Ông Cao Duy Tuyên (85 tuổi ở khu 2, thị trấn Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) từng sở hữu bức tượng bằng đồng nổi tiếng có từ thời Pháp thuộc. Nhờ bức tượng đó mà ông nổi danh khắp vùng, sau này ông bán bức tượng đó với giá tiền tỷ cho người Pháp. Giờ tuổi cao, sức lực suy giảm nhưng hằng ngày ông vẫn đạp xe đi buôn đồ cổ...
Vợ ghen đập phá cổ vật
Ông Tuyên cho hay, ông đã từng có hơn 40 năm làm việc trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật ban đầu ông làm việc ở đoàn văn công của tỉnh Vĩnh Phúc, sau đó ông điều chuyển công tác lên Tuyên Quang. Công việc của ông được đi và đến nhiều nơi, nên ông có điều kiện tiếp xúc với nhiều cổ vật. Đối với ông Tuyên mỗi một đồ vật của người xưa để lại là sự kết tinh giá trị văn hóa cùa thời đại đó. Vì thế, từ những năm công tác trong Nhà nước ông đã sưu tầm các loại đồ cổ. Những chất liệu đồ đồ cổ ông ưu thích là đồ đồng và đồ gốm sứ.
|
Ông Tuyên chơi bản nhạc trên cây đàn nhị có từ thời nhà Mạc |
Ông Tuyên lấy cây đàn nhị ra vừa kéo vừa khoe với chúng tôi: “Cây đàn này quý lắm chú ạ, nó có từ thời nhà Mạc cách nay gần 500 năm về trước. Tôi tình cờ mua lại được của người Sán Dìu trên Tuyên Quang. Cái quý giá của nó không chỉ là niên đại mà còn là chất liệu của cây đàn. Dây đàn được làm bằng đuôi con ngựa bạch phơi khô, thân bằng gỗ lim có niên đại trên trăm năm. Quý chú lắm tôi mới mang đàn ra và chơi cho chú nghe một bản đấy”.
Ngày còn công tác ông hát hay, đàn giỏi làm xiêu lòng nhiều cô gái xinh đẹp. Ngẫm lại ký ức của những ngày xưa, ông Tuyên trầm buồn kể: “Cách đây vài chục năm về trước, tôi mê mẩn các loại đồ cổ lắm, đi đến đâu có ai mách có đồ vật gì đẹp tôi đều mua. Ban đầu là mua để chơi thỏa mãn ý thích cá nhân, sau đó ai hỏi mua được giá thì bán. Tôi chơi chủ yếu là đồ gốm sứ và đồ đồng. Thời kỳ hoàng kim tôi có hàng trăm loại đồ cổ quý thời Trần, Lê, Lý. Nhưng buồn bã thay do tôi có tính đào hoa, được nhiều người phụ nữ thích, thế nên trong một cơn ghen bà vợ đã đập phá hết cổ vật của tôi. Vừa đập phá bà ấy vừa ném xuống sông. Nhìn gia tài của mình bị vợ phá hủy mà lòng tôi xót xa. Sau sự việc đó vợ chồng tôi chia tay nhau”.
“Quý vật tìm quý nhân”
Ông Tuyên kể: “Trong suốt những năm tháng đi sưu tầm đồ cổ, tôi nhớ nhất là mua được bức tượng cổ bằng đồng do Pháp làm. Trước đây, ở vùng Vĩnh Tường có tên bá hộ chuyên làm tay sai cho Pháp, nhờ thế mà hắn có nhà lầu xe hơi. Sau này khi quân Pháp bị đánh bại, tài sản của bá hộ cũng thuộc chính quyền ta quản lý. Một phần nhà cửa của hắn bị dân ta phá hủy. Khi đó có một người đi cắt cỏ, tình cờ tìm được trong đống đổ nát của căn nhà bá hộ đó một bức tượng bằng đồng. Họ đã mang đến bán cho tôi. Sau đó tôi cân lên được 17kg. Khi đó không biết ai mách mà dân buôn đồ cổ đến nhà tôi dồn dập để hỏi mua, sau rất nhiều người người ngả giá, cuối cùng tôi bán cho một người Pháp. Giá của bức tượng khi tôi bán đi quy ra giá trị bây giờ cũng được vài tỷ đồng. Nhờ bức tượng đó tôi mua được vài căn nhà, cùng với đất đai cho con ở”.
|
Ông Tuyên vẫn còn giữ một phần chiếc đĩa có từ thời nhà Lê (do bà vợ cả ghen tuông nên đập phá). |
Ông Tuyên bảo, chơi đồ cổ cũng cần cái duyên của người chơi. Không phải anh muốn có mà tìm được. Nếu người chơi có cái tâm tốt thì vật quý sẽ tự tìm đến mình. Hơn 50 năm chơi đồ cổ, nhưng ông Tuyên chưa biết lừa ai bao giờ. “Nhiều vật đồ cổ thật giả khó lường, nhiều người buôn lợi dụng điều đó để lừa người chơi. Chính vì thế, mỗi khi ai đó thích đồ cổ, muốn mua lại của tôi, tôi đều phân tích cho họ từng chi tiết trên cổ vật để họ biết được giá trị của đồ vật mình chơi”, ông Tuyên cho biết.
Năm nay, ông Tuyên đã bước sang tuổi 85 nhưng sức khoẻ ông vẫn còn rất cường tráng, hằng ngày ông vẫn đạp xe đến các xã trong vùng để trao đổi, mua bán các loại đồ cổ. Ông Tuyên cho hay: “Tuy tôi tuổi đã cao, nhưng đầu óc vẫn minh mẫn lắm. Tôi vẫn thường xuyên trao đổi, mua bán đồ cổ, mua ở người chán, bán cho người thèm. Tôi buôn bán nhiều loại đồ cổ lắm, từ đồng hồ, xe đạp, bát đĩa cổ... Vì mỗi loại đều có cái hay riêng của nó. Ở tuổi chúng tôi bây giờ thì quan trọng tiền bạc gì nữa đâu, chơi để thỏa mãn thú vui. Để thấy mình vẫn đủ sức khoẻ và minh mẫn để làm việc. Những ngày mưa gió, tôi không đạp xe ra khỏi nhà thấy tù chân tay lắm, người thấy mệt mỏi”.
Trong suốt hơn 50 năm chơi đồ cổ, giờ những món đồ quý giá nhất ông còn giữ lại là tấm sập bằng gỗ gụ có từ 300 năm trước, chiếc tách pha trà có niên đại 400 năm và chiếc đàn nhị có từ thời nhà Mạc. Ông bảo, có người đã ngã giá vài trăm triệu đồng một đồ vật, nhưng ông đã kiên quyết từ chối. Ông muốn để những món đồ đó làm kỷ niệm cho con cháu.
Đức Lợi