Dân làng nhầm tưởng xác người là xác tinh tinh nên đem về nấu cao, ngâm rượu uống. Nhưng tại sao một phụ nữ sống ở địa phương khác lại được tìm thấy xác ở khu rừng Đông Cốc xa xôi? Phải chăng có người giết bà rồi đem lên đồi đốt xác phi tang; hay vì một chuyện riêng tư nào đó mà nạn nhân quẫn trí, tìm lên đồi cao tự thiêu?
16 năm về trước, chiều ngày 5/12/1998, ông Đinh Văn Ngạch (SN 1946, ngụ thôn Đá Cóc, xã Thắng Sơn, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) lên khu rừng mình trông coi để săn bắn, phát hiện khoảng rừng bằng phẳng cháy trụi. Đặc biệt gần đó xuất hiện một vật thể lạ, đã cháy phía ngoài đen thui do lửa đốt, dáng giống hệt một con tinh tinh.
Ông Ngạch kiếm dây rừng kéo xác “vật quý hiếm” về làng. “Xác “con tinh tinh” đã bị biến dạng, cháy xém, đen thui, lưng gù, bắp chân vừa to vừa dài, hai bàn tay co quắp, móng tay khá dài, chi trước phồng lên. Do bị cháy nên cằm hất lên, cổ rụt, khuôn mặt co lại khiến cả hàm răng nhe ra trắng nhởn. Cả làng kéo đến xem. Hàng chục người hồ hởi xẻ thịt “tinh tinh”, nấu cao ngâm rượu uống.
|
Di ảnh người phụ nữ bị một số người nhầm tưởng là “tinh tinh” nên mang về nấu cao. |
Không ai ngờ “con tinh tinh” ấy là… xác người. Vài ngày sau, khi một lão nông tìm thấy chứng cứ chứng minh đó là người tự thiêu, ba xe cảnh sát tìm tới vùng sơn thâm cùng cốc. Kết quả giám định ADN kết luận “con tinh tinh” bị dân làng Đá Cóc nấu thành cao chính là một thiếu phụ gần đó.
Tổng cộng hơn 20 người trực tiếp nấu cao hoặc chứng kiến việc nấu cao “con vật quý hiếm” đều được triệu tập lấy lời khai. Tuy nhiên, tất cả những người này đều nhất loạt khai khi đó không biết xác chết là con người, chỉ nghĩ là con vật vì hình hài quá giống tinh tinh. Bản thân ông thợ săn, người đầu tiên phát hiện ra xác chết và mang về làng nấu cao, cũng một mực cho rằng khi ông lên rừng thì phát hiện “con tinh tinh” khi đó đã có biểu hiện phân hủy nhẹ, ruồi nhặng bâu đầy, chuyện xác người ông còn nhầm lẫn là “tinh tinh”, thì vì sao nạn nhân chết, ông không hề hay biết. Mọi người thoát tội.
Như vậy đã có thể kết luận, dân làng nhầm tưởng xác người là xác tinh tinh nên đem về nấu cao, ngâm rượu uống. Nhưng tại sao một phụ nữ sống ở địa phương khác lại tìm thấy xác ở khu rừng Đông Cốc xa xôi? Phải chăng có người giết bà rồi đem lên đồi đốt xác phi tang; hay vì một chuyện riêng tư nào đó mà nạn nhân quẫn trí, tìm lên đồi cao tự thiêu?
Chuyện đời buồn của người phụ nữ không chồng
Nhân chứng vụ việc cho biết, buổi chiều hôm công an xuống địa phương, chuẩn bị đưa tang vật “cao tinh tinh” lên xe ô tô về TP Việt Trì xét nghiệm thì tiếng chuông điện thoại bàn tại UBND xã Thắng Sơn vang lên. Đầu dây bên kia giới thiệu là người của UBND xã Yên Lương cùng huyện Thanh Sơn.
Ủy ban xã này thông báo, bà Đinh Thị Minh Th. (SN 1949, ngụ đội 7, xã Yên Lương) mất tích từ ngày 29/11 đến nay chưa tìm thấy. Khi đi bà Thời đeo dép tông màu vàng, đội nón trắng, khoác túi đựng quần áo, cầm một can đựng nước. Chưa cần kết quả xét nghiệm, những vật chứng tìm thấy tại hiện trường đã đủ cho thấy 90% “con tinh tinh” chính là bà Th..
Pháp luật & Thời đại đã tìm đến nhà người phụ nữ xấu số mất mạng 16 năm về trước để dựng lại hiện trường sự việc. Ông Đinh Văn T. em trai nạn nhân cho biết, chị gái mình là con thứ hai trong gia đình có năm anh em. Lớn lên bà theo học một lớp sư phạm, nhưng thời chiến tranh, đang học thì nhà trường giải thể, bà Th. quay về sống với bố mẹ.
Lúc đó các chị em còn lại trong gia đình đều đã lập gia đình, ra ở riêng. Ở nhà chỉ có bố mẹ già ốm yếu và ông T.. Vậy là bà Th. gánh vác trách nhiệm cấy cày làm lụng nuôi bố mẹ già. Tuổi trẻ bà nhanh chóng qua đi, cuối cùng không lấy được chồng, đành ở vậy với bố mẹ và em trai.
Trong ký ức của người em trai, chị gái ông là người hiền lành, chăm chỉ, thường xuyên chăm sóc cha mẹ và các cháu chu đáo. Trước hôm mất tích, bà Th. thường ở nhà chăn trâu bò, làm ruộng, nương rẫy cùng vợ chồng người em. Cuộc sống dù vất vả nhưng đủ ăn, mọi người thương yêu nhau. Gia đình có người anh làm công an công tác trong Sài Gòn. Trước khi mất tích, bà Th. từng một thời gian vào trong Nam sinh sống với anh trai.
Mười sáu năm trôi qua, cảnh vật và cuộc sống thay đổi nhiều, ông T. vẫn nhớ như in hôm chị gái mất tích là ngày 29/11/1998. Sáng đó vợ chồng ông đi làm nương rẫy sớm, con cái đi học, một mình chị gái ở nhà. Đến tối đi làm về, không thấy chị gái đâu, vợ chồng ông hỏi hàng xóm thì được biết, khoảng 9h sáng, thấy bà Th. đi khỏi nhà, ra đường cái bắt xe ngược lên theo hướng thị trấn Thanh Sơn.
Sau ba hôm không thấy chị gái về, cũng không nhận được tin tức gì, gia đình bắt đầu lo lắng, bất an. Người em trai nhớ lại, khi đó gọi điện cho các anh chị sống trong huyện và người anh sống trong Sài Gòn, nhưng không ai biết bà Th. đi đâu. “Khi đã gọi điện đến hết anh chị em, bạn bè, người thân họ hàng mà không biết tin tức gì về chị, tôi đã báo cáo sự việc lên chính quyền thôn, xã, đề nghị giúp đỡ tìm kiếm chị tôi”, ông T. nhớ lại.
Gần một tháng sau, gia đình mới phong thanh nghe được tin ở xã bên có sự việc một người chết cháy ở trên đồi, đã bị nấu cao vì nhầm tưởng là tinh tinh. Ông T. được công an mời ra ủy ban xã lấy mẫu đi xét nghiệm AND, đến lúc ấy mới hay hóa ra người chết cháy kia chính là chị gái mình.
Ông T. nhớ lại: “Sau đó công an giao cho gia đình tôi một hũ tiểu đựng chiếc đầu lâu, túi bóng đựng cao, một số xương xẩu và vài cái khuy áo, cạp tóc… Gia đình tôi rất sốc, không tin là người nhà mình làm sao mà đến nông nỗi này”.
Nén lại đau thương, gia đình tổ chức đám tang như bình thường cho người xấu số. Rất đông dân làng tự nguyện quên góp công sức, tiền bạc để đám tang tươm tất nhất có thể. Sau hơn một ngày tổ chức theo đúng nghi lễ ma chay của người Mường ở địa phương, phần mộ người xấu số được chôn cất ở một gò đất cao, cách nhà khoảng 1km, xây bằng xi măng kiên cố.
Nạn nhân bị sát hại hay chán cảnh đơn thân nên tự vẫn?
Cái chết của bà Th. vì động cơ gì, mãi mãi vẫn chìm trong bí ẩn. Chỉ có lời khai suy đoán từ một nhân chứng duy nhất là ông Tám, người đã phát hiện ra sự thật “tinh tinh” chính là xác người. Đêm ấy ông đã chứng kiến vụ cháy ở ngọn đồi phía bên kia, nhưng nạn nhân tự vẫn, hay nạn nhân bị sát hại rồi đem lên đồi đốt xác phi tang?
|
Em trai nạn nhân cho rằng cái chết của chị gái mình có oan khuất. |
Sau sự việc, dân địa phương kể cho nhau rằng, thời gian bà Th.vào Sài Gòn sống với anh trai, gom góp được hai bông tai bằng vàng nặng hai chỉ. Hôm bỏ nhà ra đi, khoảng 17h, bà đến địa phận xã Thắng Sơn, định bắt xe đi La Phù (Thanh Thủy, Phú Thọ). Bà dừng lại ở trạm chờ xe 318 một hồi lâu nhưng không có xe, nên đi quay trở lại.
Sau đó bà mất tích, rồi phát hiện ra xác ở trên đồi, chết cháy. Khoảng cách từ trạm chờ xe 318 đến ngọn đồi phát hiện xác chết là trên 3km. Khoảnh cách từ nhà bà đến chỗ xác chết khoảng 10km.
Theo suy đoán của một số người, sau khi bà Th. không bắt được xe, định quay lại thì bị kẻ xấu sát hại, cướp đôi bông tai bằng vàng, sau đó mua xăng, lôi xác lên đồi, gom củi lại đốt xác phi tang. Suy đoán này khá có cơ sở, vì sau đó những đồ dùng của bà đều được tìm thấy, riêng đôi bông tai bằng vàng là không thấy đâu. Dù có bị cháy, vàng cũng không thể tan ra thành nước ngấm xuống đất. Nếu không bị cướp, thì có thể một ai đó sau này khi đến hiện trường vụ cháy, đã nhanh tay đút túi?
Tuy nhiên, Trưởng thôn Đá Cóc Hoàng Văn Dũng cho biết, theo điều tra của công an, nạn nhân chết là do tự vẫn. Bà Th. sống một mình không chồng con, thời gian đó lại xích mích với gia đình người em nên bà nghĩ quẩn. Sau khi không bắt xe đi được đến nhà người quen, bà đã mang chiếc can nhựa đi mua xăng, sau đó lên đồi thu dọn lại củi rồi tưới xăng châm lửa đốt tự thiêu.
Kết luận chính thức của cơ quan điều tra lại không thuyết phục được người thân bà Th. Em trai nạn nhân cho biết, chị gái mình có thói quen mang theo can là để đựng nước uống khi đi xa, nhất là đi tàu xe. Hơn nữa, không lí do gì bà lại đi đến một nơi xa xôi như vậy mới tự vẫn. Ngoài ra, nếu có ý định tự vẫn thì tại sao khi rời khỏi nhà bà lại mang theo túi quần áo?
Ông Đinh Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Thắng Sơn cho biết, công an đã vào cuộc điều tra cặn kẽ sự việc trước khi đưa ra kết luận cuối cùng, nên dù có thể vẫn còn một vài uẩn khúc, nhưng lý do tự thiêu tự vẫn vẫn là lý do có sức thuyết phục nhất.
Về sự việc người dân nhầm lẫn tai hại, xác người lại tưởng xác động vật nên đem về nấu cao, ông chủ tịch xã cho rằng đây là tai nạn đau lòng, không ai muốn xảy ra. Ông chủ tịch xã tiếc nuối: “Giá như khi phát hiện vật thể lạ, người dân không vì một chút hám lợi mà báo ngay cho lực lượng chức năng địa phương xuống kiểm tra, xử lí thì đã tránh được những sự việc đáng tiếc như đã xảy ra”.
Ông Hoàn lý giải thêm, hiện nay diện mạo xã Thắng Sơn đã thay đổi, đời sống nhân dân được cải thiện, trình độ dân trí được nâng cao. Tuy nhiên, 16 năm về trước, nơi đây còn hẻo lánh, điều kiện kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhận thực của một số người dân còn hạn chế. Đấy cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến sự nhầm lẫn tai hại trên.
Theo Pháp luật Việt Nam