Liên quan tới vụ việc Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan Hải Dương (HD981) trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, mới đây Hội luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư đã kiến nghị kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về hành vi xâm chiếm lãnh thổ, đe dọa dùng vũ lực và sử dụng vũ lực với quốc gia khác.
Hiện, dư luận đang rất quan tâm đến việc nếu Việt Nam khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế thì hồ sơ chuẩn bị ra sao và quy trình khởi kiện như thế nào.
Để làm rõ vấn đề này, Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Luật sư Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển, người đã kiến nghị Chính phủ đứng đơn kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế về hành vi xâm chiếm lãnh thổ, đe dọa dùng vũ lực và sử dụng vũ lực với quốc gia khác.
Theo Luật sư Hoàng Ngọc Giao, Việt Nam có thể lập các hồ sơ, thủ tục theo quy định của Toà án Luật Biển quốc tế để kiện Trung Quốc về việc xâm phạm quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Thậm chí, Việt Nam còn có thể kiện Trung Quốc xâm phạm chủ quyền trên các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam ra Toà án Công lý quốc tế của Liên Hợp Quốc.
|
Không chỉ đưa giàn khoan xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, tàu Trung Quốc còn bắn vòi rồng vào tàu công vụ Việt Nam.
|
Về việc kiện ra Tòa án Công lý Quốc tế, Luật sư Giao dẫn giải ví dụ cụ thể như Tòa án Công lý Quốc tế xem xét biển Bắc giữa một số nước như Na Uy, Đan Mạch, Cộng hòa liên bang Đức và đã phân xử. Gần đây, cũng đã có vụ kiện ra tòa án Công lý Quốc tế giữa Thái Lan với Campuchia liên quan đến một ngôi đền, Tòa cũng đã ra phán quyết về vấn đề lãnh thổ. Việt Nam hoàn toàn có thể yêu cầu Trung Quốc ra tòa án tài phán quốc tế giải quyết vấn đề liên quan đến các đảo Trường Sa, Hoàng Sa.
“Sự khác nhau giữa tòa án Luật biển và tòa án Công lý Quốc tế là ở chỗ theo quy định của Toà án Công lý quốc tế, chỉ khi nào có các bên đương sự trong cuộc tranh chấp đồng ý chấp nhận thẩm quyền giải quyết của tòa án Công lý Quốc tế. Trong trường hợp Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án Công lý Quốc tế, cần sự chấp thuận của Trung Quốc ra tòa thì tòa mới xem xét. Đó là cái khó khăn nhưng không vì khó khăn đó mà chúng ta không làm. Bởi chúng ta làm hồ sơ kiện ra tòa Công lý Quốc tế về chủ quyền các đảo Hoàng Sa, Trường Sa thì đây là thách thức lớn với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc không chấp nhận vụ kiện này, họ bộc lộ cho cả thế giới biết rằng, những yêu sách, luận điệu, chứng cứ của họ với chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là không có căn cứ pháp luật”, Luật sư Giao cho biết.
Lý giải về việc Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra tòa án Luật biển, Luật sư Giao cho hay: “Hiện nay, Trung Quốc đang dùng vũ lực đang xâm chiếm vùng đặc quyền kinh tế và vùng biển nước ta hiện nay thì cần thiết phải khởi kiện ngay ra tòa án Luật biển như Philippines đang làm. Khi Philippines kiện thì Trung Quốc cũng không chấp nhận thẩm quyền của tòa án, không chấp nhận đưa ra tòa án Luật biển nhưng tòa vẫn chấp nhận đơn kiện của Philippines. Khác biệt so với tòa án Công lý Quốc tế là tòa án Luật biển có được cơ chế giải quyết tranh chấp, giải quyết vấn đề ở biển. Vụ việc vừa rồi, Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng công ước luật biển dù Trung Quốc có chấp nhận hay không chấp nhận thẩm quyền đó thì vẫn có thể xem xét và ra phán quyết, về thủ tục chúng ta phải làm như vậy”.
|
Luật sư Hoàng Ngọc Giao. |
“Thủ tục về hồ sơ và trình tự kiện thì đây là vụ việc không hề đơn giản. Chúng ta phải dày công chuẩn bị bộ hồ sơ của chúng ta, chuẩn bị các căn cứ lịch sử, căn cứ pháp lý đầy đủ, để chứng minh rằng ở vùng Trung Quốc đang có hành động xâm chiếm ấy chính là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vùng đó chính là vùng thềm lục địa của Việt Nam. Đồng thời, chúng ta phải tiến hành lập hồ sơ và tuân theo yêu cầu thủ tục của tòa Luật biển. Bởi tòa Luật biển có quy chế riêng về tố tụng mà chúng ta phải tuân thủ”, Luật sư Giao cho biết.
“Chúng ta hoàn toàn có đủ căn cứ pháp lý chứng minh vùng biển đó là đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Cơ sở trước hết là theo các quy định của công ước luật biển quốc tế về Luật Biển quốc tế năm 1982 về việc cho các quốc gia liên bờ được xác định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình theo những tiêu chí mà công ước quy định. Khi Việt Nam xác định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của ta, chúng ta đã tuân thủ các tiêu chuẩn, các quy định mà công ước Luật Biển năm 1982 quy định. Hồ sơ đó chắc chắn chúng ta đã có. Chúng ta cùng với Malaysia đã trình cho Ủy ban Ranh giới thềm lục địa theo Công ước luật biển. Về mặt pháp lý, chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm rằng đó là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta. Hơn nữa, giàn khoan và tàu Trung Quốc đi vào đặc quyền kinh tế của ta các ranh giới nước ngoài 80 hải lý là quá sâu nên không thể nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta”, Luật sư Giao khẳng định.
|
Người dân Việt Nam phản đối hành vi xâm lấn hải phận Việt Nam của Trung Quốc.
|
Nói về việc Trung Quốc lập luận rằng vị trí giàn khoan nằm ở gần một đảo ở Hoàng Sa, Luật sư Giao nhấn mạnh: “Đến nay, đảo Hoàng Sa chưa ai công nhận của Trung Quốc, mà Trung Quốc độc chiếm của nước ta bằng vũ lực chưa bao giờ được công nhận, nên căn cứ của Trung Quốc không thể nào vững được. Chúng ta có thể yên tâm mà kiện ra tòa Quốc tế”.
“Về mặt nội dung, chúng ta không ngại. Chúng ta yên tâm rằng, phán quyết của Tòa án Luật biển sẽ có lợi cho chúng ta, khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa; đồng thời thể hiện quan điểm đúng đắn của Chính phủ Việt Nam là giải quyết mọi tranh chấp, xung đột bằng phương pháp hòa bình, chứ không phải vũ lực”, Luật sư Giao cho hay.
Hơn nữa, liên quan đến việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Luật sư Giao cho biết, tập đoàn Dầu khí Việt Nam có thể kiện Tập đoàn Dầu khí Hải Dương Trung Quốc đã gây thiệt hại về kinh tế ra toà án của Việt Nam. Toà án Việt Nam có đủ thẩm quyền phán quyết, thậm chí cưỡng chế thi hành trong vụ kiện này. Các tàu khai thác dầu khí của Trung Quốc hoạt động trong vùng thuộc chủ quyền Việt Nam có thể bị bắt giữ để đảm bảo việc thi hành án.
Hải Ninh