Ám ảnh về những phận người mắc “Tứ chứng nan y”

Google News

(Kiến Thức) - Với y học hiện đại, bệnh phong không còn là thách đố, nhưng vẫn còn là nỗi ám ảnh của nhiều người về căn bệnh từng bị coi là: "Tứ chứng nan y".

Những kỳ thị của xã hội, những mặc cảm của người bệnh khiến cho họ với thế giới bên ngoài vẫn có một khoảng cách không rút ngắn được. Chúng tôi có một ngày làm "trại viên" ở  Khu Điều Trị Phong Bến Sắn, Bình Dương.

Có cơm ăn là may lắm rồi!

Đến các khoa phòng, cũng như các trại dưỡng lão, tâm thần gặp các trại viên và thầy thuốc mới thấy hết được nỗi vất vả mà khi chưa đến, thật khó hình dung. Trại viên ở Khu Điều Trị Phong Bến Sắn được Nhà nước bao cấp hoàn toàn, quả có vậy nhưng được như mong muốn thì thật còn xa! 

Bữa ăn trưa của các bệnh nhân chỉ có cơm trắng ăn với canh chua. Bác Vương Thị Cúc trong Ban đại diện bệnh nhân cho biết, với số tiền nhà nước trợ cấp thì chỉ đủ mua gạo ăn với nước tương, nước mắm. Có cơm ăn là may lắm rồi, chứ làm sao dám mơ đến chuyện thịt, cá. Người bị bệnh phong, tuy đã khỏi bệnh nhưng di chứng để lại thật nặng nề, tay chân nhiều người bị "rụng rơi", sức khoẻ kém nên không thể tự lao động, cải thiện cuộc sống. Năm ngoái, có đoàn từ thiện đến cho mấy nồi thịt kho hột vịt, bánh hỏi với thịt heo quay đã làm cho không ít trại viên phát khóc vì đã lâu lắm rồi họ mới được nhìn thấy những món ăn ấy!

ThS.BS Phan Hồng Hải, Giám đốc Khu Điều Trị Phong Bến Sắn cho biết, kinh phí nhà nước cấp cho trại viên 240.000đ/người/tháng chia cho 30 ngày. Khi nằm bệnh viện, bệnh nhân được cấp thêm tiền ăn 7.000đ/ngày. Do tiền trợ cấp quá ít, không đủ phục vụ nhu cầu tối thiểu của trại viên nên các bệnh nhân và trại viên vẫn phải nhận hỗ trợ thêm từ các tổ chức từ thiện, nhưng cũng chẳng được bao nhiêu.

Bệnh nhân trại dưỡng lão nam đang ăn trưa. 
Xã hội còn kỳ thị, bản thân mặc cảm

Nhiều bệnh nhân khi chúng tôi hỏi chuyện thì họ rất kiệm lời. Theo các điều dưỡng thì bệnh nhân ở đây không phải đều do gia đình đưa đến chữa bệnh mà còn cả một số người bệnh vô gia cư được thu gom rồi chuyển đến. Người bệnh mặc cảm, ngại giao tiếp đến nỗi có bệnh nhân bị rối loạn ngôn ngữ.

BS Nguyễn Đắc Thắng, Trưởng Khoa Chống Nhiễm Khuẩn kể: Bản thân tôi là bác sĩ làm việc ở đây mà bạn bè tôi ở thành phố còn kỳ thị nói chi là bệnh nhân của tôi. Bệnh nhân đa phần không có thân nhân, lại thêm di chứng để lại nên tay chân không còn nguyên vẹn, nếu không may mà phải chuyển viện thì chúng tôi phải cử thêm hộ lý đi theo để chăm sóc. Vậy mà, khi bệnh nhân lên nhập viện ở các bệnh viện phụ sản để mổ đẻ đến hậu sản họ lại bị chuyển sang khoa nhiễm, trong khi sản phụ này đã khỏi bệnh phong hoàn toàn! Cứ trại viên chúng tôi nhập viện vào các bệnh viện đa khoa hoặc chuyên khoa sâu khác là y như rằng họ được xếp vào... khoa cách ly!

Con cái của họ thoát ly đi làm xa, dựng vợ gả chồng đều phải giấu tung tích. Điều dưỡng Nguyễn Thị Loan, con của một trại viên cho biết, bản thân chị bây giờ mới được "giải tỏa tâm lý", chứ hồi còn đi học thì không bao giờ cho bạn biết nhà, hay nói về gia đình vì sợ bạn bè xa lánh. Sau khi tốt nghiệp điều dưỡng, chị quyết định quay lại đây để chăm sóc bệnh nhân phong như các thầy thuốc đã từng chăm sóc cho cha mẹ mình. 

Bác Võ Huấn đang dùng bữa trưa. 

Và những tấm lòng... 

Bác Cúc cho biết, năm 1976 khi đang là công chức nhà nước, phát hiện ra bệnh, bác lên đây điều trị. Bệnh của bác do phát hiện sớm nên điều trị khỏi khi cơ thể còn nguyên vẹn, nhưng mặc cảm về bệnh tình nên bác không trở về nhà mà ở lại đây từ ngày ấy đến bây giờ. Lúc trước, con em của các bệnh nhân phong ở đây không được đến trường nên bác cùng với một số người mở lớp dạy chữ cho các em. Cuộc sống cứ thế cuốn đi, giờ đã gần 40 năm.

Có thể thấy rõ ở đây những tấm lòng san sẻ đầy ắp tình người. Nhiều cụ già trên 80, 90 tuổi, người thân đã hoàn toàn quên lãng nên họ chăm sóc lẫn nhau. Người còn tay thì đút cơm cho người tàn phế, người còn chân thì đẩy xe giúp người không chân. Dù cuộc sống khó khăn, bữa cơm đạm bạc nhưng tình người thì vẫn ấm áp, tràn đầy...

ThS.BS Phan Hồng Hải, Giám đốc cho biết thêm, đội ngũ cán bộ viên chức có 147 người, trong đó có 7 bác sĩ. Hiện nay, hầu hết các bệnh nhân được điều trị khỏi nhưng do di chứng nên việc hội nhập xã hội là điều khó khăn. Ngoài việc chăm sóc sức khoẻ cho trại viên, lãnh đạo khu điều trị còn tạo điều kiện vay vốn giúp cho trại viên chăn nuôi, trồng nấm để cải thiện đời sống nhưng hiệu quả thấp do sức khoẻ trại viên yếu.

Giúp bệnh nhân ăn trưa. 

BS Nguyễn Đắc Thắng tâm sự, chỉ có những thầy thuốc thật sự có tấm lòng yêu thương bệnh nhân mới có thể trụ ở đây lâu dài. Lần đầu đến đây, tôi cũng đã từng bỏ về nhưng rồi khi tiếp xúc với bệnh nhân, tôi đã không thể rời xa họ, bây giờ đã gần 30 năm! Ngay cả giám đốc của chúng tôi cũng làm việc với đồng lương tượng trưng. BS Hải là Phó Giám đốc Bệnh viện Da Liễu TPHCM nhưng vì tâm huyết với bệnh nhân phong nên mỗi tuần 2 ngày bác ấy vượt hàng trăm cây số bất kể nắng mưa xuống đây thăm khám và lo cho bệnh nhân. Khó khăn chồng chất nhưng lo được tý gì thì chỉ bù đắp cho bệnh nhân! 

Chia tay với chúng tôi, bác sĩ giám đốc trăn trở, xã hội cần có cách nhìn đúng đắn, khoa học về bệnh phong, mỗi chúng ta cần ý thức giúp người bệnh về nhiều phương diện như điều kiện y tế, vật chất, nhất là tinh thần giúp cho cộng đồng xóa bỏ phân biệt đối xử để khoảng cách hòa nhập với cuộc đời của họ ngày một gần hơn...

Khu Điều Trị Phong Bến Sắn được thành lập năm 1959 do Soeur Rose - người Pháp và Soeur Mathilde Thanh quản lý, trực tiếp chăm sóc bệnh nhân. Từ năm 1976 được giao cho Sở Y Tế TPHCM. Có 245 giường bệnh nội trú, hơn 600 trại viên và con cháu họ sống cùng.


Bùi Hương