Cụ bà 30 năm sống chết với một gánh bún

Google News

Khách quen vẫn thường bảo: "Sau này bà không bán nữa thì bọn cháu biết ăn ở đâu bây giờ".

- "Mỗi lần tôi cảm thấy mệt mỏi, mỗi lần con cái làm mình làm mẩy không cho bán nữa, tôi lại nhớ đến mấy đứa nhóc là khách quen vẫn thường bảo: “Sau này bà không bán nữa thì bọn cháu biết ăn ở đâu bây giờ”.

Không tự tay làm tôi chẳng yên tâm được

Ở cái khu chợ Bưởi này chẳng phải chỉ có mình bà Oanh bán bún ốc, thế nhưng chẳng hiểu sau cái gánh bún ốc của bà lúc nào cũng đông khách, chỉ ngó trước ngó sau là hết veo. Những người đến trễ một chút đành ngậm ngùi “mai nhớ phần cháu nhé”.

Với thâm niên bán bún ốc trước cổng chợ hơn 30 năm, bà Oanh chẳng mấy khi phải lo ế hàng vì luôn luôn có một lượng "khách hàng ruột" đông đảo. Thế Nhưng bà cũng chẳng muốn bán nhiều hơn, bà dọn hàng lúc 4h chiều, bán đến lúc nhá nhem tối vừa hết là thu dọn quang gánh đi về.

Bà bảo: “Mình già rồi, hơn 70 tuổi chứ có ít đâu nên chỉ bán như thế thôi, dành sức mai còn bán tiếp chứ cố thêm tí nữa nhỡ ốm cái là mai không đi chợ được”.

Gánh bún ốc của bà Oanh đã trở thành hình ảnh quen thuộc ở đây
Gánh bún ốc của bà Oanh đã trở thành hình ảnh quen thuộc ở đây.
Có thâm niên lâu năm, lại sạch sẽ..
Có thâm niên lâu năm, lại sạch sẽ...
...nên lúc nào bà cũng đông khách
...nên lúc nào gánh bún của bà Oanh cũng đông khách.

Hơn 70 tuổi, với trên 30 năm bán bún ốc nhưng từ trước đến nay bà Oanh đều “độc lập tác chiến” chứ chẳng nhờ ai giúp bao giờ. Từ chuyện dậy sớm đi chợ mua đồ, rồi nấu nướng chuẩn bị cho đến bán hàng, rửa bát đều một tay bà làm hết.

Nhiều người hỏi sao bà không thuê thêm người giúp việc cho đỡ mệt, bà trả lời rất thản nhiên: “Tính tôi nó vốn cẩn thận, làm cái gì phải chính tay mình làm mới yên tâm được, từ việc đi chợ, nấu nướng cho đến rửa bát đều phải tự mình làm, thế nó mới sạch sẽ để bán cho khách chứ, vì họ toàn là khách quen của mình bao nhiêu năm rồi mà”.
 
Có lẽ cũng chính vì đều này mà khách hàng luôn cảm thấy yên tâm khi đến ăn tại đây. Ngoài ra, với những "khách hàng ruột", họ đến đây không đơn thuần chỉ để ăn bát bún mà nhiều khi là đến ngồi với bà cụ vì tình cảm là chính. Đi làm về họ ghé qua chợ lại tạt vào ăn bát bún và không quên dặn: “Bà làm cho cháu in ít thôi để chốc cháu về còn ăn cơm nữa nhé”.
 
“Họ cũng tình cảm lắm chứ không phải đơn thuần là những người đến ăn xong rồi đi đâu. Họ vẫn thường trò chuyện hỏi thăm cái chân tôi lúc trái gió trở trời có bị đau nhức không. Nhiều lúc cảm động rớt nước mắt đấy chú ạ”.
 
Không làm thì chẳng chịu được đâu
 
Hơn 30 năm trời ngồi bán bún ở cổng chợ đã trở thành một thói quen, một nhu cầu cố hữu của bà Oanh mà đến bây giờ khi không còn phải lo "cơm áo gạo tiền" nữa, bà cũng không thể nào bỏ được cái gánh bún của mình. Dù già rồi, lại yếu nữa nhưng trời mưa, trời nắng, hôm nào bà cũng dọn hàng đều như vắt chanh vì “sợ lỗi hẹn với khách”.

 

Đối với bà Oanh...
Đối với bà Oanh...
...được lao động đã là hạnh phúc rồi
...được lao động đã là hạnh phúc rồi.
Khi phố đã lên đèn bà mới chậm rãi rửa từng cái bát và dọn gánh hàng về
Khi phố đã lên đèn bà mới chậm rãi rửa từng cái bát và dọn gánh hàng về

 

Mấy năm trước có hôm trời mưa to, các con bà Oanh can mãi mẹ nghỉ bán hàng một hôm nhưng bà nhất định không chịu, vẫn trùm cái áo mưa lếch thếch đi chợ. Thế rồi bà không may bị xe máy tông phải ngã gẫy chân, lúc tỉnh lại thấy mình nằm giữa đường còn người lái xe cũng đã chạy mất, “may mà có người đi ngang qua đưa vào viện chứ không chẳng biết thế nào”.

Con cái bà vừa xót xa vừa giận mẹ, cứ tưởng giờ gẫy chân rồi thì bà sẽ bỏ gánh bún ai ngờ vừa mới đỡ thì bà lại tập tễnh lôi gánh bún ra bán tiếp. “Chỉ có điều là giờ chân yếu rồi, không gánh được nữa nên phải nhờ một cô gần đó gánh hộ thôi chứ còn lại tôi vẫn tự mình làm tất”  - bà Oanh tâm sự.

Ngày xưa bà đi bán hàng để kiếm tiền nuôi các con ăn học, bây giờ các con đều trưởng thành rồi, không muốn mẹ phải vất vả đi bán bún ngoài chợ nữa nhưng nói thế nào bà cũng không chịu nghỉ. Gạ gẫm, dụ dỗ, khuyên ngăn rồi giận dỗi, tất cả các biện pháp đều được sử dụng qua nhưng không có tác dụng.

Bà Oanh nói: “Bây giờ tôi bán bún không phải để kiếm tiền nữa vì con cái cũng có thể chu cấp cho mình được, nhưng bao nhiêu năm lao động rồi, bây giờ nghỉ bán hàng cứ thấy thiếu thiếu cái gì đó, chân tay buồn bực, phải ra ngồi bán hàng thì mới thấy khỏe được”.

Cuối cùng, biết mẹ thích đi du lịch đây đó nên các con của bà “ra điều kiện”: nếu mẹ nghỉ bán hàng sẽ đài thọ cho đi du lịch khắp cả nước rồi ra cả nước ngoài thường xuyên. Chiêu “dụ đi chơi” này của các con bà có vẻ đã đạt được hiệu quả vì bà Oanh đã đồng ý nghỉ bán buổi sáng, chỉ dọn hàng có mấy tiếng buổi chiều để bán cho khách quen. “Già rồi nhưng vẫn còn ham đi chơi lắm cơ”, bà Oanh tủm tỉm cười.

B.A.U

Bài đọc nhiều:

 

Phụ nữ Việt đẹp duyên dáng qua lịch sử áo dài Phụ nữ Việt đẹp duyên dáng qua lịch sử áo dài Hai cụ bà nói tiếng Anh như "rồng" để mưu sinh đêm Bà còng mù không bán đất lấy tiền ăn mà hiến đất


[links()]