Cụ ông tí hon 100 tuổi là cụ Hà Cừu (SN 1915), trú thôn Phong Ngũ Tây, xã Điện Thắng Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Cao 1,1m, nhưng vẫn “cua” được vợ đẹp
Gặp chúng tôi, ông Cừu kể: gia đình ông có 4 anh em nhưng ai nấy đều bình thường còn chỉ có riêng ông không hiểu vì sao
khi cao đến 1,1m thì không phát triển thêm được nữa.
|
Cụ năm nay 100 tuổi nhưng trí óc vẫn còn minh mẫn, mắt tinh anh. |
Thời Pháp chiếm đóng Quảng Nam, những lúc rảnh, ông thường ra đình làng nghe người dân hô hát Bài Chòi (loại hình văn nghệ dân gian truyền thống Quảng Nam). Tuy không được đi học, không biết chữ nhưng ông lại có một trí nhớ lạ lùng. Mỗi lời câu hát Bài Chòi, ông chỉ cần nghe qua một lần là nhớ và hát lại rõ vanh vách.
Ông bật mí: chính nhờ trí nhớ này mà đã giúp cho ông lấy được 2 người vợ. “Hồi đó, các cặp đôi tìm đến với nhau là qua những câu hát Bài Chòi rồi nên duyên chồng vợ. Rồi nhờ thuộc và hát được Bài Chòi tôi đã may mắn phải lòng người cha vợ (vợ trước) - ông Cừu nhớ lại.
Lấy vợ cả được một thời gian và có với nhau một người con trai thì vợ cả mắc bệnh qua đời. Sau lần ấy, ông buồn chán nên hay ra làng hát Bài Chòi đêm đêm. Từ đó, tiếng tăm của ông cả làng trên xóm dưới đều biết. Ông lọt vào “mắt xanh” của một thiếu nữ trong làng, rồi cũng se duyên vợ chồng với một mái ấm 5 người con (2 trai, 3 gái).
|
CMND ghi cụ Cừu sinh năm 1915. |
Tiếp chúng tôi, ông Hà Tung (90 tuổi, cháu họ của ông Cừu) kể rằng: Chú ông (tức ông Cừu) năm nay đã 100 tuổi nhưng trí nhớ không ai sánh bằng. Nhiều chuyện xảy ra trước đây tôi không còn nhớ rõ nữa nhưng chú ấy nhớ như in. Chú ấy nhớ hết thẩy người trong làng từ lớn đến nhỏ. Nhiều khi chỉ cần nghe giọng thôi thì chú ấy cũng có thể biết đó là ai rồi.”
Nói tiếng Pháp như gió
Sau khi cưới vợ 2, có con cái, nhưng dường như áp lực cuộc sống và khoản thu nhập từ nghề chăn trâu thuê ở quê không thể nào trang trải đủ nên ông quyết định vào Đà Lạt chăm bò sữa thuê cho một trang trại của thực dân Pháp kiếm tiền.
Công việc hàng ngày của ông là xúc phân bò đi đổ và vắt sữa. Thời gian rảnh rỗi, ông còn xin vào đội xây dựng đường sắt của Pháp để kiếm thêm thu nhập. Nhà nghèo, ông là người không được đi học, nên chữ nghĩa không biết. Đó cũng là trở ngại lớn nhất khi ông đi xa.
Tuy nhiên, trong thời gian làm việc ở đây, ông thường tiếp xúc với lính Pháp nên được tự nâng cao vốn tiếng Pháp. Chỉ 1 năm, ông đã có thể tự giao tiếp bằng tiếng Pháp sành sỏi.
|
Cụ ngày ngày vẫn có thói quen uống cà phê, đi bộ...như là niềm vui cuộc sống. |
Ông kể rằng: ngày ấy, nhờ nói và hiểu được tiếng Pháp nên những người Việt làm việc trong trang trại này đều nhờ ông thông dịch mỗi lần lính Pháp tới nhắc nhở.
Thân hình nhỏ con nhưng ông hầu như rất hiếm khi đau ốm. Ông nhớ, có lần làm ở Đà Lạt vào rừng cắt cỏ cho bò bị muỗi cắn đến sốt rét nhưng chỉ 2-3 ngày sau là sức khỏe phục hồi.
“Thọ nhờ có chế độ ăn uống, sinh hoạt đều đặn thôi. Nhưng thói quen hằng ngày, nhất là buổi sáng của tôi là uống cà phê. Tôi nghiện lắm. Thời làm ở Đà Lạt ngày nào cũng uống, giờ về già rồi cũng không bỏ được”. Ông Cừu đã chia sẻ như vậy khi nói về bí quyết giúp mình sống trường thọ khi nay đã bước qua tuổi 100.
Đã qua tuổi 100 nhưng ông Cừu ngày ngày có thể đi bộ từ đầu thôn đến cuối thôn mà vẫn không thấy mệt. Ông bảo rằng đi như thế vừa khỏe người vừa thăm được bà con trong vùng nên rất thích đi. Ông xem uống cà phê, đi bộ, hát Bài Chòi, và đôi khi ôn lại vốn tiếng Pháp như là thói quen thường nhật của mình.
Hà Kiều