Đã được nghe danh từ vài năm trước, dù rất tò mò muốn gặp nhưng phải đến tận hôm nay chúng tôi mới có dịp về Bắc Giang để mục sở thị một sinh viên đỗ đại học ở tuổi 77.
Thi vào ngành luật để giúp bà con
Chúng tôi tìm về nhà cụ theo địa chỉ đã được biết từ 3 năm trước. Do đường sá bây giờ lối ngõ san sát, chật hẹp, nhà cửa xây kín, không quen đường nên vòng vèo quanh làng mấy vòng chúng tôi mới tìm ra nhà cụ. Căn nhà một tầng cũ kỹ nhưng đủ để thấy bình an vì sự tĩnh lặng. Tiếp chúng tôi là một ông cụ với mái tóc dài, bạc phơ, cắt theo kiểu các văn nghệ sĩ. Do không biết trước có người đến thăm nên cụ khá bất ngờ. Cụ luống cuống gọi cháu nội ở kế bên nhà sang pha nước mời khách.
Cụ Hoàng Ân sinh năm 1933, sống tại thôn Tân Phượng, xã Tân Mỹ, TP. Bắc Giang. Dù không thể chống lại được quy luật của tạo hóa nhưng ở cụ, ngoài đôi mắt không còn được tinh anh, người đối diện dễ dàng bị cuốn hút bởi phong thái nhanh nhẹn, cởi mở và… rất sinh viên. Cụ nguyên là kế toán trưởng Công ty Ngoại thương Hà Bắc những năm 70, 80 thế kỷ trước. Nay đã 80 tuổi và đang là sinh viên cao tuổi nhất của khoa Luật kinh tế, Đại học Mở Hà Nội.
|
Ông Hoàng Ân đang chuẩn bị luận án tốt nghiệp. |
Cụ hồ hởi khoe: "Tôi đã học xong năm thứ 4 rồi, tôi đang bắt đầu làm khoá luận, mình già trí óc chậm hơn nên tôi lo làm dần, chỉ 1 năm nữa thôi, tôi sẽ hoàn thành khóa học Đào tạo Đại học từ xa của Đại học Mở Hà Nội, khoa luật kinh tế".
Hỏi cụ vì sao lại theo học ngành kinh tế, cụ Ân cho biết, trước đây cụ làm kế toán, năm 1965 được cử đi học đại học ở Trường Cán bộ Tài chính kế toán Ngân hàng Trung ương, nay là Đại học Kinh tế tài chính. Hồi ấy còn chiến tranh nên trường phải tản cư lên Lãng Công, Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Mất 1 năm học dự bị, 5 năm học tập trung, năm 1970 cụ tốt nghiệp đại học.
“Cũng nhờ học hành đầy đủ nên tôi được bổ nhiệm làm kế toán trưởng Công ty Ngoại thương Hà Bắc. Sau nghỉ hưu, tôi và em trai tôi là Hoàng Như Ý nảy ra ý tưởng viết sử, làm văn hóa di sản, văn hóa dòng họ của các làng quê xung quanh nơi anh em chúng tôi sinh sống. Năm 1990, lúc ấy em trai tôi là sĩ quan quân đội về hưu, anh em tôi được sự giúp đỡ của Viện Sử học, Viện Hán Nôm đã xây dựng đền thờ vua Lê Đại Hành ở An Lạc, Chí Linh, Hải Dương, cạnh đền Cao thờ 5 anh em họ Cao nổi tiếng ở đất Chí Linh”- cụ Ân tự hào nhớ lại.
Nghiên cứu sử đã 23 năm nhưng cụ Ân bảo “Tôi viết các tài liệu tham khảo ở các hội thảo về sử học cũng như làm bảo tồn di sản nhưng thực sự công việc này không hấp dẫn tôi. Vì vậy, tôi quyết định học văn bằng 2 khoa luật kinh tế dù tuổi đã cao, đi lại không nhanh nhẹn. Vì là học văn bằng 2 nên tôi được xét miễn thi 1 số môn và tôi đã trúng tuyển vào Viện đại học Mở Hà Nội, hệ đào tạo từ xa, nên được học gần nhà”.
Cụ cũng cho biết học luật với mục đích chính là giúp bà con ở quê đấu tranh bảo vệ quyền lợi của người nông dân, hiểu luật để giúp những người nông dân nghèo đấu tranh đòi quyền lợi hợp pháp khi bị xâm phạm. “Người dân quê tôi không nắm được luật nên nhiều khúc mắc trong sinh hoạt, trong gia đình như quyền thừa kế, thủ tục đất đai nhà cửa, quy định pháp luật về hôn nhân, quyền và nghĩa vụ công dân... nhiều khi bà con không nắm luật nên dễ bị mắc sai lầm khi xảy ra tranh chấp hay vướng mắc khó gỡ.
|
Giấy báo nhập học của cụ Ân vào năm 2009. |
Tôi hướng dẫn bà con sống và làm việc theo đúng luật pháp, không làm các việc xúi bẫy hay bị kích động tạo ra sự bất ổn... đem lại sự bình yên cho làng xã là điều tôi mong muốn. Trong luật có điều 51, 52, 53 là nhân dân có quyền tham gia quản lý nhà nước, nên tôi đã giúp đỡ, hướng dẫn bà con đấu tranh với cái sai như huyện xã quyết định cưỡng chế đất sai, tôi giúp bà con viết đơn khiếu kiện đòi quyền lợi theo đúng luật về đất đai mà Nhà nước quy định, kết quả là bà con đã thắng lợi nhiều”.
Hai sinh viên già đáng quý của Bắc Giang
Ở thành phố Bắc Giang không phải có một mình cụ Ân là sinh viên đặc biệt, còn một sinh viên cao tuổi nữa cũng đang theo học đó là ông Nguyễn Văn Thành 74 tuổi, học cùng lớp cụ An. “Suốt 4 năm nay, ông Thành chở tôi đi học, trừ khi ốm đau chúng tôi mới nghỉ 1-2 buổi, còn thì trời mưa gió, thậm chí bão cũng lên lớp, nghỉ 1 buổi là mất 1 chút kiến thức mà giảng viên muốn truyền đạt tới mình. Tiếc là chị không báo trước để tôi rủ ông Thành qua đây chơi”- cụ Ân nói.
Khi hai cụ nhập học, Bộ Giáo dục và đào tạo, Viện đại học Mở Hà Nội có về thăm, động viên, đồng thời tặng cụ Ân và cụ Thành toàn bộ sách, giáo trình cho 5 năm học để động viên hai cụ tuổi cao mà vẫn ham học tập. Lớp học của cụ Ân chỉ học tập trung vào thứ bảy và Chủ nhật, do các giáo sư, giảng viên từ Hà Nội về giảng dạy.
Cụ được miễn học phí 50% trong suốt 5 năm học, “nhưng thực sự 50% học phí chứ 100% tôi cũng cố gắng học”. Cụ Ân bảo, rồi cụ mở cho xem đủ các biên lai thu tiền học phí cho mỗi tín chỉ của các năm học, dù đã giảm một nửa nhưng mỗi biên lai đều trên dưới 500 ngàn đồng.
|
Thẻ học viên của cụ Ân. |
Viết sử và bảo tồn di sản địa phương là việc mà cụ Ân cho biết sẽ theo đuổi cho đến hết đời, để lưu giữ lịch sử cho con cháu sau này khi nhắc đến quê hương nơi chôn rau cắt rốn là nhắc đến những người anh hùng, những danh nhân, những địa danh bất hủ theo suốt dòng họ nhiều đời.
Tìm hiểu thì được biết các con của cụ thuần nông, không có ai học lên đại học, cụ nói cụ rất tiếc về điều đó nên muốn làm gương cho lũ cháu chắt. Kết quả là đã có 3 đứa cháu vào đại học, trong dòng họ thì rất nhiều người đậu cao và làm nhiều chức vụ quan trọng.
Mải chuyện trò, bất giác nhìn xung quanh, vách nhà nứt nẻ rêu phong, căn nhà rất cũ kỹ, hỏi cụ sao xung quanh nhà cao cửa rộng, mà nhà cụ có vẻ đã trải qua cả nửa thế kỷ? Cụ nói: “Đúng thế, nhà tôi xây lâu lắm rồi, từ năm 1974 cơ đấy, lương tôi ngày còn đi làm cũng rất cao, công việc cũng có khoản ra khoản vào, nhưng tôi bỏ tiền làm di sản và lưu giữ lịch sử, các con thì đứa nào cũng có cơ ngơi riêng, nên chỗ ở của 2 vợ chồng tôi chỉ cần không mưa gió là tốt rồi. Khi đã mê về lịch sử thì không nghĩ gì cho cá nhân cả, chỉ nghĩ sao mình làm cho tốt để bảo tồn di tích là thấy ấm lòng với tổ tông rồi”.
Năm tới cụ sẽ hoàn thành 5 năm đại học từ xa của Viện đại học Mở Hà Nội, khi ngỏ ý hỏi cụ là cụ sẽ kiếm được tấm bằng khá hay giỏi, cụ cười nói: “Tôi không mong nhận bằng khá giỏi, bằng cấp cũng không quan trọng, chỉ mong muốn tôi sẽ tiếp nhận được nhiều kiến thức nhất có thể, còn nhà trường có cấp cho tôi cái bằng danh dự thì tôi đã thành công mĩ mãn rồi.
Ở dòng họ quê tôi, mỗi năm vào ngày chạp họ, cháu nào có giấy khen, bằng cấp mang về đều có thưởng bằng tiền mặt và dự 1 bữa cơm với dòng họ (dòng họ có quỹ khuyến học). Tôi cũng được khuyến học từ dòng họ như thế.
Cụ Ân nghiên cứu di sản và viết sử hoàn toàn tự túc, không có phụ cấp hay hỗ trợ về vật chất từ bất cứ tổ chức nào, chỉ có sự phối hợp giữa các Sở VH-TT&DL tại các địa phương cụ làm và từ Viện Sử học, Viện Hán nôm. Tài liệu nghiên cứu bảo tồn di sản và giấy bút để viết sử cụ đều tự mua, tự trang trải. Việc đi lại cụ cũng di chuyển cần mẫn cùng chiếc xe Chaly 50 xưa cũ. Nhưng chưa bao giờ thấy cụ nản lòng, than thân trách phận.
Dòng họ và những người thân quen ở vùng quê này đều nhắc đến cụ như tấm gương sáng về tinh thần hiếu học, cầu tiến đáng khâm phục.
Theo Dân Việt