Dấu vết kinh thành xưa đã phai nhạt nhiều nhưng mà may mắn thay, vẫn còn một Ô Quan Chưởng cổ kính để hoài niệm: Cửa ô có lính gác hai bên, sáng mở cửa, tối đóng cửa bằng tiếng trống thu không buồn man mác...
Từ cửa ô nhớ hồn xưa tích cũ
Ô Quan Chưởng mang trong mình nhiều huyền thoại. Cái cửa ô này có tên chính thức là cửa Đông Hà và cái tên này giờ vẫn được lưu giữ bởi 3 chữ Hán đắp nổi trên cổng chính. Cái tên chính thức là thế nhưng cái tên dân gian cũng có sức mạnh của riêng mình, từ cửa Đông Hà trên phố Hàng Chiếu xưa đã thành Ô Quan Chưởng, phố Ô Quan Chưởng ngày nay.
Giở lại lịch sử thì có vài giả thuyết về cái tên Ô Quan Chưởng này nhưng có lẽ giả thuyết về một viên Chưởng cơ cùng với những nghĩa sĩ của mình đã chiến đấu anh dũng chống lại quân Pháp trong đợt đánh vào thành Hà Nội năm 1873 được nhiều người đồng tình nhất. Vị Chưởng cơ này cùng với khoảng một trăm đồng đội đã quyết chiến đấu đến cùng. Sau vì đuối thế, vị Chưởng cơ bị bắt, bị chém bêu đầu ngay bến đò sông Hồng ngay trước cửa ô. Nhân dân tiếc thương, từ đó gọi cái tên cửa ô này bằng cái tên mới Ô Quan Chưởng để ghi nhớ sự hy sinh lẫm liệt của người con trung dũng.
Qua sự kiện này có thể rút ra được hai điều, xưa kia sông Hồng rất rộng, bến sông đã lan vào gần phố Trần Nhật Duật hiện nay và chính từ bến sông này hàng ngày người ta vẫn mang chiếu từ các vùng Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình vào bán trong nội thành. Phố Ô Quan Chưởng vốn là phố Hàng Chiếu xưa cũng vì đặc điểm là nơi thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hoá từ bến sông lên.
Giờ Ô Quan Chưởng đã bạc màu thời gian, những buổi chiều muộn đi qua cửa ô như thấy một lớp bụi thời gian đã phủ lấp ở nơi này. Những viên gạch xây tường có chỗ đã đỏ lậm vì sương gió thời gian, những kẽ gạch thỉnh thoảng lấm chấm màu xanh của những cây dương xỉ bám vào và cái cổng gỗ xưa dù đã được khôi phục nhưng không phải để đóng cửa mỗi chiều bảng lảng khi có tiếng trống thu không nữa, nó đứng đó, bạc màu thời gian và hồi nhớ những nhân vật kỳ lạ đã từng sống ở quanh cửa ô này.
Ông già “Bố Ô” uống rượu ở cửa ô
Nhà văn Nguyễn Tuân kể rằng, ở cửa ô này ngày trước, sáng nào cũng có một ông già nghiện rượu ngồi nơi đây. Ông ngồi nơi cửa ô từ sáng sớm khi hơi sương mờ mờ còn chưa rõ mặt người. Ông nghiện rượu nhưng chẳng có tiền mua rượu, thế là ông kiên nhẫn chờ đợi các cô hàng rượu gánh rượu đi qua lối cửa ô vào trong thành. Gia tài của ông là một cái ghế gỗ, một cái chén cũng bằng gỗ và bộ quần áo sòng sòng nhuốm màu thời gian.
Ông già có một mánh khóe nhỏ mà về sau các cô bán rượu từ vùng Bồ Đề, Long Biên bên kia sông mới hiểu. Ông đòi mua rượu và đòi nếm thử, các cô hàng rót rượu cho ông vào cái chén gỗ, ông nhấp qua một chút rồi bảo, rượu nhạt, không mua được. Chẳng nhẽ lại cãi nhau với một ông già, các cô không thèm chấp và quẩy gánh hàng đi cho kịp chợ; còn ông già giờ mới thưởng thức chén rượu thơm lừng bằng một cách độc nhất vô nhị. Ông chấm cái đinh đóng thuyền vào chén rượu và mút đánh chụt một cái và cứ thế, nhẩn nha cảm nhận hơi cay, vị ấm nồng của thứ rượu vùng Bồ Đề nổi tiếng.
Một cô hàng rượu, hai cô hàng rượu, ba cô hàng rượu… cô nào cũng bị ông già dùng cái mánh khóe ấy để uống rượu không mất tiền. Cũng chả giận ông được vì khi vặc lại thì ông bảo rằng ông không có tiền mua rượu, các cô bớt đi một chén rượu cho ông uống cũng chẳng sao. Mà các cô hàng rượu đã nghiệm rằng hôm nào các cô cho ông nếm thử chén rượu thì hôm đó bán đắt hàng nên dần dần các cô cũng chẳng cần ông đòi hỏi nữa mà tự nguyện rót luôn cho ông một chén rượu hoặc đưa cho ông một be rượu nhỏ đã chuẩn bị sẵn từ nhà. Cũng không ai biết ông tên là gì, chỉ vì cái thói quen uống rượu kiểu này ở cửa ô mà các cô gọi ông là “Bố Ô”.
“Bố Ô” - cái tên mới thân thương và trìu mến làm sao, cũng có người bảo ông là người trần, có người bảo là không phải, ông là một sứ giả nào đấy của nhà trời để thử lòng người đời… Tôi cứ tự hỏi nếu “Bố Ô” vẫn còn sống để thưởng thức cút rượu thơm nồng ấy, lại nhâm nhi ở hàng chả rươi ngay đối diện cửa ô thì thú vị biết chừng nào. Cái cửa ô cổ kính này bây giờ đã thành cái ngã ba ẩm thực nổi tiếng. Tỏa đi từ cửa ô này là phố Hàng Chiếu, phố Thanh Hà, phố Đào Duy Từ mà phố nào cũng nức tiếng bởi những hàng ăn rất ngon. Nào là món bánh rán bi tí xíu chỉ một nghìn đồng một cái, nào là miếng chả rươi tròn xoe thơm lừng có quanh năm, chen chúc gần đấy là một hàng bún ốc nguội cũng độc đáo và bên cạnh đó là hàng cháo lòng chần nức tiếng vì thứ lòng tươi và cánh chế biến đặc biệt của mình. Đứng giữa cái ngã ba phố đó, ngồi vào hàng ăn nào quanh quanh cũng có thể ngắm cái cửa ô cổ kính ở một tầm nhìn rất gần. Ăn một món ngon lại được ngắm nhìn, hồi tưởng lịch sử qua cái cửa ô duy nhất còn lại của đất kinh kỳ chợt thấy nao nao một cảm giác nào đó.
Chuyện cụ Mão gánh thơ đi tản cư
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp kể về một nhân vật cũng liệt vào hàng kỳ nhân ở đây. Đó là cụ Nguyễn Hữu Mão từng sống ở nhà số 7 phố Ô Quan Chưởng. Có lẽ xưa nay không ai yêu thơ và làm nhiều thơ như cụ. Thơ cụ không tính bằng bài mà tính bằng… cân, bằng tạ. Ngày toàn quốc kháng chiến, người dân Thủ đô phải bồng bế nhau đi sơ tán, ai cũng cố mang theo những vật dụng cần thiết, quý giá nhất, riêng cụ Mão, cụ ung dung gánh một gánh thơ mang đi tản cư vì đối với cụ, thơ mới là thứ quý giá nhất.
Nhưng cụ cũng có một ưu phiền nho nhỏ vì trong số gần chục người con của cụ chỉ có anh con trai thứ ba là người duy nhất làm thơ, mê thơ như bố. Có người ta bảo thơ cụ hay hơn thơ anh, có người bảo thơ anh hay hơn thơ cụ. Ông cụ cứ băn khoăn không biết thơ ai hay hơn dù thơ của cả hai bố con chủ yếu là để chia sẻ với mọi người chứ hầu như không in ấn bao giờ. Lúc cụ ốm nặng, ông cụ mới gọi cậu con thứ ba mê thơ đến và hỏi. Giữa thơ của anh và thơ của tôi, anh thấy thơ ai hay hơn. Anh con trai lúc đó mới nhìn người cha già đầy xúc động và bảo: “Vâng, thưa bố, chắc chắn là thơ của bố hay hơn thơ của con rồi”. Cụ Mão lập tức ngồi được dậy, mắt rạng rỡ và bảo, vậy thì anh đã báo hiếu đủ cho tôi rồi, giờ tôi sẽ tha thứ hết cho những lỗi lầm của anh… Đó không phải câu chuyện hư cấu của nhà văn mà sau này chính nhà thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh, con trai thứ ba của cụ Mão đã kể lại cho tôi chuyện này và ở phố Ô Quan Chưởng giờ vẫn còn một người con của cụ Mão sống ở đó.
Phố Ô Quan Chưởng giờ vẫn là một trong những lối đi từ phía tả ngạn sông Hồng vào trong nội thành. Con phố giản dị, có phần yên bình vì có nhiều bóng cây và ở cuối phố vẫn là cửa ô xưa cũ của kinh thành. Những ai từng qua lối này, có biết chăng những câu chuyện lịch sử, mùi thời gian và một lớp vàng son quá khứ dường như đã đậu lại đâu đó trên mái cửa ô huyền thoại này.
Theo Nhà văn Uông Triều/An Ninh Thủ Đô