Xe nhồi nhét khách, CSGT vẫn cho đi qua?

Google News

(Kiến Thức) - Trong thành phố, những tuyến chính không thể tồn tại tình trạng xe nhồi nhét khách mà CSGT vẫn cho qua, Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt Trần Sơn Hà khẳng định.

Trong buổi tọa đàm trực tuyến "Chung tay giảm thiểu tai nạn giao thông" do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức sáng nay (2/7), nhiều câu hỏi về các vấn đề giao thông đang "nóng" dư luận hiện nay được các vị khách mời giải đáp khá chi tiết.  

"Mổ xẻ" nguyên nhân tai nạn giao thông

Trong 6 tháng đầu năm, liên tiếp xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng từng nói: “Trên 80% các tai nạn nghiêm trọng là do lỗi người điều khiển phương tiện. Vấn đề đặt ra là tại sao lỗi người điều khiển phương tiện lại cao như vậy. Ở đây là có phần nguyên nhân sâu xa từ công tác quản lý nhà nước”.

Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT cũng thừa nhận trong cuộc tọa đàm: “Về nguyên nhân, ngoài việc người điều khiển phương tiện không làm chủ tốc độ, doanh nghiệp vận tải không chấp hành các quy định trong giấy phép đăng ký... chúng tôi cũng thấy trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước là rất lớn.

Ví dụ, việc cấp phép cho doanh nghiệp vận tải chưa đủ điều kiện; việc thanh tra, kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp vận tải nhất là tại địa phương chưa thường xuyên, liên tục... dẫn đến hiện tượng có đơn vị kinh doanh vận tải chỉ có thương hiệu và cho xe bên ngoài vào kinh doanh”.

 Trong 6 tháng đầu năm, liên tiếp xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng.

Thực tế là các vụ tai nạn nghiêm trọng thường xảy ra ở các tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Bình, Quảng Trị... Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia lý giải: “Ở đây có câu chuyện về cung đường. Khi xe chạy từ TP.HCM hoặc Hà Nội đến những địa phương này, mà người ta gọi là khoảng trắng, khoảng trống, lái xe bắt đầu có cảm giác mệt mỏi. Theo quy định là lái xe không được liên tục 4h để đảm bảo an toàn.

Thứ hai là về mật độ phương tiện, những địa phương này có điều kiện về du lịch nên lưu lượng khách đến rất đông. Ví dụ như ở Nha Trang vừa rồi liên tiếp xảy ra tai nạn. Thứ ba là một phần do yếu tố thời tiết, ví dụ lúc trời nắng nóng cao điểm cũng gây ra mệt mỏi cho người lái xe. Tuy nhiên, còn có các lý do nữa tùy theo từng vụ tai nạn như về hạ tầng, do tuần tra kiểm soát...”.

Ngoài những lý do nêu trên, công chúng phản ánh nhiều về tình trạng mãi lộ của CSGT, vấn đề chủ xe ép tiến độ và thời gian, vấn đề đăng kiểm...

Không cưỡng chế, tính tự giác người dân còn rất kém

Người dẫn chương trình đặt vấn đề: Trên bất kì cung đường nào chạy qua địa phương nào cũng có cảnh sát giao thông của địa phương đó lập chốt gác. Vậy việc bỏ lọt những xe quá tải, xe chạy quá tốc độ gây đến tai nạn thì cảnh sát giao thông địa phương đó đã bị xử lí kỉ luật bao giờ chưa?

Về việc này, ông Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ- đường sắt giải thích: “Hiện nay, chúng ta có 37 triệu mô tô, xe gắn máy, trên dưới 2 triệu ô tô, trên tất cả các cung đường từ liên xã, huyện lộ… đều có phương tiện tham gia giao thông, nhưng với lực lượng quá mỏng, không thể quán xuyến hết được.

Rõ ràng các cung đường đều có lực lượng cả, cũng có kiểm soát, nhưng kiểm soát không xuể, lực lượng mỏng. Trời nắng 40 độ lực lượng vẫn giăng ở ngoài đường kiểm tra”.

Ông Trần Sơn Hà nói thêm: “Chúng tôi mong khán giả chia sẻ, ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai. Trời nắng nóng trên đường như thế, ai cũng muốn ngồi trong phòng mát, nhưng lực lượng CSGT phải làm việc trên đường suốt ngày, thậm chí còn bị tấn công. Phải chia sẻ những gian khổ đó, lực lượng của chúng tôi vẫn được Đảng, Nhà nước tin cậy, giao làm nòng cốt thực hiện nhiệm vụ, bởi nếu không cưỡng chế tính tự giác còn rất kém.

Chúng tôi làm quyết liệt, nhất là ngày lễ, tết, các trường hợp quá tải phải giảm tải và chịu trách nhiệm nếu xảy ra vi phạm. Còn thực tế có trường hợp lọt, quá tải, còn đồng chí nào vi phạm quy trình kiểm soát, để lọt… thì đồng chí đó chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Về những trường hợp xe quá tải, xe nhồi nhét khách, CSGT vẫn cho đi qua, ông Trần Sơn Hà nói: “Nếu khán giả có bằng chứng về trường hợp như thế thì cán bộ giao thông đó phải bị kỷ luật”. Ông Hà khẳng định tình trạng nói trên chỉ có vùng sâu vùng xa, những nơi 1 ngày chỉ 1-2 chuyến xe, chứ trong thành phố, những tuyến chính không thể tồn tại tình trạng đó.

 Ông Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt khẳng định, trong thành phố ở các tuyến chính không thể có xe nhồi nhét khách mà CSGT cho qua. (Ảnh: LĐ)

Bộ GTVT sẽ giải quyết "điểm nóng" bến xe Mỹ Đình

Liên quan đến việc bến xe Mỹ Đình quá tải, ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT phân tích: “Trong 15 năm Hà Nội phát triển về phía tây chỉ có bến xe Mỹ Đình đắc địa, không còn bến nào khác. Toàn bộ phát triển dân cư đều tập trung về phía này, nhu cầu đi lại từ khu vực Mỹ Đình đến các địa phương rất lớn, áp lực phục vụ đi lại đặt lên vai những người đang quản lý bến xe Mỹ Đình.

 Áp lực phục vụ đi lại đặt lên vai những người đang quản lý bến xe Mỹ Đình.

Quy mô của bến chỉ khoảng 800 xe, thực tế mỗi ngày có khoảng 1.500 lượt. Vậy tại sao lại như vậy, nguyên nhân trực tiếp là nhu cầu đi lại từ Mỹ Đình về các tỉnh quả lớn.

Chúng ta có thể lý luận tại sao không bố trí xe ở Bến Yên Nghĩa, rồi đi xe buýt sang Mỹ Đình, thì xin nói như thế này, đi từ Nam Định lên Hà Nội chỉ mất khoảng 2 tiếng, nhưng đi xe buýt từ Yên Nghĩa về Mỹ Đình cũng mất 1 tiếng. Nên nhà xe nào cũng muốn đăng ký vào Mỹ Đình. Chính nhu cầu lớn đã tạo ra áp lực.

Trong thời gian qua còn hiện tượng số lượng xe ra khỏi bến khoảng 1.500, nhưng số lượng đăng ký xe chỉ khoảng 1.200, như vậy có hiện tượng “xe dù” trong bến.

Những xe này lọt được vào có vai trò quản lý bến xe kém. Vai trò của lực lượng kiểm tra, tuần tra, kiểm soát chưa tốt. Bến muốn cho xe vào không thể không có vai trò của người gác cổng. Tôi thấy lực lượng xung quanh bến không mỏng”.

Ông Khuất Việt Hùng cho biết thêm: Vừa rồi, Bộ trưởng đã khẳng định, Bộ Giao thông vận tải nhìn nhận rõ trách nhiệm từ phía Bộ đối với những vấn đề mất an toàn trong giao thông vận tải và phải siết chặt quản lý hoạt động vận tải. Trong thông tư sắp ban hành thay thế Thông tư 14 về quản lý điều kiện kinh doanh vận tải, sẽ có quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, do Bộ trưởng GTVT phê duyệt và công bố công khai trước toàn dân.

Đây là giải pháp mang tính kỹ thuật và có tính pháp lý rất cao để giúp chúng ta giải quyết được những bất cập ở các bến xe.

TIN LIÊN QUAN:

ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Tiểu Phong