Cỏ nuôi.... người

Google News

(Kiến Thức) - Chiều tàn, anh thanh niên dân tộc H'Mông tên Giàng Seo Chư chất cỏ non lên xe máy, kéo ga phóng tít về phía thị trấn Bắc Hà, tỉnh Lào Cai...

Đi 30km cắt cỏ
Nhiều người bảo rằng, cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông không chỉ ban cho mảnh đất Bắc Hà men rượu ngô thơm nồng, hoa mận trắng muốt... mà còn cả phiên chợ cỏ độc đáo mới được hình thành ở mùa đông trước, để mỗi khi viễn khách tới thăm lại có thêm góc nhìn thú vị về bản sắc, con người nơi biên ải...
Chợ cỏ Bắc Hà họp vào chủ nhật hàng tuần và mới được hình thành vào mùa đông năm ngoái khi băng giá, sương tuyết giăng giăng vây hãm chốn cao sơn, lạnh đến mức con trâu, con ngựa chết cứng như tượng đá khi trầm mình qua băng, tuyết... lúc này, nhiều gia đình nhốt gia súc trong chuồng không dám thả ra, họ đi cắt cỏ về cho chúng ăn để bám trụ qua mùa đông khắc nghiệt. 
Nắm bắt được nhu cầu về thức ăn cho vật nuôi trong những ngày lạnh tăng cao, một số bà con dân tộc H'Mông, Dao ở huyện Bắc Hà đã đi cắt cỏ đem ra chợ bán, không ngờ việc này đem lại thu nhập khá, nhiều người thi nhau mua cỏ khiến cho cơn sốt cỏ non bùng phát... và chợ cỏ cũng theo đó hình thành.
Theo người dân địa phương thì phiên chợ cỏ mới được hình thành vào mùa đông năm ngoái. 
Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến chợ cỏ Bắc Hà khi cái rét dần tàn, nhưng theo thói quen, nhiều người vẫn đem cỏ xuống chợ bán, mặc dù chợ không còn đông đúc, nhộn nhịp như hồi sương tuyết còn giăng giăng cách đây mấy tháng.
Anh Giàng Seo Chư, một người dân huyện Bắc Hà cho biết: "Khoảng gần Tết, chúng tôi thường đi cắt cỏ ở những dãy núi quanh chợ Bắc Hà, ở đây cỏ non nhiều, lại gần chợ nên bán rất nhanh. Buổi sáng bán xong, trưa tranh thủ lên rừng cắt thêm vài bó nữa chiều đem xuống chợ đã có người hỏi mua rồi. Thậm chí có hôm hai vợ chồng tôi chỉ cần tranh thủ lúc đi làm nương về tạt qua bìa rừng vạt vài bó cỏ ngày hôm sau đem xuống chợ đã có tiền chứ không phải bán ngô, sắn như trước đây... nhưng sau đó không lâu, những vạt cỏ quanh các khu rừng ven thị trấn Bắc Hà ít dần do nhiều người đổ xô đi cắt cỏ bán, chúng tôi lại phải đi đến những vùng núi xa hơn cách trung tâm huyện hàng chục cây số mới cắt được cỏ. 
Hiện tại, vào thứ 7 hằng tuần, tôi phải đi xe máy khoảng 30km ra gần QL 70 để cắt cỏ, ở đây toàn cỏ giác non, nếu đem ra chợ bán sẽ được nhiều người hỏi mua, công việc này không hề vất vả như trồng ngô, sắn mà vẫn có khoản thu nhập đủ chi tiêu cho cả tuần.
Chị Lý Sử Mẩy bên những bó cỏ tươi ở chợ Bắc Hà. 
“Được thế là sướng lắm rồi”
Khoảng 9 giờ sáng, bà con dân tộc H'Mông, Dao... hỉ hả chở "chiến lợi phẩm" là những bó cỏ non từ trên núi bày bán ở một góc phố nhỏ gần chùa Bắc Hà, những sản phẩm này vừa bày ra đã có người đến hỏi mua, với giá 50.000đ/1 bó. 
Chị Lý Sử Mẩy, một người bán cỏ tại chợ Bắc Hà cho biết: "Mỗi phiên chợ cỏ thế này tôi kiếm được khoảng 150.000 - 200.000đ, thậm chí, có những hôm lạnh, hai vợ chồng tôi có thể bán được 10 bó cỏ, thu được 500.000đ, tính ra, mỗi tháng chúng tôi kiếm được 1 - 2 triệu đồng nhờ việc bán cỏ. Tôi thấy bán cỏ mà thu được nhiều tiền như thế là sướng lắm rồi. Có tiền bán cỏ, tôi mua phân bón và giống ngô lai năng suất cao trồng lên đồi, năm sau sẽ có nhiều tiền hơn...".
Theo một số hộ dân chuyên mua cỏ ở chợ Bắc Hà thì mấy năm nay, nhiều người phát triển mô hình nuôi trâu, bò, ngựa với số lượng lớn, vào mùa rét họ không thả gia súc ra rừng được thì phải đi cắt cỏ, mua cỏ về cho chúng ăn, có nhà nuôi 10 con trâu thì số lượng cỏ tiêu thụ phải 9 - 10 bó một ngày, ngoài ra chủ trại gia súc còn phải lên rừng cắt cỏ cho chúng ăn để giảm chi phí mua cỏ.
Một số người dân phải đi 30km để cắt cỏ bán. 
Chị Phạm Thị Vân ở thị trấn Bắc Hà cho biết: "Gia đình tôi nuôi 6 con trâu, 3 con ngựa, thời gian này thời tiết ấm áp, tôi thả chúng ra rừng ăn cho đỡ tiền mua cỏ, nhưng những hôm gia súc còn đói hoặc cả nhà muốn xuống chợ đi chơi thì phải mua cỏ về cho chúng ăn... mỗi lần như thế gia đình tôi phải bỏ ra 300.000đ mua cỏ".
Nhiều người dân địa phương cho rằng, vì có chợ cỏ nên số lượng gia súc bị chết trong mùa đông đã giảm bớt, vì không phải thả chúng ra núi mà vẫn có đủ lượng cỏ ăn, giúp gia súc chống lại mùa đông khắc nghiệt. Ngoài ra, khi chợ cỏ hình thành cũng tạo nên nét văn hóa thú vị thu hút khách du lịch đến với cao nguyên trắng. 
Có nhiều khách du lịch trong và ngoài nước thích thú tạo dáng bên những bó cỏ xanh mơn mởn, thỉnh thoảng những vị khách Tây sau khi chụp ảnh còn cho người dân "tiền công", thế nên  bà con rất thích thú... Đến nay, cái lạnh đã lùi dần, nhường lại không khí ấm áp cho mùa hè sắp tới, nhưng nếp sinh hoạt của chợ cỏ vẫn được duy trì...
"Trước mỗi phiên chợ hằng tuần, vợ chồng chúng tôi bỏ ra một buổi chiều đi đến các khu vực ven suối, sườn núi cắt cỏ, cuối buổi có thể thu được 5 - 6 bó to, thu được khoảng 300.000đ. Cũng có hôm chúng tôi bán với giá rẻ hơn nhưng vẫn thu được số tiền khoảng 200.000đ, đủ tiền mua muối mắm, thức ăn cho cả tuần".
Chị Lý Sử Mẩy
Quách Dương