Cạn nước mắt vì vụ nổ tàu 4 người chết

Google News

(Kiến Thức) - Sau 7 ngày vụ nổ tàu kinh hoàng cướp đi mạng sống của 4 ngư dân và làm 5 người khác bị thương, nỗi ám ảnh vẫn hiện trên khuôn mặt người dân thôn Liên Thành, Hải Châu, Tĩnh Gia, Thanh Hóa.

Đất biển nỡ phụ tình người

Những ngày qua, người dân xã Hải Châu không nguôi thương xót gia đình ông Phạm Bá Hồ có 3 người thân “bị nổ tan xác” trên chính chiếc tàu cá của mình.

Đúng chiều tối ngày 26/2, trên dải đất biển mặn chát xã Hải Châu, những người dân trong làng hay tin có một chiếc tàu của làng bị nổ ngoài khơi. Và ít phút sau đó, hung tin ập tới nhà ông Phạm Văn Hồ khi có người thông báo tàu của gia đình bị nổ, cả 3 bố con ông Hồ cùng một ngư dân khác trên tàu bị sức ép nổ hất xuống biển không tìm thấy. Gia quyến vội vã chạy ra bãi biển nhìn người ta đưa 5 thuyền viên đi trên chiếc tàu TH 1451-TS được cứu sống chở nhanh lên bệnh viện huyện cấp cứu, chỉ còn lại hy vọng mong manh đối với gia đình ông Hồ. 

  Nỗi ám ảnh vẫn hằn sâu trong tâm trí người dân làng biển Hải Châu khi chứng kiến từng thi thể đưa vào bờ sau vụ nổ tàu.

Dẫn chúng tôi vào gia đình ông Hồ, anh Phan Văn Tiệp – Trưởng thôn thôn Liên Thành thở dài: “Gia đình anh Hồ thật sự quá bi đát. Chị Lợi cùng toàn thể người thân trong gia đình phải nhận một nỗi đau quá lớn. Gia đình anh Hồ phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi mới được gần 500 triệu đồng để đóng mới con tàu. Con tàu mới ra khơi được vài chuyến đã gặp nạn, số tiền vay mượn đóng tàu chưa trả được xu nào thì cả 3 bố con lại gặp họa mất mạng. Bây giờ không biết mấy mẹ con có vượt qua nổi sự thật đau đớn này hay không?”

 Mất đi chồng và các con, bà Lợi đau buồn tới suy kiệt.

Thắp nén nhang cho bố con ông Hồ, bà Đậu Thị Lợi (vợ ông Hồ) ngồi tần ngần trong góc nhà mấy ngày hôm nay, cơm không ăn, đêm không ngủ vì nhớ thương chồng con. Ánh mắt bà mệt mỏi đưa lên nhìn chúng tôi và khóc nức nở: “Gia đình tôi là người lương thiện, có tội tình gì đâu mà ông trời lại nỡ cướp mất chồng con tôi cơ chứ. Trước đây ông trời đã nỡ lấy đi 2 đứa con tôi giờ lại bắt đi 3 cha con nó nữa hỏi làm sao chúng tôi  sống được. Hai đứa cháu nhỏ con thằng Hoài còn chưa biết gọi một tiếng cha, thằng Nhớ thì sắp cưới vợ, cuối cùng thì tất cả đã bị ông trời bắt phải lìa xa tất cả…”.

Vợ chồng bà Lợi cưới nhau từ năm 1981, hai vợ chồng chị sinh được 6 người con, không may một hôm hai cháu đi tắm sông đã bị chết đuối. Hai vợ chồng bà Lợi cố gắn vượt qua nỗi đau đó tiếp tục nuôi 4 đứa con còn lại ăn học. Anh Phạm Văn Hoài là con cả và cũng là cháu đích tôn của đại gia đình nên được ông Hồ và bà Lợi đặt rất nhiều hi vọng. Sau khi tốt nghiệp 12, anh Hoài quyết định lên đường nhập ngũ, đến năm 2006, sau khi rời quân ngũ anh Hoài trở về địa phương sản xuất và lập gia đình cùng chị Nguyễn Thị Trang. Còn anh Phạm Văn Nhớ (SN 1989) đang được gia đình chuẩn bị làm đám cưới thì bị gặp họa.

“Gia đình tôi đã vay mượn được gần 500 triệu đồng để đóng mới một chiếc tàu, vừa ra khơi chưa được 3 tháng thì gặp nạn. Tiền mất thì có thể kiếm lại được chứ giờ người mất đi biết lấy lại ở đâu. Số nợ này chắc rồi mẹ con tôi cũng đến bán nhà bán cửa mà trả cho ngân hàng và bà con hàng xóm thôi”, bà Lợi nói rồi khụy xuống. 

Nhà anh Phạm Văn Hoài (con bà Lợi) chỉ cách một tường rào, gia cảnh của anh Hoài còn khó khăn gấp bội so với cha mẹ mình. Anh Hoài và chị Trang mới vừa ra ở riêng được 2 năm nay, căn nhà tuềnh toàng, thiếu thốn trăm bề. Bên di ảnh của chồng, chị Trang cùng hai đứa con ngây dại khóc than. Trên chiếc giường cũ kỹ, bé gái Phạm Thị Như Hạ mới được 15 ngày tuổi đang ngủ, đứa con trai lớn của gia đình mới lên 4 tuổi. Các cháu dường như chưa biết đến cái cảm giác mất cha và đau đớn của cả đại gia đình họ Phạm. 

 Chị Nguyễn Thị Trang cùng hai đứa con nhỏ cũng suy sụp trước nỗi đau mất chồng.

Những hôm chưa tìm thấy thi thể của anh Hoài, chị Trang ngất lên ngất xuống, chính quyền địa phương đã phải cử một nữ y tá túc trực 24/24 để chăm sóc sức khỏe cho chị.  

Nén nỗi đau vào lòng, chị Trang kể: “Anh ấy đi biển nhưng ngày nào cũng gọi về 2 đến 3 lần hỏi thăm em và hai đứa nhỏ. Trước khi xảy ra sự việc, anh ấy cũng điện về thông báo là chuyến đi đầu năm rất nhiều khả quan, mọi người đánh được nhiều cá và ốc, chắc độ vài ngày nữa là về nghỉ đợt gió mùa, dặn em ở nhà nhớ chăm sóc con chu đáo. Vài tiếng sau thì nhận được tin… Anh ấy ra đi khi 2 đứa con còn nhỏ dại. Khổ lắm các anh ơi!”  
 
Ngoài bố con ông Hồ ra, trên chiếc tàu định mệnh còn có anh Nguyễn Văn Trọng (SN 1974, trú thôn Yên Thành) cũng chết trong vụ nổ tàu. Đến thăm gia đình anh, trong căn nhà lụp xụp, bên bàn thờ chồng, chị Trần Thị Thịnh cùng 4 đứa con đang ngồi khóc thất thần. Chị Thịnh suy sụp hoàn toàn kể từ khi anh Trọng qua đời. 

“Trước đây cả hai vợ chồng đều đi làm thuê ở xưởng sấy cá, lúc thì anh đi phụ hồ… Là chỗ thân quen của gia đình bác Hồ nên anh Trọng về đi biển cùng. Trong cuộc sống hàng ngày, gia đình bác Hồ rất quý vợ chồng tôi. Ai ngờ tai ương ập xuống gia đình, bây giờ 4 đứa con tôi không biết trông cậy vào đâu. Từ ngày hay tin bố nó mất, cả nấy đứa đòi bỏ học để ở nhà phụ giúp tôi” – chị Thịnh gạt nước mắt tâm sự.

“Chết cũng phải bám biển”

Mặc dù vụ nổ trên tàu đã gây ra những mất mát, đau thương nhưng ngư dân nơi đây chỉ có một tâm thế, ngày mai họ lại tiếp tục công việc của mình, lại ra khơi.

Anh Bùi Hữu Nam - ngư dân sống sót trong vụ nổ tàu kể lại: “Sáng 25/02, khi tàu bắt đầu nhổ neo chạy được một đoạn thì anh Nhớ phát hiện một con mực khoảng 4 – 5kg nổi gần bờ nên vớt lên nấu ăn. Không biết ăn mực trong chuyến đi khơi đầu tiên có phải là điềm không tốt hay không? Bây giờ người mất thì đã mất rồi. Cái nghề này nó bạc vậy đấy, không đi ra biển thì biết đi làm cái gì đây, người dân ở đây có chết đi nữa cũng phải cố bám biển để sống”.

Anh Bùi Hữu Nam: “Dù có chết cũng phải bám biển thôi chứ không chẳng làm gì để kiếm tiền nữa”

“Tàu của anh Hoài làm nghề chính là vó ốc nên cũng nhàn, khi thả vó xuống rồi anh em tranh thủ thả lưới bắt cá. Hôm đó vừa thả xong vó thì mấy anh em ngồi hút thuốc, bác Hồ và anh Nhớ đi vào trong bếp nấu đồ ăn. Khi anh em đang hút thuốc thì bình ga bất ngờ nổ, tôi nghi là do bình ga bị hở van. Khi bình gas nổ thì tất cả các anh em chúng tôi đều bị đánh văng xuống biển, tôi vùng vằng dưới nước vô tình túm được cái can sau đó được tàu bạn đến cứu vớt chứ không thì cũng chết rồi”, anh Nguyễn Văn Hùng - một thuyền viên đi trên chiếc tàu TH 1451- TS sống sót cho biết. 

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Hải Châu Mai Phụng cho biết: “Hiện tại chúng tôi đang vận động nhân dân tham gia đóng góp ủng hộ những gia đình có người chết. Hiện nay số tiền quyên góp vẫn chưa được nhiều nhưng đó là tấm lòng của nhân dân trong xã. Tuy nhiên, số nợ của gia đình anh Hồ lên đến cả 500 triệu đồng, dân của xã cũng không khấm khá nên cũng rất cần những tấm lòng hảo tâm cả nước ủng hộ. Bên cạnh đó chị Trang, vợ anh Hoài cũng rất khó khăn, con gái thứ 2 mới sinh được ít ngày lại phải chịu đựng một cú sốc quá lớn. Gia đình anh Trọng cũng thuộc diện nghèo khó, các con còn nhỏ nên thời gian tới sẽ rất khó khăn”.

Trong ánh chiều tà, dải đất trắng của làng biển Hải Châu vẫn đọng lại nỗi ám ảnh kinh hoàng về vụ nổ tàu. Chiếc tàu TH 1451 -TS vẫn còn đậu đó. Người thân của những nạn nhân xấu số vẫn đang oằn mình chống chọi với những nỗi đau tinh thần, nước mắt chảy dài ngóng biển.

Hiện nay, chính quyền huyện Tĩnh Gia đang phối hợp với cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân vụ nổ tàu hôm 26/2. Đồng thời chính quyền cũng đã kêu gọi khuyên góp tiền hỗ trợ cho các gia đình. 

Theo ông Nguyễn Xuân Thủy – Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia, tính đến thời điểm này các gia đình đã nhận được tiền hỗ hỗ trợ từ các ban ngành. Ước tính mỗi gia đình nhận được 18 triệu đồng. Cùng với việc điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa đang củng cố hồ sơ, tài liệu liên quan đưa ra kết luận vụ nổ tàu TH 1451-TS hôm 26/2.

P.Tuấn