Bán bò đi tìm đồng đội

Google News

(Kiến Thức) - Từng là lính đặc công, bị thương tích nặng nhưng khi về với cuộc sống đời thường, người cựu binh ấy vẫn không lúc nào ngớt quên đồng đội.

Ông là Ngô Ngọc Dậu, 70 tuổi ở thôn Mộ Thượng, phường Bạch Hạc, Việt Trì, Phú Thọ. Gặp được ông là một việc khá khó khăn, vì ông cứ đi mải miết từ nghĩa trang này đến nghĩa trang khác. Đến lúc gia tài khánh kiệt, ông đành phải làm bảo vệ cho một công ty để có tiền lo cho những đồng đội đã khuất.
Huyết thư ra trận
Ngôi nhà cấp bốn thấp lè tè ở thôn Mộ Thượng là nơi trú ngụ của lão cựu binh Ngô Ngọc Dậu. Biết nhà có khách nên ông phải xin nghỉ sớm ở công ty để về nhà quét tước vườn tược cho sạch sẽ. Dáng người nhỏ thó, gầy đen và chỉ nặng 42kg thì không ai nghĩ ông từng là lính đặc công xuất sắc.
Ông Dậu kể mình sinh vào năm Ất Dậu 1945. Anh trai là liệt sĩ Ngô Ngọc Quảng hi sinh năm 1964 tại chiến trường Quảng Nam. Thù nước lẫn thù nhà khiến chàng thiếu niên Ngô Ngọc Dậu dăm lần bảy lượt xung phong ra chiến trường nhưng đều bị từ chối.
"Tôi khai man tăng tuổi nhưng cũng không được chấp nhận. Đến khi đủ tuổi cũng không được ra chiến trường vì là gia đình liệt sĩ. Tôi mới nghĩ ra cách viết thư máu để gửi chính quyền xung phong ra trận. Tôi cắn móng tay viết lên tờ giấy hẩm. Mọi người xúc động lắm, đành chấp nhận", ông Dậu nhớ lại.
Đến lúc được đi khám sức khoẻ thì ông chỉ được xếp ở hạng A3. Cả cân nặng và chiều cao cũng không đủ nốt. Nhưng cuối cùng, chàng trai ấy cứ nài nỉ cho bằng được. Ngày xách ba lô ra chiến trường, bà cụ thân sinh của ông Dậu vốn đã khóc hết nước mắt vì thương con trai cả đã hi sinh, lại một lần nữa thương nhớ đứa con út yếu đuối.
Ông tự coi việc tìm mộ liệt sĩ là nhiệm vụ của mình. 
Được phân vào đoàn vận tải 306 mặt trận Khe Sanh, người lính 42kg đã có lúc gồng gánh trên người số lượng đạn pháo nặng gấp đôi cơ thể. Năm 1968, ông Dậu được phân công sang Trung đoàn 28 bộ binh Tây Nguyên rồi được chọn học lớp đặc công tinh nhuệ thuộc Trung Đoàn 400 nổi tiếng.
Ông Vũ Văn Minh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Bạch Hạc là bạn thân của ông Dậu nhận xét: "Có lẽ Dậu là lính đặc công nhỏ con nhất nhưng lại kiên cường vô cùng". Sau rất nhiều trận đánh lớn, nhỏ, khi đang ở hậu cứ thì Ngô Ngọc Dậu bị trúng một mảnh bom B52 vào mang tai và phải điều trị mất 2 tháng.
Nhìn khắp bốn bức tường nhà ông Dậu, những huân huy chương được treo trang trọng. Nhưng ông bảo, đó là những phần thưởng mình nhìn thấy. Còn những đồng đội đã ngã xuống thì sao? Nếu mình không làm được điều gì cho các anh thì những huân huy chương đều là vô nghĩa.
Hàng trăm mộ liệt sĩ đã được ông Dậu tìm thấy. 
Bán bò để đi tìm mộ
Vậy là từ năm 1983 khi về theo diện mất sức, cựu lính đặc công lừng lẫy như ông Dậu vẫn khiêm tốn làm lụng trong khu vườn nhỏ mà các cụ để lại. Từ trồng cây, đến làm lúa, gánh cát hoặc chặt củi thuê chẳng việc nào mà ông Dậu chối từ.
Có những khi trở trời trái gió, vết thương năm xưa lại hành hạ thân thể còm cõi của ông. Nhưng nghĩ đến ba đứa con đang tuổi ăn tuổi học, ông lại cắn răng chịu đau buốt để kiếm tiền mong con thành tài.
Ông Dậu nghĩ nếu mình chỉ chăm chăm lo lắng cho gia đình thì những đồng đội của mình đã ngã xuống kia sẽ ra sao? Sống ở đời ai cũng biết "chết bọc da ngựa" là huy hoàng, nhưng hài cốt các anh không biết giờ ở đâu?
Nhìn quanh quẩn không có gì đáng giá, ông Dậu bèn đem đôi bò đi bán được 8 triệu đồng. "Tôi bảo vợ là mình gửi vào ngân hàng lấy lãi cho an toàn. Nói là vậy nhưng thực chất là để tôi rút trộm cho dễ", ông Dậu giải thích.
Vậy là sau những chuyến đi xa mà ông "báo cáo" với vợ là đi chơi thì khoản tiết kiệm kia lại hụt đi một phần. Ông bắt xe vào tận Tây Nguyên, đến khắp các nghĩa trang liệt sỹ tỉ mỉ ghi chép tên tuổi địa chỉ của đồng đội để báo cho người nhà. Có những chuyến đi kéo dài vài tuần lễ mà tiền trong túi có lúc không còn một xu.
Đến lúc vợ ông Dậu phát hiện khoản tiền tiết kiệm đã bị rút sạch thì chuyện đã rồi. Biết chồng làm việc nghĩa, bà không trách ông mà còn động viên. "Bà ấy không chỉ động viên bằng lời nói đâu, bà ấy động viên bằng hành động luôn. Bà ấy đi bế con cho người ta để có kinh phí cho tôi đấy. Giờ nhà không còn ai ở nữa, vắng tanh rồi", ông Dậu vui vẻ.
 Ông Dậu bên những phần thưởng cao quý.
Còn sống là còn chiến đấu
Đã bước sang tuổi 70, nửa cuộc đời người cựu binh đã dành cho đất nước và đồng đội, nhưng khi tôi hỏi liệu bao giờ thì ông thôi ý định đi tìm hài cốt liệt sĩ?, ông Dậu trả lời: "Còn sống là còn chiến đấu. Nếu không chiến đấu thì sẽ biến mình thành kẻ hèn nhát".
Cho đến nay, hàng trăm hài cốt liệt sĩ đã được ông Dậu tìm được và thông báo cho gia đình quy tập về quê hương. Và hàng ngàn danh sách các liệt sĩ mà ông Dậu có được đã và đang là nguồn tư liệu quý báu để thân nhân các liệt sĩ có thể tìm được.
Mấy năm nay, vì không còn tiền để đi xa tìm mộ, ông Dậu đành phải xin làm bảo vệ cho một công ty ở khu công nghiệp Thụy Vân (Việt Trì). Người cựu binh ấy có khi lĩnh tiền lương chẳng phải để phục vụ cho mình. Được bao nhiêu tiền ông đều dành cả cho việc nghĩa. Ông đi làm kỉ niệm chương cho các liệt sĩ kèm theo một phong bì nho nhỏ gọi là hương nến cho đồng đội.
Thông tin về các liệt sĩ vẫn được ông Dậu cập nhật đều đều. Đi đến đâu ông cũng lập được các cộng tác viên tâm huyết để mong đồng đội mình có thể yên nghỉ nơi quê nhà. "Chiến tranh bao giờ cũng khốc liệt. Có những đồng đội khi chúng tôi quy tập được thì chỉ còn một mảnh xương nhỏ. Không ai có thể cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh tượng ấy", ông Dậu nghẹn ngào.
Dẫu tuổi đã cao, sức đã yếu dần nhưng dường như ông Dậu không có ý định ngơi nghỉ. Với khoản tiền lương bảo vệ hơn 2 triệu đồng/tháng chẳng thấm vào đâu so với chi phí phải bỏ ra đi tìm đồng đội, nên nhiều lúc ông phải làm giấy vay ngân hàng. 
Với nhiều người, hạnh phúc chỉ đơn giản là khi hài cốt cha anh được về với quê hương, gia đình. Và tôi biết, người cựu binh Ngô Ngọc Dậu cũng luôn mong chờ cảm giác ấy - khoảnh khắc tìm được hài cốt anh trai, liệt sĩ Ngô Ngọc Quảng - dù đã tròn 50 năm bặt vô âm tín.
"10 năm chiến đấu vì Tổ quốc, 20 năm sống vì con, còn lại nửa đời tôi phải sống vì đồng đội. Cái tình của người lính sâu nặng vô cùng. Có thể lớp trẻ bây giờ không biết, chứ chúng tôi đây, mỗi lần nghĩ về quá khứ là nghĩ đến chiến đấu, nghĩ về những đồng đội sát cánh trong mưa bom bão đạn. Mạng sống còn không tiếc, thì mình tiếc gì tiền bạc".
Ông Ngô Ngọc Dậu
Trần Hòa