Viện nghiên cứu được tự chủ: “Cởi trói” để vươn xa

Google News

(Kiến Thức) - Với các quyền tự chủ cao nhất trong hoạt động, tài chính, nhân lực..., các viện này có thể triển khai các nghiên cứu đẳng cấp quốc tế.

Việc tập trung đầu tư với những cơ chế ưu đãi đặc biệt các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ đặc biệt sẽ là cú hích để đưa khoa học đi lên. Trước tiên là tạo cơ chế tự chủ cho cơ sở khoa học công nghệ đặc biệt.
 Ảnh minh họa.
Theo Bộ KH&CN, để đạt được mục tiêu cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, Việt Nam cần có một lực lượng KH&CN mạnh, năng động và hiệu quả, làm đòn bẩy thúc đẩy tốc độ và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Bộ KH&CN đã đề xuất những quy định về quyền tự chủ về tài chính và tài sản, quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân lực, chính sách ưu đãi về thuế đối với các cơ sở nghiên cứu KH&CN đặc biệt (viện). 
Cơ sở nghiên cứu đặc biệt áp dụng cơ chế ưu đãi là tổ chức nghiên cứu và phát triển công nghệ tiên tiến đa ngành phục vụ các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên, được tổ chức theo mô hình một viện tiên tiến... Viện được tự chủ về tài chính và tài sản, được quyền xây dựng và phê duyệt Quy chế quản lý tài chính để quản lý các nguồn tài chính của viện, được quyền quyết định chế độ, tiêu chuẩn, nội dung, định mức chi, bao gồm chi thực hiện các nhiệm vụ KH&CN và chi hoạt động thường xuyên...
Theo TS Trương Đình Công, Đại học Quốc gia Hà Nội, với các quyền tự chủ cao nhất trong hoạt động, quản lý tài chính và tài sản, tổ chức bộ máy và nhân lực, các viện này sẽ có thể triển khai các nghiên cứu đẳng cấp quốc tế để phát triển công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo nhân lực kỹ thuật cao cho các doanh nghiệp, phát triển công nghệ nội địa để thay thế công nghệ nhập khẩu, tiến tới sáng tạo các công nghệ nguồn thúc đẩy động lực tăng trưởng của các ngành công nghiệp và kinh tế then chốt trong tương lai. Mọi hoạt động liên quan đến tài chính, công nghệ đều được tự chủ, đồng nghĩa các viện này sẽ được "cởi trói". 
Nhưng theo TS Trương Đình Công, để có sự đột phá mang tính bước ngoặt, đặt khoa học vào vị trí là "động cơ" của chiếc xe thì không đơn giản là "cởi trói", để cơ sở khoa học tự lớn. Chiến lược đầu tư bài bàn, mạnh bạo, dám đánh đổi, chấp nhận rủi ro để phát triển khoa học mới là bài toán lâu dài. Được tự chủ, chắc hẳn viện sẽ hoạt động trơn tru hơn, nhưng cũng không tránh khỏi nguy cơ "tự chủ" quá đà, tiêu cực, tham nhũng trong chính những liên kết phát triển ấy. Và viễn cảnh năm 2020 vẫn là một cái mốc còn lắm chông gai.
Hà Bình