Chuyện kể của những người từng sống bên hồ Kẻ Gỗ

Google News

Hồ Kẻ Gỗ (xã Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) hơn 40 năm trở lại đây đã trở thành “vị cứu tinh” mang lại sự ấm no, hạnh phúc cho người dân của ba huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh (Hà Tĩnh).

Sự hình thành và hoạt động của hồ Kẻ Gỗ đã đi vào kí ức của một thế hệ người dân Nghệ Tĩnh (cũ), là minh chứng cho sức mạnh “có sức người sỏi đá cũng thành cơm” và tinh thần đoàn kết của nhân dân.
Vựa lương thực cứu đói
Hồ Kẻ Gỗ rộng mênh mông, cảnh sắc núi rừng trong xanh nước biếc, yên bình, phẳng lặng. Những người trẻ tuổi hiện nay khó tưởng tượng được đây từng là nơi ở của khoảng chục hộ gia đình với nhà cửa cùng những khu trang trại rộng lớn; khó tưởng tượng được đây từng là một đại công trường của một công trình thủy lợi thế kỉ của nước ta...
Chuyen ke cua nhung nguoi tung song ben ho Ke Go
Ông Đặng Minh thư và con gái Đặng Thị Thanh lên thăm lại hồ Kẻ Gỗ. 
Khi biết được ý định muốn tìm hiểu viết về hồ Kẻ Gỗ, chủ tịch UBND xã Cẩm Mỹ đã giới thiệu chúng tôi tìm đến gặp những nhân chứng còn lại của những gia đình từng sinh sống, làm ăn, gắn bó với núi rừng và lòng hồ trước khi hồ Kẻ Gỗ được chủ trương xây dựng.
Trước năm 1975, có hơn chục hộ dân sinh sống dọc theo con sông nhỏ của hồ Kẻ Gỗ. Họ là người dân từ nhiều địa phương di cư lên làm ăn, ngụ cư ở hồ Kẻ Gỗ từ những năm 1950. Hầu hết, những người từ ngày đầu lên khai hoang, lập nghiệp thời điểm đó đều đã mất, những người còn sống nay cũng đã trên 80, 90 tuổi. Tuy nhiên, với ai còn sống, họ không bao giờ có thể quên được những kí ức trong những năm tháng xây dựng cuộc sống ở hồ Kẻ Gỗ những năm trước 1975.
Bà Hà Thị Cư (69 tuổi, trú thôn 10, xã Cẩm Mỹ) và ông Đặng Minh Thư (trú tại phường Đại Nài, thành phố Hà Tĩnh) - người nổi tiếng với thương hiệu kẹo Cu đơ Thư Viện ở Hà Tĩnh là những nhân chứng từng sinh sống ở hồ Kẻ Gỗ thời gian ấy mà chúng tôi có cơ hội gặp.
Bà Hà Thị Cư tâm sự, gia đình bà quê gốc ở Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) chuyển lên vùng bây giờ là hồ Kẻ Gỗ khai hoang sinh sống. Thời năm 1954 – 1955 đã có nhiều hộ dân lên đây sống dọc bờ sông Ngàn Mọ. Các gia đình trồng khoai sắn, trồng chè và nuôi trâu bò. Thời gian đầu khai hoang còn nghèo khó, nhưng dần dần phát triển và sung túc hơn.
Trong số những gia đình từng sống ở hồ Kẻ Gỗ thì gia đình ông bà Thư Viện hồi đó là có tiếng nhất ở đất Cẩm Xuyên. Ông Đặng Minh Thư năm nay đã gần 90 tuổi, nhưng những kỉ niệm của một thời ở nơi rừng thiêng nước độc Kẻ Gỗ ông vẫn còn nhớ như in.
Ông kể, trước khi xây dựng hồ Kẻ Gỗ có 11 hộ gia đình sinh sống dọc theo 4 – 5km trong khu vực mà hiện giờ là lòng hồ. Hồi đó, các hộ dân sống ở hai bên núi, ở giữa có một con sông, song song với con sông này còn có con đường 22 dẫn vào trong núi.
Ông quê gốc ở xã Cẩm Tiến (nay là thị trấn huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), sau khi cưới với vợ, gia đình ông chuyển vào vùng rừng núi Đá Bạc (xã Cẩm Mỹ) - nay là lòng hồ Kẻ Gỗ sinh sống. Lên đây, ông bà khai phá được hơn 4 ha đất để làm nhà ở và xây dựng trang trại. Làm nhà ở thì chặt gỗ nhỏ về làm, còn sản xuất thì tận dụng vùng rừng núi, ông bà chăn nuôi trâu bò, trồng chè và cây cối…
“Những năm chiến tranh chống Mỹ giai đoạn 1967 - 1972, cuộc sống của người dân Cẩm Xuyên cực kì khó khăn với những thời điểm nạn đói kém kéo dài triền miên. Gia đình chúng tôi ở trên này, biết cách làm trang trại, chăn nuôi nên cũng có của ăn của để và gửi tiết kiệm theo lời kêu gọi của nhà nước. Thời điểm ấy, giá lương thực ngoài thị trường là 4 đồng, cao gấp chục lần giá nhà nước bán ra chỉ có 4 hào. Tuy nhiên, để cứu đói giúp người dân, gia đình tôi và một số hộ dân ở đây đã bán cho bà con Cẩm Xuyên theo giá nhà nước. Người dân khi đó dùng quang gánh lên đây mua sắn và lương thực khác rất nhiều”, ông Thư kể lại một thời khó khăn và nguyên nhân khiến gia đình ông có tiếng hồi đó.
Chuyen ke cua nhung nguoi tung song ben ho Ke Go-Hinh-2
Chèo thuyền trên Hồ Kẻ Gỗ. 
Vùng rừng núi hồ Kẻ Gỗ đã từng góp phần lớn cho sự no ấm của nhiều hộ gia đình sinh sống ở đây nói riêng và không ít người dân Cẩm Xuyên lúc đó nói chung.
Khi tôi hỏi ông Thư, kỉ niệm nào gắn liền với Hồ Kẻ Gỗ trước đó là sâu sắc và khó quên nhất đối với ông, thì ông cho biết đó những ngày đầu lên khai phá đói khát phải xuống rào bắt cá, bẻ đọt (ngọn - PV) cây muồng để cho vợ con ăn. Tuy nhiên, với sự giàu có của thiên nhiên Kẻ Gỗ, cùng với sự chăm chỉ lao động, cuộc sống của gia đình ông bà Thư Viện và các gia đình nơi đây dần thay đổi. “Trước đây túi chỉ 5 chinh lẻ/bây giờ đã lên mấy chục quan”, ông kể rồi đọc cho chúng tôi nghe những câu thơ về sự đổi thay cuộc sống từng ngày trong thời gian sống ở Hồ.
Đặc biệt, khu vực hồ Kẻ Gỗ thời điểm chiến tranh cũng là một trong những trọng điểm đánh phá của đế quốc Mỹ. Ở khu vực này từng có sân bay Libi mà hiện tại đã nằm gọn trong lòng hồ, đến mùa hè nước rút cạn vẫn còn có thể thấy được dấu tích. Trước khi Hồ được xây, có con đường 22 huyền thoại “chạy theo bóng núi” dọc theo bờ sông, hai bên là núi rừng hùng vỹ. Những chuyến xe, đoàn quân hành quân vào Nam qua đây thường ở lại trú quân, tránh bom.
“Hồi đó, gia đình tôi có những hàng lũy tre rất lớn, những chuyến xe qua đều “núp” dưới những lũy tre này tránh bom”, ông Thư kể. Không biết bao nhiêu đoàn quân đã trú ở gia đình ông và các gia đình còn lại. Núi rừng Hồ Kẻ Gỗ thời điểm đó như “bà mẹ” che chở những đoàn quân giữa đại ngàn Trường Sơn.
Hiến đất, hiến nhà xây hồ
Năm 1975, Nhà nước có chủ trương xây dựng hồ Kẻ Gỗ.
Ông Đặng Minh Thư chia sẻ, thời kỳ ấy, những câu nói “truyền lửa” của ông Trương Kiện, Bí thư tỉnh Nghệ Tĩnh như làn sóng tinh thần kêu gọi sự ủng hộ của toàn thể nhân dân xây dựng Hồ. Những câu như “thay trời đổi đất, sắp xếp lại giang sơn” của vị Bí thư tỉnh đã ăn sâu vào tiềm thức của ông cũng như bao nhiêu người dân ở thời điểm đó.
Thực tế, những gia đình như ông Thư và nhiều hộ khác, họ từng di cư lên vùng hồ Kẻ Gỗ, mất bao nhiêu công sức khai phá, xây dựng trang trại, nhà cửa. Theo thời gian, cuộc sống nơi đây ngày càng phát triển, ấm no thì việc hiến đất, hiến nhà để chuyển đi một nơi khác không phải là một quyết định dễ dàng ở thời điểm đó.
“Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng nếu hồ Kẻ Gỗ được xây dựng thì sẽ giúp biết bao người dân của Cẩm Xuyên và các vùng lân cận có cuộc sống ấm no hơn. Lúc ấy, đất nước vừa thống nhất, tinh thần cộng sản trong tôi và mỗi người dân rất lớn. Nếu có lợi cho dân, chúng tôi sẵn sàng hiến tài sản gây dựng bao nhiêu năm cho nhà nước mà không hề suy tính thiệt hơn”, ông Thư kể.
Theo lời ông, khi đó nhà bằng gỗ thì nhà nước cho tiền công để chở về xuôi, cây cối trong trang trại thì chặt để làm củi, còn chè thì cắt để bán. Đất thì không mua bán, bồi thường gì mà hiến cho nhà nước để làm hồ với tinh thần “ngày mai sẽ là của chung, tất cả sẽ là niềm vui và ánh sáng” nhằm góp phần xây dựng hồ Kẻ Gỗ.
Một góc hồ Kẻ Gỗ
“Sau khi hiến trang trại và đất đai, nhà cửa để làm hồ Kẻ Gỗ, mỗi gia đình chuyển đi một nơi. Riêng gia đình tôi chuyển về Cẩm Tiến ở rồi chuyển về Đại Nài (thành phố Hà Tĩnh). Lúc về nơi ở mới, gia đình tôi lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn do đồng tiền tiết kiệm trước đó mất giá, vả lại cũng chưa biết làm nghề gì để kiếm sống. Tuy nhiên tôi chưa bao giờ có suy nghĩ hối tiếc điều gì khi đã hiến tài sản để xây hồ. Chắc chắn các hộ gia đình còn lại cũng vậy”, ông tâm sự.
Với chủ trương lớn, quyết liệt của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, cùng với sự đóng góp tài sản của những hộ dân từng sinh sống ở hồ Kẻ Gỗ, sự đồng lòng của hàng vạn người dân tỉnh Nghệ Tĩnh thời điểm đó, vào ngày 26.3.1976, công trình Đại thủy nông Kẻ Gỗ đã được khởi công xây dựng trong sự hân hoan và hi vọng “đổi đời” của người dân vùng quê nắng gió.
Ngày 26.3.1976, hàng vạn người dân tỉnh Nghệ Tĩnh với cờ hoa rợp trời đã có mặt ở nơi núi rừng vốn hoang lạnh để tham dự lễ khởi công công trình Đại thủy nông Hồ Kẻ Gỗ.
Hồ Kẻ Gỗ có lưu vực 223 km2, dung tích 345 triệu m3, đủ điều kiện cung cấp nước cho cây trồng, vật nuôi, cấp nước sinh hoạt cho cả một vùng quê rộng lớn bao gồm các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh. Công trình Hồ Kẻ Gỗ còn có tác dụng cung cấp nước tưới cho công nghiệp, điều tiết lũ, chống xói mòn, ngập úng cho vùng hạ du, góp phần xây dựng môi trường sinh thái một cách bền vững.
Hồ Kẻ Gỗ đã xóa hẳn sự đói nghèo cho hàng vạn người dân đã bao đời chịu cay, chịu đắng vì sự khắc nghiệt của thiên tai để đi đến sự ấm no, hạnh phúc.
Theo Phương Ngọc - Đặng Sơn - Hà Vy/Infonet