Có tay chơi sẵn sàng trả cả tỷ đồng chỉ để đổi lấy một cái tô ăn cơm của Vua Tự Đức, hay cái ống nhổ trầu của Vua Khải Định.
Nét mặt vô cùng hân hoan vì tậu được chiếc ly bạch ngọc giá hơn 300 triệu đồng, ông Lê K., đại gia ngành gỗ ngụ quận Phú Nhuận, bật mí với đám chiến hữu rằng đây là chén bạch ngọc có một không hai trên thế gian. “Từ một khối ngọc, nó được các nghệ nhân lão luyện đẽo tạc, chế tác, mài giũa nên hình hài tinh xảo. Điểm đặc biệt của chén bạch ngọc này ở chỗ nó từng là vật dùng của bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu, vợ Vua Gia Long, người sáng lập triều Nguyễn”. Ông K. tin rằng chén bạch ngọc này có điều huyền diệu là mọi độc chất khi được rót vào đều tan biến. Đây chính là lý do mà bậc mẫu nghi thiên hạ ngày trước dùng chén ngọc để tránh bị đầu độc.
Không ầm ĩ như trào lưu săn lùng cổ vật, thú sưu tập đồ ngự dụng có phần im ắng hơn nhưng không vì thế mà kém phần khốc liệt. Vì mỗi món đồ ngự dụng trị giá hàng trăm triệu đồng, có khi hàng tỷ nên rất kén người chơi. Và tất nhiên, gắn liền với thú chơi vương giả này là vô số lọc lừa, man trá!
|
Cận cảnh những đồ ngự dụng thứ thiệt tại bảo tàng cung đình Huế. |
Không như dân chơi cổ vật làm xàm thường thấy, ông Hảo, 56 tuổi, chuyên sưu tầm cổ vật liên quan đến các triều vua Nguyễn tâm tình, dân săn đồ ngự dụng bên cạnh niềm đam mê phải có lắm tiền. Bởi mỗi món đồ mà vua chúa sử dụng đều là ngọc ngà quý hiếm, giá trị nên rất đắt: "Ngoài cái sự quý về chất liệu, đồ ngự dụng còn quý ở giá trị lịch sử. Cứ nghĩ cảm giác mình được dùng cái chén, cái ly, cái tô… mà ngày trước vua, mẹ vua, vợ vua dùng thì cảm giác nó đã như thế nào. Mà muốn có được cái cảm giác vi diệu đó, trước tiên phải có tiền, có lắm tiền thì mới săn được đồ ngự dụng!".
Biệt thự của ông Hảo nằm trong khu dân cư Nam Long (đường Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long B, quận 9, TP HCM). Trong căn phòng rộng hơn 100m2 bề thế, sang trọng, giữa rừng cổ vật nào là sắc phong, bảo kiếm, ấn triện, tô sành chén sứ…, ông Hảo thổ lộ, ông tâm đắc nhất là chiếc lược làm từ sừng tê giác tinh xảo với hoa văn chạm khắc hình con chim phượng đài các, rất đẹp. Chỉ cho xem chứ không cho chụp ảnh vì sợ rằng như thế mất tính linh thiêng của vật báu mà mình phải chi gần 500 triệu đồng để đổi quyền sở hữu, ông Hảo bảo lúc nhìn thấy chiếc lược, vợ ông như bị hút hồn, ánh mắt cứ dán chặt không rời.
"Mình thích mà vợ cũng thích nên tôi quyết định mua. Căn cứ vào hình ảnh những con chim phượng, chim phụng, có thể khẳng định lược này chỉ có 2 người dùng, hoặc là hoàng hậu - vợ vua, bậc mẫu nghi thiên hạ. Nếu không thì chỉ có thể là mẹ vua - hoàng thái hậu", ông Hảo nói.
Dân sưu tầm đồ ngự dụng như ông K., ông Hảo có chung tâm tình rằng cổ vật của các vương triều trôi dạt, lưu lạc trong dân gian không quá hiếm, ai cũng có thể tung tiền để chọn một hay nhiều món đồ mà mình thích. Nhưng với những món đồ ngự dụng, tay chơi phải có duyên, phải được "tổ đãi". Bằng không dẫu có tung tiền muôn bạc vạn cũng trắng tay mà thôi.
"Đồ cổ vốn đã hiếm nhưng đồ ngự dụng thì cực hiếm" - ông Trần Sính, chủ cửa hiệu đồ cổ T.S tại phố cổ vật Lê Công Kiều (quận 1) đoán chắc: "Vua chỉ có một, hoàng hậu và hoàng thái hậu cũng chỉ có một nên trước tiên đồ ngự dụng chỉ là con số nhỏ giọt. Rồi khi vua, hoàng hậu, thái hậu qua đời, những đồ ngự dụng thường được chôn cùng chủ nhân của nó trong hầm mộ nên cái sự hiếm càng thêm hiếm. Nếu không bị "chôn sống" thì qua những cuộc binh biến, những cuộc thanh trừng chốn hậu cung, rồi nạn giặc giã, cướp bóc, nạn chiếm hữu báu vật hoàng cung của các đại thần quyền bính để làm của riêng càng khiến đồ ngự dụng thực sự là báu vật hiếm có trên đời".
Cũng theo tâm tình của ông chủ hiệu buôn cổ vật, đa phần đồ ngự dụng mà nhiều người đang sở hữu hoặc lưu lạc đâu đó trong nhân gian là đồ sành sứ liên quan đến sinh hoạt ẩm thực của các vua triều Nguyễn, triều đại cuối cùng của chế độ phong kiến ở Việt Nam. "Triều Nguyễn là triều đại gần nhất với chúng ta ở thời điểm này nên đồ ngự dụng còn ít nhiều. Chứ các vương triều trước như Đinh, Lê, Lý, Trần… cách xa quá, lại chiến tranh liên miên, triều sau muốn xóa bỏ tàn tích của triều trước nên đồ ngự dụng của các triều vua này hầu như chẳng còn gì".
Chơi và kinh doanh đồ cổ theo kiểu "cha truyền con nối" đã hơn 7 thập niên nên ông Sính có "cơ may" tiếp cận nhiều món đồ ngự dụng liên quan đến chuyện ăn uống của nhiều đời vua Nguyễn, từ Vua Gia Long đến Vua Bảo Đại. "Đồ ngự dụng liên quan đến vua và hoàng hậu mà tôi từng thấy tận mắt, sờ tận tay đa phần là đồ phục vụ cho việc ăn trầu, hút thuốc, uống rượu và ngự thiện (vua ăn cơm)" - ông Sính, hào hứng: "Những món đồ ngự dụng đó hầu hết là đồ sứ ký kiểu, nghĩa là triều đình vẽ kiểu rồi đặt hàng từ các xưởng sản xuất gốm sứ nổi tiếng ở Trung Quốc, Pháp… sản xuất".
|
Một góc phố buôn bán đồ cổ, đa phần là đồ giả cổ Lê Công Kiều, quận 1 TP HCM |
Trò chuyện hồi lâu về thú chơi đồ ngự dụng của giới đại gia đất Sài thành, ông Sính bật mí rất nhiều chuyện thâm cung bí sử như có tay chơi sẵn sàng trả cả tỉ đồng chỉ để đổi lấy một cái tô ăn cơm của Vua Tự Đức, hay cái ống nhổ trầu của Vua Khải Định: "Hai tuần trước, ông V., dòng dõi hoàng tộc ở Huế đến tìm tôi ngỏ lời đang gặp khó khăn nhờ bán một chiếc bát Minh Mạng vô cùng quý hiếm. Bát Minh Mạng người ta có nhiều nhưng đa phần là đồ sứ ký kiểu. Riêng chiếc bát Minh Mạng mà ông V. cho tôi xem được nghệ nhân hoàng cung chế tạc từ một khối thạch bích (ngọc xanh) với đề tài long vân rất tinh xảo. Ấn tượng nhất là hình ảnh con rồng uốn quanh rất dũng mãnh, dáng uy nghi, vảy đẹp như áo giáp của mãnh tướng. Ông V. rao giá chiếc bát là 1,2 tỷ đồng. Ổng rao hôm trước, hôm sau đã có đại gia ở quận 2 đến tìm hiểu và sau khi thẩm định món hàng, ông nọ đã rước bảo vật về dinh đặng nhìn ngắm".
Các tay chơi đồ ngự dụng thổ lộ vì giá trị quý hiếm và vì ám ảnh bởi nạn trộm cắp cổ vật nên dẫu rất muốn chia sẻ để nhiều người cùng biết nhưng nghĩ đến cái cảnh báu vật rơi vào tay kẻ khác nên "không dám mạo hiểm".
Chỉ đến khi thông tin về chiếc hộp vàng hoa sen được nhà sư Thích Quảng Hiền ở huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh tình cờ tìm thấy tại khu vực Suối 1, xã An Sinh (huyện Đông Triều) và được một số chuyên gia khảo cổ, lịch sử cho rằng đó là đồ ngự dụng của một hoàng thái hậu thời Trần, thì dân "săn" đồ ngự dụng mới mạnh dạn "khoe" món đồ độc mà lâu nay mình sở hữu. Cũng từ đây, "đồ ngự dụng" trở thành cụm từ gây sốt, góp phần dấy bùng nên cơn sốt săn đồ ngự dụng trong giới dân chơi quý tộc Sài thành.
Được ông Sính "bắc cầu", chúng tôi có dịp "nghía" vài món đồ ngự dụng của một tay chơi mà ông Sính cũng như giới sưu tầm cổ vật đất phương Nam gọi bằng biệt danh "vua ngự dụng". Tại nhà riêng ở phường Đa Kao, quận 1, sau đề nghị "nhớ ém tên qua, ghi tắt hoặc đổi tên thì càng tốt vì qua không muốn làm người nổi tiếng”, ông L. - "vua ngự dụng" khoe đang lưu giữ 20 món đồ ngự dụng của các vua triều Nguyễn mà món nào cũng độc, lạ, quý, hiếm vô ngần.
"Đây là cái ấm trà thời Vua Thành Thái. Nó đặc biệt ở chỗ có quai rồng, vòi phượng và quan trọng trên hết là trong men chế tác ấm, trước khi nung lửa, nghệ nhân có trộn bột vàng ròng nên khi để trong đêm, nó hắt lên ánh vàng huyền bí… Còn đây là đôi đũa ngọc chạm rồng có một không hai. Đũa này làm từ ngọc lam, khảm ngà. Khi ngự thiện, Vua Gia Long dùng đũa này với chén bạch ngọc. Bộ chén đũa như thế có tác dụng hóa giải độc. Nhờ vậy mà mọi âm mưu bỏ độc trong thức ăn để hãm hại vua của các thế lực đen tối đều bị phá sản".
Có đồ ngự dụng dởm
Dân sưu tầm đồ ngự dụng có 1.001 quan điểm, góc nhìn về thú chơi thời thượng này. Người săn đồ dùng của vua và hoàng hậu vì cơn cuồng vọng giữ trong tay đồ độc nhất vô nhị. Người "săn" chỉ để khẳng định tầm vóc cũng như đẳng cấp của mình. Lại có người tích cực tuyển đồ ngự dụng vì không muốn để bảo vật quốc gia rơi vào tay những nhà sưu tập nước ngoài…
Tuy mục đích "săn" đồ ngự dụng mỗi người mỗi khác nhưng cả thảy đều có điểm chung là chấp nhận tiêu tốn hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ để đổi quyền sở hữu món đồ độc. Còn nhớ khi nghe ông L. bật mí chỉ riêng đôi đũa ngọc lam khảm ngà ông này mua cách đây 2 năm với giá hơn 15 cây vàng, tính theo thời giá thị trường hiện nay khoảng 600 triệu đồng.
|
Một số người bán quảng cáo chiếc ấm này là đồ ngự dụng được làm từ bột vàng, nhưng chưa có gì chứng minh. |
Nhưng vấn đề ở chỗ liệu những món đồ ngự dụng mà các tay chơi kể trên đang sở hữu có phải là đồ ngự dụng thứ thiệt? Hay đó chỉ là đồ giả cổ qua tài khua môi múa mép, cũng như những chiêu mánh tinh vi của phường gian mà thành báu vật hoàng cung.
Không như cả thảy tay chơi đều đoán chắc bảo vật hiếm có của mình là đồ vua dùng chính hiệu, ông Trần Sính buông giọng kiểu chắc như đinh đóng cột rằng "trên 99% là đồ giả cổ". Theo ông Sính, chuyện lọc lừa trong giới cổ vật nói chung, đặc biệt là trong lĩnh vực đồ ngự dụng nói riêng rất là… "khủng khiếp".
Để "con mồi" tin mấy món đồ giả cổ là đồ ngự dụng, bọn gian dựng nên những kịch bản lừa vô cùng siêu hạng kiểu như lừa bán sừng tê giác: "Giữa lúc "con mồi" xem món đồ vua dùng thì xuất hiện vị khách sang trọng cũng đến xem. Sau một hồi trò chuyện, ông khách nọ vờ tiếc rẻ vì không đủ tiền mua món đồ quý và bật mí cho con mồi tương lai vài địa chỉ của chuyên gia chuyên thẩm định cổ vật. Mấy tay "chuyên gia" bịp bợm sau khi săm soi đã khẳng định đó là "đồ thật" và ngỏ ý với ông khách nọ nếu không mua thì để lại cho mình bởi khó mà gặp cơ may trong đời. Gặp con mồi nhẹ dạ, họ sẽ tin đó là thật và dính bẫy".
Nếu con mồi tinh quái sẵn sàng nhường, tay chuyên gia dỏm kia sẽ chồng tiền mua ngay. Đến lúc này hẳn vị khách nọ tin tưởng món đồ dỏm kia là đồ ngự dụng thứ thiệt. Và lần sau, khi có người bắn tin bán đồ ngự dụng, chắc hẳn con mồi sẽ nhờ vị chuyên gia dỏm thẩm định món hàng. “Khi ấy chắc hẳn tay chuyên gia vốn là đồng bọn của kẻ bán sẽ phán "đồ quý hiếm trăm năm”. Đến lúc này thì con mồi khó mà thoát bẫy!" - ông Sính, khẳng định.
Sẻ chia của ông Sính gợi nhớ đến cái lần chúng tôi tiếp xúc với anh Ung Thanh Dũng, nhà sưu tầm súng thần công, nồi đồng triều Tây Sơn khá nổi tiếng trong giới sưu tầm cổ vật tại TP HCM, cách đây không lâu. Anh Dũng cho biết, khi đến với thú sưu tầm cổ vật, niềm đam mê nhưng thiếu hiểu biết của anh đã bị bọn xấu "thuốc" bởi phần lớn cổ vật mà anh có được đa phần là đồ giả cổ. "Nếu không am tường thì phải thật cẩn trọng. Và phải luôn nhớ khi quyết định mua món đồ cổ, người mua phải yêu cầu người bán xuất trình lý lịch món đồ để tránh trường hợp đó là đồ giả cổ hoặc đồ trộm cắp từ người khác" - anh Ung Thanh Dũng, lưu ý.
Ông Nguyễn, ngụ quận Gò Vấp có sẻ chia quý báu khác. Ông Nguyễn cho biết hiện có rất nhiều website là diễn đàn của dân sưu tập cổ vật. Trong những diễn đàn này, lắm kẻ có mưu đồ xấu gia nhập, thi thoảng tung lên món đồ nào đó bảo là "đồ ngự dụng" rồi ngỏ lời nhờ mọi người thẩm định. Sau đó, chính kẻ tung món đồ này hoặc vài tay đồng bọn sẽ vào vai khách ghé thăm rồi tạo những phản hồi với nội dung đại ý rằng "đúng là vật quý", "đích thị là đồ ngự dụng rồi"…
Từ những thông tin ảo này, gã nọ sẽ đánh tiếng cần tiền cần bán món hàng xưa nay hiếm. Trước cơn cuồng vọng sở hữu đồ độc, những tay chơi lắm tiền nhưng kém hiểu biết "hung hăng" lao vào hỏi mua mà bỏ qua chuyện nhờ người thẩm định bởi thấy có quá nhiều lời bình hàng chất lượng cao và… lãnh đủ!
Có thể hiểu nôm ra rằng đồ ngự dụng là những bảo vật thường dùng của vua, hoàng hậu, hoàng thái hậu có chất liệu bằng vàng, ngà voi, sứ…
(Theo An ninh thế giới)