Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho rằng, các đối tượng không đi bộ đội mà làm giả hồ sơ hưởng chính sách, người tổ chức đường dây, lãnh đạo cơ quan thông đồng với đối tượng để công nhận giấy tờ hợp lệ... là những đối tượng cần phải xử lý nghiêm. Lãnh đạo dù đã nghỉ hưu cũng phải xử lý nghiêm.
Nghiêm trị
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên cho biết, vấn đề làm giả hồ sơ hưởng chế độ chính sách là một trong những chuyện khá nhức nhối. “Mỗi lần tôi đi tiếp xúc cử tri đều nhận được rất nhiều câu hỏi về vấn đề này”, ông nói.
Theo ông Tiên, với những người đã từng tham gia chiến tranh, có hoạt động ở vùng chất độc da cam, nhưng vì giấy tờ không có, không làm cách nào chứng minh được mình bị nhiễm chất độc da cam để được hưởng chính sách, thì ở góc độ quản lý nhà nước cũng phải rất thông cảm. Vì yêu cầu giấy tờ, thủ tục mà người bị ảnh hưởng thật phải làm hồ sơ giả để hưởng chính sách.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội thẳng thắn: “Bản thân tôi luôn trăn trở với những người thuộc diện này. Còn với những người không tham gia chiến tranh, người móc nối đường dây làm giả, lãnh đạo quản lý thông đồng để làm hồ sơ giả hưởng lợi thì phải nghiêm trị”.
“Việc làm hồ sơ hưởng chế độ chất độc màu da cam được phân chia làm nhiều đợt. Đợt đầu tiên theo tôi được biết thì đa số những người làm chính sách để hưởng là những người đi bộ đội nhưng vì lý do nào đó không được hưởng chế độ gì. Tôi có về quê hỏi thì được biết, những người không được hưởng chế độ gì, thường được xếp vào chế độ hưởng da cam, để tránh thiệt thòi cho người đó.
Còn các đợt sau, do số lượng hồ sơ xin xác nhận quá nhiều, ngân sách chi quá lớn nên người ta phải siết chặt công tác này lại. Có lẽ vì thế mà nảy sinh đường dây này đường dây khác chạy chọt như Báo đang điều tra. Giai đoạn đầu được xác định là năm 2010, giai đoạn sau là khoảng năm 2013”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên cho hay.
|
Giấy ra viện có chữ ký, con dấu của lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định. |
Nghỉ hưu cũng phải “lôi ra”
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên, danh sách 17 bệnh bị nhiễm chất độc màu da cam cũng chỉ là tương đối, việc xác định đối tượng hưởng chính sách, ở góc độ quản lý nhà nước thì chỉ nên xác định được người đó có tham gia chiến đấu ở thời gian đó, vị trí đó là được hưởng chế độ. Còn việc xét chế độ theo tên bệnh thì nảy sinh những bất cập mà với những bệnh rất khó xác định nguyên nhân thì lại càng khó.
Ông Nguyễn Văn Tiên khẳng định: “Với sự việc mà Báo nêu ra, phải làm theo đúng luật, xử lý nghiêm những người vi phạm. Những cán bộ trước đây vi phạm, dù có nghỉ hưu rồi cũng phải “lôi ra” xử lý nghiệm. Vi phạm ở mức độ nào, xử lý ở mức đó. Sự việc này cần có sự vào cuộc của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế để làm rõ. Không thể để sự việc trở thành nổi cộm nhức nhối như thế mà không có sự nghiêm trị để răn đe.
Đối với Báo, các bằng chứng thu thập được phải giữ cẩn thận, để các đối tượng liên quan không xâm phạm hay sửa chữa được hồ sơ. Đây là vấn đề rất lớn của toàn xã hội, cần đưa ra công an điều tra, truy tố nếu có vi phạm. Những người đương chức có liên quan thì phải cách chức, xử lý nghiêm theo pháp luật”.
Tô Hội (ghi)