũng có công nghệ ngang bằng với các nước phát triển. Trước đây thì đường sắt, cầu, đầu máy... chúng ta đều nhập từ Trung Quốc mà đâu có vấn đề gì. Các cán bộ khoa học sang Trung Quốc đào tạo cũng đã thành công. Trung Quốc cũng đang xuất khẩu tàu cao tốc ra thế giới, nên tôi cho rằng kỹ thuật, công nghệ của họ là đảm bảo.
Nhưng lấy gì để đảm bảo sản phẩm họ bán cho ta là đảm bảo?
Đấy, tôi cũng muốn nói đến chỗ đó. Vấn đề là chúng ta chọn đối tác nào, nhà máy nào, với các sản phẩm cụ thể, là nhà máy ở Thiên Tân hay Quảng Châu, sản phẩm của họ đạt trình độ thế giới chưa, ta phải nắm được. Chúng ta kiểm tra thiết kế, giám sát, chọn tàu... đều phải có người có đủ trình độ để lựa chọn. Kỹ thuật tàu có nhiều ngành lắm, ví dụ như tự động hóa, điện tử, cơ khí, kể cả về các vấn đề tiện nghi, an toàn. Một cái tàu có 3 loại hãm, hãm điện, hãm cơ và hãm từ tính. Phải có đủ hết mới nhận tàu về.
Thứ nữa là khi nhận tàu, phải xem kỹ thuật, công nghệ đảm bảo tiên tiến trên thế giới. Mà chính những người đi lựa chọn tàu phải nắm được những công nghệ này. Giá cả thế nào, an toàn ra sao, độ bền, các vật tư có tiếp cận tiên tiến thế giới không. Mỗi hạng mục phải có một chuyên gia như một công trình sư, nắm tổng thể.
Việc Nam chưa có kinh nghiệm sản xuất tàu, liệu có đủ kiến thức để thẩm định?
Chúng ta có đủ chuyên gia về tự động hóa, điện, thông gió, an toàn... để nắm được toàn bộ công nghệ, thiết kế của tàu. Vấn đề là Bộ GTVT và ngành đường sắt phải cử đúng người đi thẩm định, chứ nếu lại cử những anh lờ vờ, con ông cháu cha, kỹ thuật kém, sang Quảng Châu, Thượng Hải đi chơi, đi du lịch thì...
|
TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải nói về việc mua 13 đoàn tàu của Trung Quốc. |
Người giỏi thì khó bị lừa
Bộ GTVT cho biết, 13 đoàn tàu có trị giá trên 63 triệu USD bao gồm cả tiền bảo hiểm và vận chuyển. Mỗi đoàn tàu gồm 4 toa, các đơn vị sản xuất, lắp ráp đoàn tàu đều phải thông qua đấu thầu. Bộ GTVT đã xem xét và đang cho làm đoàn tàu mẫu để xin ý kiến đóng góp của chuyên gia và nhân dân cả nước.
Nói như ông thì việc có nhập được tàu đúng chất lượng không là do phía ta?
Đúng thế, giống như việc đi mua hàng trong siêu thị, nếu anh nắm rõ được đặc điểm, bản chất, phân biệt được thật giả thì chắc chắn là người ta khó mà lừa anh được. Ngược lại, nếu anh không có hiểu biết thì ngay cả mua một cuốn vở cũng có thể bị lừa. Vì thế, chúng ta phải có biện pháp, cơ chế chọn được tàu đúng chuẩn về. Để làm được thế thì phải có người có đủ trình độ, hiểu biết để chọn lọc, giám sát, nghiệm thu, không có tiêu cực, nhũng nhiễu.
Làm thế nào để tránh được tiêu cực kiểu như chia chác để nhập tàu chất lượng kém về?
Việc đó thì phải kiểm soát chặt chẽ, cũng là thứ đáng lo nhưng tôi nghĩ không nên lo lắng quá mức vì con tàu nó lồ lộ như thế, mất an toàn là gây hậu quả ngay, nên không ai dám làm thế cả. Nhưng việc chọn đúng đối tác để “gửi vàng”, nắm vững kỹ thuật để không bị “lừa” là những việc cần phải lưu ý. Trong quá trình xây dựng nên cử cán bộ đi học về tàu, công nghệ rất đơn giản, hoàn toàn có thể kiểm soát được. Những người làm giao thông ở ta biết hết đấy, tôi tin thế.
Nói như ông thì việc chọn lựa đối tác rất quan trọng, cũng có những đối tác không đảm bảo tiêu chuẩn tàu?
Đúng thế, thị trường mà, cũng có những đối tác có thể lừa gạt mình chứ. Thị trường là cạnh tranh, khi đấu thầu có thể họ hạ giá để trúng thầu, nhưng khi hạ giá thì họ buộc phải sử dụng các vật tư kém chất lượng, giá nào tiền ấy. Ta phải bám sát điều đó để kiểm tra kỹ thuật, an toàn. Nên tôi khẳng định, nhập về tàu gì là do mình, từ khâu chọn lọc đối tác đến giám sát kỹ thuật. Trình độ đạt chuẩn thì sẽ nhập được tàu đạt chuẩn.
Là người dân, tôi cũng nói không
Vấn đề ở chỗ trong lĩnh vực thi công xây dựng, công trình giao thông, những vụ việc tiêu cực từ trước đến nay khá lớn khiến niềm tin của người dân giảm sút, lo lắng về tiêu cực?
Khi xây đường cầu vượt thì nhiều người kêu là mất đi cảnh quan, các kiến trúc sư can đừng làm, thế thì giao thông sẽ còn tắc. Theo tôi không nên quá cực đoan, nhiều người ích kỷ quá, cứ nghĩ kiến thức mình là siêu đẳng, nói gì cũng đúng. Làm gì cũng phải nghĩ đến người dân, đến việc nó làm lợi gì cho người dân thì cân nhắc nên làm, theo nguyên lý tiết kiệm, hiệu quả.
Khi chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ của Trung Quốc, khi vận hành thì liệu chúng ta có gặp khó?
Chúng ta đã cử nhân lực đào tạo về lái tàu, sửa chữa, điều hành... Đây là các yếu tố đơn giản. Cái khó là sửa chữa, nhưng cũng đã có tiêu chuẩn rồi, hỏng thì thay. Còn sửa chữa nhỏ, người Việt Nam vốn khéo tay và thông minh nên chúng ta không phải lo lắng quá đâu.
Thực tế thi công tuyến đường sắt vừa qua khiến chúng ta không thể không cẩn trọng, điều người dân quan tâm nhất vẫn là chất lượng tàu, khi đưa vào sử dụng sẽ ra sao?
Bản thân tôi, tôi không lo ngại về kỹ thuật Trung Quốc vì những lý do vừa nói. Tuy nhiên, nếu đứng ở góc độ người dân thì tôi cũng sẽ nghĩ không nên mua tàu Trung Quốc.
Xin cảm ơn ông và hy vọng người dân sẽ được hưởng thụ những tuyến đường sắt hiện đại, an toàn!
Một vài sự cố của công trình thi công đường sắt trên cao vừa qua, ngoài yếu tố của nhà thầu thì cũng bộc lộ những yếu kém, tiêu cực phía Việt Nam. Những vụ việc đó đã bị phanh phui. Nên tôi mới nói, vấn đề nằm ở chúng ta nữa, nếu ta giỏi, ta chắc chắn, ta có trách nhiệm với nhân dân, hiểu biết về kỹ thuật thì không ai “lòe” mình được. Tôi tin rằng dù có phụ thuộc vốn vay ODA thì không có nghĩa là ta phải làm theo mọi yêu cầu của họ. Tôi dùng ODA của anh nhưng anh phải đảm bảo kỹ thuật cho tôi, đảm bảo tiến độ, giá cả hợp lý chứ không thể dùng ODA bằng mọi giá.
Tô Hội (Thực hiện)