Cụ bà 80 tuổi rửa hài cốt lúc nửa đêm

Google News

Chìa đôi bàn tay gầy còm ra, bà giãi bày: "Bàn tay này cầm hài cốt đã nhiều nên giờ chẳng có ông nào dám cầm tay của tôi nữa".


Giờ lành đến, bà Lan cầm chiếc xẻng sắt cắm phập vào khối đất nhô lên giữa nghĩa địa. Giữa không gian tĩnh mịch của trời đêm, ánh sáng chiếc đèn điện soi rõ bàn tay con người đang đào bới một khu mộ cũ.

Tiết trời về thu lạnh ngắt, nhưng bà vẫn mặc chiếc áo sơ mi mỏng xắn tay cao. Bằng bàn tay nhanh nhẹn, dạn dày kinh nghiệm, bà Lan cẩn thận rửa sạch từng khúc xương nhỏ rồi dùng nước thơm rửa hài cốt xếp ngay ngắn vào hòm sành. Cái cảm giác lúc ấy khiến chúng tôi lần đầu chứng kiến phải ớn lạnh, sởn tóc gáy.

Cơ duyên để tôi gặp được bà Đỗ Thị Lan ở thôn Gốc Mít, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng, Lào Cai thật tình cờ. Lần đó, trong đi công tác qua huyện Bảo Thắng đã gần 12h đêm, thấy một nhà người dân ven đường còn sáng đèn, tôi mạnh dạn vào xin nước uống.

Sau một hồi tỉ tê tâm sự, tôi mới biết bà chủ nhà là người nổi tiếng mát tay trong việc "sang cát" cho người chết.

Bà Lan trò chuyện với phóng viên
Hôm đó, bà Lan đang chuẩn bị đi sang mộ cho cụ thân sinh ra ông Vù Sỉu Lành ở làng bên. Tôi ngạc nhiên bởi công việc này ít có người phụ nữ dám làm, nhất là bà khi đã bước sang cái tuổi 80.

Khi tôi ngỏ ý xin đi cùng, bà nhìn tôi từ đầu xuống chân rồi lấy can rượu ngô ra rót hai cốc lớn bảo tôi cùng uống. Thủ tục ban đầu hoàn tất, tôi và bà mang theo đèn pin, cuốc xẻng và men theo đường nhỏ qua cánh đồng lúa đến nghĩa trang.

Bà bảo, công việc này chỉ làm vào thời gian lúc nửa đêm. Bởi khi "bốc mộ" người chết, người ta kị nhất là ánh nắng mặt trời, vì có ánh nắng chiếu vào sẽ làm hỏng xương.

Đặc biệt, hơi khí tích tụ dưới mộ khi cạy nắp quan tài ra cũng rất độc, ai không may mắn hít phải loại khí này rất dễ bị ngất hoặc bị ám ảnh tâm lý trong thời gian dài.

Ngay cả vào mùa đông, ban ngày dù không có ánh nắng mặt trời thì công việc "bốc mộ" cũng phải diễn ra trong đêm tối. Theo kinh nghiệm cha ông thì trời tối "cất nhà" cho người chết mới được mát mẻ và giúp người mất tìm đường về nhà dễ dàng hơn.

Để theo được nghiệp cha ông đã khó, để sống và tồn tại với cái nghề "đặc biệt" này càng khó khăn hơn. Bản thân là phụ nữ nên bà cũng chịu không ít áp lực từ dư luận xã hội.

Với bà, đến với nghề là cái tâm, nếu vì tiền thì giờ chắc không nghèo thế này
Cuộc sống của bà Lan bị ám ảnh bởi những lời đồn thổi, những câu chuyện được dư luận thêu dệt kì dị. Có người bảo bà cao số, bị các hồn ma ám vào, cũng có người bảo cái nghề của bà nặng vía. Bằng chứng là bà đã có đến hai đời chồng nhưng đều "đứt gánh giữa đường".

Những lời thị phi, bà nghe nhiều thành quen, nên cũng không buồn nhiều, chỉ đáng tiếc những người thân cũng không mấy thông cảm cho công việc của bà. Vì thế, dù đã bước sang tuổi 80 nhưng bà Lan vẫn chỉ sống một mình.

Bà tâm sự: "Tôi có 6 người con, 26 cháu nội ngoại và 7 chắt. Các con cháu tôi đều lập nghiệp ở thành phố nhưng tôi nhất quyết không đi. Thành ra từ khi ông ấy mất, tôi vẫn sống một mình thế này đấy".

Dứt lời, bà xòe đôi bàn tay đầy nốt chai sần vì phải cầm xẻng, cuốc đào đất, bà giãi bày nỗi lòng qua lời tâm sự buồn: "Bàn tay này cầm tay người chết đã nhiều, nên chẳng có ông nào dám cầm bàn tay của tôi nữa".

Công việc của một người "bốc mộ" khá phức tạp. Đúng 1h sáng, sau khi thắp hương, làm lễ đào thổ, bà dùng chiếc xẻng xúc những thớ đất đầu tiên trên ngôi mộ.

Sau đó, hai người đàn ông khác phụ bà xúc đất cho đến khi chạm chiếc quan tài. Bà dùng chiếc xẻng nhỏ cạy nắp quan tài rồi nhẹ nhàng nhặt từng khúc xương vụn cẩn thận rửa sạch với chậu nước lá đun sôi để nguội, sau đó bà rửa "hài cốt" lại bằng rượu gạo và xếp ngay ngắn từng bộ phận vào tiểu sành.

Tôi bấm thời gian tính từ lúc đào mộ cho tới khi "hài cốt" được bỏ vào tiểu sành mất chừng 55 phút. Bà bảo: "Không nên để "xương cốt" ngoài trời quá lâu, vì không khí ngoài trời tác động vào sẽ làm hư hỏng hài cốt của người quá cố".

Theo ĐS&PL

[links()]