Chuyện tình huyền thoại đẹp nhất Tây Nguyên

Google News

(Kiến Thức) - Ngày cưới, Y Ngon với tấm thân già gầy đét nhưng vẫn còn trang điểm, đeo vòng vui mừng nhảy múa, hát ca thì ai cũng như ngộ ra hạnh phúc muộn màng của họ.

Chuyện tình của đôi vợ chồng năm nay đã ngoài 80 tuổi giống như truyện cổ tích nhuộm đầy chất huyền thoại giữa đại ngàn Tây Nguyên.

Lời thề dưới trăng

Đến cuối cuộc đời, rồi lời thề của 60 năm về trước cuối cùng cũng đã trở thành hiện thực. Ngay chính họ cũng không ngờ kiếp này lại có thể may mắn đến được với nhau khi mỗi người đã xây dựng cho mình một gia đình đầm ấm, con cái đầy nhà.

Chúng tôi lên đến đỉnh núi Ngọc Sen, xã Hiếu, huyện Kon Plông (Kon Tum) thì đúng ngọ. Căn nhà gỗ được nhiều người sống ở buôn Vi Choong đã miêu tả cho chúng tôi biết trước khi có quyết định cuốc bộ lên đỉnh núi hoàn toàn cách biệt buôn làng đến vài kilomet đã hiện ra trước mắt. Thấy có người lạ, một bà lão móm mém đã rụng quá nửa hai hàm răng ra ngước mắt nhìn cười thay lời chào rồi gọi với vào nhà bằng tiếng Mơ Nông mà chúng tôi không rõ bà lão đang nói gì. Từ căn nhà gỗ, một ông lão vội vã bước ra cười chào khách để lộ hai hàm răng cửa cũng đã rụng rơi quá nửa. 

 Nơi đôi vợ chồng già tìm đến sinh sống cách biệt với buôn làng.

Trước mặt chúng tôi là đôi bạn đời có mối tình được nhiều người nói rằng đẹp nhất núi rừng, nhuộm đầy chất huyền thoại như trong những áng sử thi của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Mấy năm nay, từ khi họ chính thức trở thành đôi vợ chồng già, tình yêu của họ cùng câu chuyện thề nguyền như sống lại tỏa đi khắp buôn làng. Họ là A Trí và Y Ngon (đều 81 tuổi), cũng tại chân núi này, 60 năm về trước cả hai đã trao nhau nụ hôn đầu đời. Họ thề cho dù thế nào cũng sẽ ở bên nhau đến trọn đời, hết kiếp, nhất định là như vậy khi đất nước đã thống nhất.  

Sau bữa cơm trưa đạm bạc thức ăn của đôi vợ chồng già là những con châu chấu, nắm lá rừng nhưng đầy ắp tình thương. Khi chúng tôi đề cập đến tình yêu của họ 60 năm về trước, ai cũng e thẹn. Y Ngon đỏ mặt sượng sùng, A Trí cười hóm hỉnh gãi đầu, đỏ tai. Chuyện tình ấy đã 60 mùa rẫy trôi qua, nhưng với họ như mới vừa xảy ra vào một ngày mới đây. A Trí, Y Ngon chậm rãi kể lại cho chúng tôi nghe về mối tình nhuộm màu sắc ly kỳ của họ. 

Cách đây 60 năm, khi ấy chàng A Trí, người Mơ Nông, làng Vi Choong, xã Hiếu, huyện Kon Plông (Kon Tum) mới tròn 16 tuổi, đang là chàng trai khỏe mạnh, lực lưỡng nhất của buôn làng. Sức chàng làm bằng hai, ba người khác cộng lại. Không chỉ siêng năng, chàng còn có tài săn bắn, đánh chiêng, nhiều cô gái ước ao bắt được A Trí về làm chồng. Nàng Y Ngon làng bên cạnh cũng là thiếu nữ đang ở tuổi cập kê. Những chàng trai con nhà giàu có của các tộc trưởng trong vùng đều bị tiếng hát trong trẻo của Y Ngon làm mê hoặc. Từ năm 16 tuổi, nhà Y Ngon đã dập dìu bóng trai tráng ra vào mỗi đêm.
 
 Bữa cơm trưa nghèo nàn mà chan chứa hạnh phúc của đôi vợ chồng già.

Ai cũng đem quyết tâm chinh phục với hi vọng sẽ được Y Ngon bắt về làm chồng. Nhưng trong con mắt và trái tim nàng Y Ngon, trong những người đến tìm hiểu, cầu hôn chỉ có chàng A Trí con nhà nghèo nhưng hiền lành, khỏe mạnh là người nàng để ý và đem lòng thương yêu.

Tình yêu của họ đang bước vào thời kỳ cháy bỏng nhất, gia đình nàng Y Ngon chuẩn bị đem lễ đến hỏi bắt A Trí về làm chồng cho Y Ngon thì một ngày kia, A Trí nhận được giấy gọi đi dân công phục vụ tiền tuyến. Gác lại hạnh phúc đời tư, chàng trai của núi rừng tạm biệt người yêu lên đường làm nhiệm vụ. Cả A Trí và Y Ngon đều nhớ rất rõ đêm hôm đó, dưới anh trăng ngà nơi đại ngàn in bóng dưới dòng suối trong muốt nối liền giữa hai buôn, cả hai ôm nhau thắm thiết mà không nỡ rời xa nửa bước. Họ thề dưới ánh trăng, trước núi rừng linh thiêng là cho dù thế nào, chiến tranh có làm cho A Trí cụt tay, mất chân thì ngày chiếc thắng trở về nhất định họ sẽ vẫn trở thành vợ chồng, sinh con, đẻ cái. Khi con gà rừng đã cất tiếng gáy canh tư thì hai người đành phải chia tay nhau trong nước mắt và sự nuối tiếc cho một tình yêu chưa trọn vẹn.

Từ hôm đó, A Trí lên đường làm dân công. Y Ngon ở nhà, thui thủi một mình ra vào không yên, chiêng không thèm đánh, miệng còn không muốn hát. Nàng ngày đêm nhớ A Trí. Một ngày nọ, Y Ngon cũng xin ra nhập đội vận tải hàng hóa của tỉnh Kon Tum. Vì cả hai không biết chữ nên không thể viết thư cho nhau mà âm thầm gửi nổi nhớ đến người mình yêu bằng những giấc mơ chập chờn, vô định.

Chiến tranh chia lìa lời thề

Bẵng đi 3 năm trời bặt vô âm tín, chiến tranh ngày càng khốc liệt, bom Mỹ ngày đêm nổ rung chuyển khắp núi rừng Tây Nguyên, A Trí về quê thăm nhà, tìm gặp Y Ngon thì hay tin nàng đã “đi làm cách mạng”. Hơn ai hết, A Trí hiểu đã dẫn thân vào kháng chiến là phải chịu gian khổ, chết chóc. Và biết đâu, Y Ngon đã… A Trí không dám nghĩ thêm. 

Rồi một ngày kia, trời đất như sụp đổ, A Trí bàng hoàng hay tin Y Ngon đã hi sinh do trúng bom giặc trên đường vận chuyển hàng hóa vào chiến trường. Đau đớn, tuyệt vọng… Vậy là lời thề trở thành vợ chồng dưới trăm năm của họ đành phải gác lại ở kiếp sau.  

Thời gian trôi đi, nỗi buồn mất người yêu vẫn như một vết dao cắt sâu vào lòng A Trí. Nhưng rồi, để trả ơn và làm tròn nghĩa vụ với đấng sinh thành, A Trí đi lấy vợ, sinh con. 

 Vợ chồng A Trí và Y Ngon cùng người con riêng của A Trí.

Kết thúc chiến tranh, vợ chồng A Trí đang sống trong êm đềm, hạnh phúc thì Y Ngon đột ngột trở về buôn. Nghe người bạn sống ở đầu buôn chạy lên nương báo tin, A Trí không tin, chàng bỏ rẫy chạy một mạch sang buôn bên cạnh. Hỡi ôi, trước mặt chàng là nàng Y Ngon, nàng chưa chết mà vẫn xinh đẹp như xưa dù vết thời gian đã bắt đầu phủ lên gương mặt, cánh tay… Vậy là chàng có lỗi với người mình yêu rồi. 

Đau đớn, A Trí toan chạy lại ôm chặt lấy Y Ngon mà khóc lóc vì hành phúc nhưng chàng bỗng khựng lại vì biết rằng mình không còn xứng đáng để được trong vòng tay Y Ngon nữa. Hay tin A Trí đã có vợ, sinh con, tim Y Ngon như bị ngàn mũi tên bắn vào đau nhói, nàng không khóc nhưng nước mắt cứ ứa ra mặn chát từng dòng. Chiến tranh đã làm cho một mối tình trong sáng giữa núi rừng tưởng chừng sẽ trở thành vợ chồng nay nên nghiệt ngã, trớ trêu. A Trí cũng nghẹn lời, lấy tay đấm vào ngực mình thình thịch rồi giải bày tất cả với người mình yêu. 

Khi người yêu thôi rơi nước mắt, A Trí an ủi Y Ngon bằng lời hứa: “Tình yêu của chúng mình đành hẹn lại kiếp sau. Y Ngon hãy về lấy chồng đi, khi nào vợ A Trí chết đi, chồng Y Ngon chết đi, chúng ta sẽ thành vợ thành chồng. Ngàn lần xin lỗi Y Ngon!..” rồi A Trí dứt lòng chia tay người yêu năm xưa chạy một mạch về buôn mình lên giường nằm. 

Nỗi đau vơi dần, rồi một ngày kia Y Ngon cũng đã bắt cho mình một người chồng. A Trí và Y Ngon đều sống êm đềm, hạnh phúc. A Trí sinh được 4 người con, Y Ngon có 5 người con.

Từ đó mỗi năm, vẫn có đôi lần họ gặp lại nhau trong những mùa lễ hội. A Trí vẫn đánh chiêng như một trai tráng, Y Ngon nhảy quanh đống lửa như một thiếu nữ. Những đêm lễ hội như vậy tình yêu trong họ lại sống dậy, nhưng ai cũng cố nén trong lòng vì họ biết rõ không thể đến được nhau nữa vì mỗi người đều đã có đời sống riêng, con cái đầy nhà.

60 năm sau lời thề bất ngờ thành hiện thực

Khi A Trí đã ở tuổi 75, người vợ hiền đột ngột qua đời. A Trí buồn bã làm lễ ma chay xong cho vợ thì dắt theo con trâu cùng ít đồ dùng lên đỉnh núi Ngọc Sen cất chòi làm nhà ở. Vài tháng mới xuống núi một lần để thăm các con và mua ít thực phẩm cho lên lưng trâu gùi vào núi. Vợ mất, A Trí đơn độc, sống cô lập với buôn làng, tình yêu năm xưa cùng lời thề hẹn dưới chân núi này cùng Y Ngon lại trỗi dậy mãnh liệt. 

Một buổi tối chiều mưa rừng tầm tả, A Trí đang ngồi trầm ngâm bên bếp lửa thì nghe bên ngoài có tiếng động mạnh. Bước ra đó là một người mặc áo mưa, tay cầm giỏ măng, trùm kín đầu chỉ để lộ ra hai phần ba gương mặt. Bà già cất tiếng: “Tôi đi rừng hái măng, mưa quá nên vào đây xin trú mưa, ngớt hạt mới về được…”. Khi tiếng nói cất lên A Trí nhận ra ngay đó là Y Ngon, người mình yêu. Trong buổi hoàng hôn dưới con mưa rừng như chút nước, Y Ngon ngỡ ngàng nhận ra đó là A Trí, người mà 60 năm về trước cũng dưới chân núi này Y Ngon đã chọn sẽ cưới làm chồng.

 Vượt qua định kiến tuổi già, họ trở thành đôi vợ chồng với chuyện tình huyền thoại.

Hôm ấy, như duyên trời sắp đặt, khe suối dưới chân núi Ngọc Sen nước dâng cao, chảy siết, Y Ngon không thể về nhà. Họ thức qua đêm bên bếp lửa, kể cho nhau nghe về cuộc sống của gia đình. Chính A Trí cũng không ngờ ở tuổi 75 Y Ngon cũng trở thành người góa cô độc như mình khi chồng bạo bệnh qua đời cách đó đã một năm. Tình yêu và lời thề nguyền năm xưa sống dậy trong hai người, dưới ngọn lửa bập bùng trong đêm. Hơn lúc nào hết, họ nhận ra rằng không thể sống thiếu nhau những quãng đời còn lại. Hai ngày sau nước suối không còn chảy siết, họ xuống núi trở về buôn. A Trí họp các con làm lễ bỏ mã cho vợ. Y Ngon mời buôn làng tới dự lễ bỏ mã cho chồng. 

Sau lễ bỏ mã, con cháu của hai bên gia đình đều ngỡ ngàng khi cả A Trí và Y Ngon trở nên tươi tỉnh, vui vẻ, miệng lúc nào cũng cười, cũng hát như thuở còn mưới tám, đôi mươi. Điều làm mọi người ngạc nhiên hơn cả là họ còn ủ thêm rượu, chuẩn bị cả nhiều sính lễ, vòng bạc, khuyên tai. Khi biết hai người đang chuẩn bị lễ cho ngày cưới thì con cháu hai bên đều quyết liệt phản đối, bởi tuổi hai người đã quá lớn, ai cũng nghĩ có lấy về cũng chỉ làm khổ cho nhau.

Tin truyền ra ngoài, buôn gần, buôn xa, khắp cả xã Hiếu ai cũng chế nhạo, chọc ghẹo A Trí, Y Ngon, vì họ cho rằng hai người đã gần đất xa trời rồi mà vẫn chưa chịu an phận, lại còn bày ra chuyện yêu đương, cưới xin. Nhưng rồi, khi buôn làng ai cũng đã rõ mối tình 60 năm về trước cũng lời thề nguyền của họ thì mới cảm động, tán thành. Ngày cưới, Y Ngon với tấm thân già gầy đét nhưng vẫn còn trang điểm, đeo vòng vui mừng nhảy múa, hát ca thì ai cũng như ngộ ra hạnh phúc muộn màng của họ.

 Sau 60 năm lời thề trở thành hiện thực, họ đang hạnh phúc bên nhau.

Sau ngày cưới, hai ông bà lại lên núi Ngọc Sen sống tách biệt với cuộc sống bon chen thường ngày để bù đắp cho nhau khoảng thời gian dài xa vắng. Họ tự tay làm một ngôi nhà đầm để ở và sinh hoạt. Mỗi năm họ chỉ xuống núi vài lần để mua một số vật dụng cần thiết. Con cháu của họ nếu có nhớ bố mẹ, ông bà thì phải lặn lội nên núi mà thăm chứ họ không xuống.

Kể từ hôm đó tới nay, A Trí, Y Ngon quấn quýt với nhau như hình với bóng. Ban ngày họ cùng nhau lên rẫy, chiều về lại quây quần bên bếp lửa với nồi cơm chỉ 2 món hoa chuối rừng nướng và vài con cào cào chiên giòn chấm muối ớt. 

Ngay nay, buôn gần, buôn xa ai cũng biết tình yêu của họ. Một chuyện tình huyền thoại đã đi vào lòng người và trở thành biểu tượng của tình yêu cho những đôi nam nữ người Mơ Nông sống ở phía đông dãy Trường Sơn này.


Khắc Lịch