Cầu trọng tải 13 tấn "cõng" xe 50 tấn
Cách đây vài hôm, chúng tôi nhận được cuộc điện thoại của một người dân xã Cẩm Long gọi đến. Từ bên kia đầu dây, giọng nói một người phụ nữ run run bảo: "Vừa có mấy người không may tai nạn vì đâm trúng "hố tử thần" giữa cầu Bái, không biết mấy ổng sống chết ra sao... Mà cái hố sụt chình ình giữa đường đến mấy tháng nay rồi mà chẳng thấy ai sửa chữa...". Thế rồi cái tin tưởng chừng đơn giản ấy đã hối thúc chúng tôi vượt qua trời nắng như rang đến xóm núi mục sở thị nỗi khổ của người dân vì hàng ngày phải băng mình qua cây cầu sắp gãy.
Cầu Bái ở xã Cẩm Long, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa nằm trên tỉnh lộ 523C, cách huyện lỵ Cẩm Thủy khoảng 13km. Đây là tuyến đường độc đạo của hơn 6.000 hộ dân xã Cẩm Long nối với trung tâm huyện và khu vực lân cận. Mặc dù cầu đang trong tình trạng có thể gãy, sập bất cứ lúc nào nhưng vẫn có rất nhiều người dân qua lại mỗi ngày và đã có nhiều trường hợp tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra.
Chị Bùi Thị Thu, một người dân sống gần cầu Bái cho biết: "Cầu bị gãy cách đây khoảng 3 tháng, mới đầu có một lỗ thủng nhỏ trên mặt, nhưng do lưu lượng người và các phương tiện giao thông qua lại quá đông, nên vết thủng hiện đã lan rộng như cái giường, trơ cả phần cốt sắt bên trong".
|
Cầu bái nối xã Cẩm Long với các vùng khác có thể sập bất cứ lúc nào. |
Cũng theo phản ánh của chị Thu thì mặc dù cầu thủng, xuống cấp đã mấy tháng nay nhưng nhiều xe vẫn liều mình lao qua, bất chấp sự cảnh báo cầu sập mà chính quyền dựng lên ở hai đầu cầu. Đặc biệt, là các xe container mang biển 89, 88 có trọng tải đến 50 tấn từ phía Nam thỉnh thoảng chạy qua vào lúc 2 - 3 giờ đêm. Khi gặp lỗ thủng ở cầu Bái, có người còn đem cả tấm ván và những thanh gỗ lớn bắc qua để xe tiếp tục chạy.
Một người dân thôn Mọ dẫn chúng tôi đến chiếc cầu mục nát giữa lúc những chiếc ô tô trọng tải hàng chục tấn liều mình băng qua. Từ dưới chân cầu nhìn lên, mỗi lần có ô tô lao qua chiếc cầu liền rung lên bần bật như chực rơi khỏi trụ, những tảng bê tông mục nát rơi xuống nước rào rào như người ném đá.
Theo quan sát của chúng tôi, cây cầu có hai nhịp với chiều rộng chừng 4m, dài 8m. Một nhịp cầu bị thủng võng xuống hình lòng chảo, gần trụ cầu có những vết nứt rộng khoảng 1 - 1,5mm. Tại lỗ thủng trên mặt cầu còn dấu vết là các thanh gỗ gãy nát được các tài xế xe tải bắc qua để cho xe chạy.
Chị Thu lo lắng: "Hằng ngày vào mỗi buổi chiều khi trường mầm non nằm cạnh đó tan học, lượng xe máy của phụ huynh đón con cái cộng với ô tô qua lại dồn ứ khiến cầu rung như sợi dây có thể sập bất cứ lúc nào. Vậy nhưng do đây là con đường duy nhất nối đôi bờ khe nên dù biết nguy hiểm, người dân cũng vẫn đành phải nhắm mắt, liều mình chạy qua".
|
Bất chấp nguy hiểm, những người lái xe tải vẫn băng qua cầu khi vắng bóng cơ quan chức năng. |
Cầu đã gần 60 năm tuổi
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch UBND xã Cẩm Long hồi tưởng lại: "Cầu Bái được xây dựng từ năm 1960 khi nông trường Phúc Do được thành lập, nhằm phát triển kinh tế vùng rừng núi Cẩm Long. Suốt một thời gian dài, đây là "huyết mạch" trong việc phát triển kinh tế của người dân địa phương".
Xã Cẩm Long nằm dưới một thung thũng, xung quanh được bao quanh bởi nhiều đồi, núi và địa hình bị chia cắt với nhiều khe, suối đâm ngang bổ dọc. Khi cầu Bái được xây dựng, quãng đường từ xã đến huyện rút ngắn chỉ còn 12 - 13km, việc giao lưu kinh tế với những vùng khác rất thuận tiện.
|
Một lỗ thủng lớn nhìn thấu đến tận mặt nước. |
Nói đến việc phát triển kinh tế, giọng ông Sơn chùng xuống: "Cách đây mấy chục năm, khi Cẩm Long phát triển vùng nguyên liệu mía đường, cũng là lúc cây cầu không còn đảm đương nhiệm vụ phát triển kinh tế được nữa. Bởi cầu chỉ có trọng tải tối đa là 13 tấn. Nhưng vào vụ thu hoạch mía mỗi năm, hàng trăm lượt ô tô vận tải cỡ lớn ra vào xã chở mía đến nhà máy tiêu thụ, thế nên cầu xuống cấp là điều dễ hiểu. Biết vậy, nhưng nếu không cho xe qua cầu thì hàng ngàn tấn mía của người dân chẳng lẽ đắp đống chờ khô mục. “Đó là chưa kể đến việc phát triển cây lâm nghiệp khiến số lượt ô tô chở gỗ qua lại ngày càng tăng cao”.
Đứng trên cây cầu sắp đổ sập, anh Quách Văn Chữ, một người dân địa phương than thở: "Cứ đà này chắc vài ngày nữa cầu sẽ đổ sập, đến lúc đó thì người dân đôi bờ con nước sẽ không biết phải làm ăn thế nào, trong khi mùa ngô, lúa đang đến, hàng chục héc ta cây lâm nghiệp đang trong kỳ khai thác. Nếu không có đường vận chuyển hoặc phải đi đường vòng thì chi phí quá cao, người dân lỗ to".
"Khoảng 3 tháng trước cầu Bái có hiện tượng nứt, vỡ trên mặt nhưng nay ở mố cầu phía dưới cũng bị hư hỏng nặng nên có thể sập bất cứ lúc nào. Khi hiện tượng nứt cầu xảy ra, UBND xã đã báo cáo bằng văn bản lên tỉnh và huyện để tìm cách khắc phục sự cố. Đồng thời, xã chỉ đạo lực lượng công an cắm biển báo để cho các phương tiện không đi qua cầu, tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Tuy nhiên, vào ban đêm xe ô tô tải trọng lớn vẫn bắc ván liều mình lao qua. Hiện xã không đủ khả năng để xây dựng một cây cầu kiên cố, nếu cầu sập thì chỉ còn cách lấy tấm ván bắc qua để người dân đi tạm chứ không còn cách nào khác".
Ông Nguyễn Xuân Sơn (Chủ tịch UBND xã Cẩm Long)
Mỹ Dung - Ngọc Hà