Việc xử lý cô giáo chê cây cầu bị sập hay người hàng xóm nói xấu lãnh đạo tỉnh trên facebook (mạng xã hội) thể hiện sự khiếm khuyết của chính quyền, quen theo lối làm cảm tính mà quên mất luật quy định thế nào. Vô hình trung, cán bộ đưa ra các quyết định xử phạt ấy đã tự đưa mình vào thế “việt vị”.
|
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam. |
Phạt sai, rút lại là đúng!
- Sau chuyện “chê Chủ tịch tỉnh trên Facebook” ở An Giang bị xử phạt là chuyện một cô giáo ở Long An chê cầu sập trên Facebook cũng bị xử lý. Điểm chung nữa của những vụ việc này là các quyết định xử phạt đưa ra ngay lập tức phải rút lại. Ông có bình luận gì về những câu chuyện này?
- Mạng xã hội trở nên phổ biến, rầm rộ một hai năm gần đây. Mạng xã hội là kiểu nhật ký mở, thể hiện tâm tư, quan điểm của mọi người, hoàn toàn mang tính cá nhân. Những chia sẻ này lan truyền rất nhanh đến hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn người, có sức lan tỏa rất lớn, tức thời. Điều này có hai khía cạnh, người viết chưa quen nên có đôi khi văn hóa viết chia sẻ chưa chuẩn mực. Nhưng người ta coi đó cũng giống như những câu chuyện phiếm ở quán cà phê, quán bia hơi. Chính quyền căn cứ vào đó để xử lý là không đúng. Mà chính quyền khi đã xử lý thì phải dựa trên đúng hay không đúng, dựa trên luật, chứ không phải là hay hay không hay.
- Thế những nội dung chia sẻ trên mạng xã hội ấy liệu có hại gì không?
- Có hại hay không thì cũng phải xét theo luật, theo lý chứ không theo tình.
- Nghĩa là không phải vì tôi ghét một ai đó là tôi có thể xử phạt?
Đúng thế! Thế cái lý ở đây là gì? Nếu chê lãnh đạo, xúc phạm đến cá nhân thì cá nhân đó phải tố cáo việc này để đưa ra tòa án dân sự hoặc tòa án hành chính để xử lý. Không nên vì cảm xúc cá nhân để xử lý. Hành động tương ứng là cũng viết lên mạng xã hội phản hồi, đó là hành xử tương ứng, hợp lý, hơn là đưa ra các quyết định xử phạt. Vì mạng xã hội thì ai cũng có quyền được thể hiện quan điểm cá nhân. Còn thể hiện như thế nào cho lịch sử đúng phép tắc, văn minh thì lại là chuyện khác. Ở đây đang nói về luật.
- Vậy là chính các cơ quan nhà nước trong những vụ việc này là sai?
- Cơ quan nhà nước chưa để ý kỹ về tình pháp lý trong hành động ra quyết định xử phạt. Không thể tự đưa ra quyết định đó. Cuối cùng họ biết họ sai nên họ đã rút quyết định xử đó về.
Hành pháp theo cảm tính
- Qua hai câu chuyện đó, tôi có cảm giác rằng đâu đó người ta vẫn hành pháp theo cảm tính?
- Cũng có thể họ dựa trên cách xử lý tùy tiện. Cán bộ coi dân trong phạm vi quản lý của mình thì mình có thể tùy ý làm gì thì làm, chưa nhận thức đó là mối quan hệ giữa công dân với công dân, công dân với cơ quan công quyền, đều phải thực hiện theo đúng pháp luật. Không nên làm như vậy, vì như thế là cơ quan công quyền bị “hớ”, bị “việt vị”. Các cơ quan công quyền nên học cách ứng xử trong thời kỳ truyền thông mới. Chứ trước đây người ta nói xấu nhau sau lưng, viết thư riêng cho nhau... thì ai biết được.
- Cách ứng xử mới này là phải tập cách lắng nghe điều không hay?
- Cán bộ sẽ phải bỏ qua nhiều thứ lắm, nhất là đối tượng người của công chúng bị chê nhiều, đánh giá nhiều, cũng mặc kệ thôi. Ở góc độ khác, góp ý đó cũng giúp người được góp ý cảnh tỉnh sửa sai. Thay vì ra quyết định kỷ luật thì nên xem xét vấn đề góp ý, như trong vụ việc trên, xem đúng là cái cầu có sập không, vì sao lại sập, trách nhiệm là của đơn vị nào, thi công, thiết kế, giám sát hay quản lý...
- Vậy người ra các quyết định xử phạt kia nghĩ gì mà lại đưa ra quyết định xử phạt?
- Có lẽ họ nghĩ kiểu truyền thống đừng “vạch áo cho người xem lưng”. Nếu cô giáo viết thư cho lãnh đạo xã thì chắc không vấn đề gì, đằng này lại đưa ra cho nhiều người biết về cầu sập thì liệu người ta sẽ đặt câu hỏi về quản lý, thất thoát nọ kia nên người ta ngại.
- Dường như người ta không thích nói về điểm yếu?
- Đúng rồi, chứ nếu những người đó mà khen ông chủ tịch tỉnh thì chắc là không vấn đề gì. Tất nhiên là thế.
- Thế thì khả năng lắng nghe của một số cán bộ có lẽ còn yếu?
- Ở đây là người ta chưa quen lắng nghe về tiêu cực, chê bai. Giống ngày xưa nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tư viết “Cánh đồng bất tận” cũng bị phê bình nhắc nhở vì nêu chuyện tiêu cực của địa phương. Trong khi lẽ ra họ phải ứng xử với nó như một tác phẩm văn học thì lại cho rằng tác giả nói xấu địa phương. Ứng xử trên mạng xã hội cũng tương tự như vậy. Nên có ý kiến với những việc không đúng sự thật và phải đưa ra pháp luật, chứ không được xử lý tùy tiện.
- Ai cũng thích khen
- Tôi nghĩ về tâm lý thích được khen. Đúng là ai cũng thích được nghe người khác nói tốt về mình. Nhưng làm cán bộ, nhất là lãnh đạo, nghe điều chưa tốt để hoàn thiện mình, cũng cần là một kỹ năng?
- Một số người thích kiểm soát toàn diện, có quyền “dẹp” đi điều mình không thích, người mình không thích. Nhiều người thậm chí còn bị trù dập vì không được lòng, nói lời không hay. Những điều dù pháp luật không cấm, nhưng lãnh đạo không thích, không muốn, nên cũng áp đặt với nhân viên dưới quyền. Họ quen hành xử kiểu “trên bảo dưới phải nghe” mà không theo công lý. Thích thành tích, hạn chế góp ý, thích lời hay ý đẹp.
- Mà cấp dưới thường không nói với cấp trên những điều “chướng tai”?
- Hoặc có thể họ nói ở chỗ khác mà cấp trên không nghe thấy, không nhìn thấy, thì cũng chẳng sao. Nói mà ông ấy không biết, chỉ nghe nói lại, thì cùng lắm là bị “trù dập”. Còn giờ đưa lên mạng xã hội thì ai cũng biết. Đáng lẽ là phải mặc kệ ai nói gì thì nói, tự răn mình để sửa chữa những điều còn yếu kém.
- Người tài giỏi đến mấy cũng có điểm yếu, tôi cũng nghĩ vậy?
- Đúng thế, nên phải tập thói quen, cách nghĩ và cách hành xử cho phù hợp với mạng xã hội. Như thế thì xã hội cũng phát triển dần lên.
- Sự phát triển của mạng xã hội có khiến cán bộ cảm thấy phải kín kẽ hơn để không bị “vạch áo”?
- Thực ra đó chỉ là một kênh tham khảo thôi, còn các kênh đánh giá chính thức thì vẫn có vai trò không thay thế được.
- Vậy là có mạng xã hội, cán bộ phải học cách “sống chung” với những góp ý trái chiều, chê bai?
- Đúng vậy, trong xã hội kiểu Facebook, cán bộ phải để ý hơn nhưng cũng không phải là cái gì nặng nề quá, cán bộ phải giữ mình hơn theo nghĩa tốt chứ không phải thấy người ta nói xấu mình là bắt và xử phạt ngay.
Trân trọng cảm ơn ông!
Tô Hội