Tết đến xuân về, nhiều doanh nghiệp thưởng cho các nhân viên của mình cả trăm triệu đồng, nhưng có nơi chỉ là một gói mì chính. Đó là những sự chênh lệch khá lớn ở thời điểm này cũng là sự chênh lệch tất yếu trong xã hội, nhưng những người thưởng Tết ít không khỏi gây chạnh lòng.
|
Ngôi trường, nơi hàng ngày các thầy, cô đến lớp giảng day, Tết đến chỉ được thưởng 1 gói mì chính 1kg.
|
Có lẽ do nguồn thu không đủ chi, nên giáo viên của Trường THPT Tương Dương I, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An năm nay, với các thầy cô giáo trường này được ban giám hiệu thông báo chỉ được một gói mì chính làm quà.
Trao đổi với PV Kiến Thức, thầy Đỗ Văn Việt, giáo viên Trường THPT Tương Dương I cho biết: “Khi nhận được thông tin các thầy cô giáo được thưởng Tết 1 gói mì chính, tôi không có gì phải ngạc nhiên cả, bởi nhiều năm qua, thưởng Tết cho các giáo viên như chúng tôi là những món quà nhỏ mang tính khích lệ. Biết thưởng Tết không cao, nên tôi đã sớm chuẩn bị Tết cho gia đình bằng đàn gà “gia tăng”, sau những giờ lên lớp”.
|
Sau giờ lên lớp, thầy Việt đến lớp tâm sự với PV.
|
“Mình đã gắn với cái nghề nào thì theo nghề đó, nên không so với người ta. Nói thật lòng cuộc sống khó khăn nhưng ngày xưa ông bà còn khổ hơn còn sống được cơ mà, bây giờ như thế này là tốt rồi. Với các thầy cô ở đây, “thưởng Tết” là một khái niệm mang tính tượng trưng, họ thường gọi là quà Tết, bởi khó có thể gọi món quà nhỏ đó là phần thưởng. Năm nào khá thì giáo viên của trường có thêm gói mứt còn năm nay, chỉ vẻn vẹn một gói mỳ chính.
Ở nhiều địa phương, người ta quen với cảnh các trường đầu năm có cả trăm khoản phụ thu, quỹ trường không lo thiếu hụt. Ở đây, một ngôi trường ở miền núi, có tới 80% là học sinh dân tộc, các em có thể rời lớp bất cứ lúc nào với hoàn cảnh khó khăn thì gói mì chính thưởng Tết cho thầy cô, xem ra còn là khá”, thầy Việt tâm sự.
|
Sau những giờ lên lớp, thầy Việt lại làm công việc chăm sóc vừa rau nhà mình.
|
Cũng là giáo viên Trường THPT Tương Dương I như thầy Việt, cô Lê Thị Hồng chia sẻ: “Nhà trường thì không có gì, chỉ động viên tinh thần thầy cô thôi. Nhưng Tết chúng tôi cũng cố gắng lo toan cho gia đình, nhiều thì sắm nhiều, ít thì sắm ít".
"Để có Tết các thầy cô ở đây thường bảo nhau đóng thêm chuồng nuôi gà. Sau Tết, các thầy cô lại nuôi một lứa mới để Tết sang năm có thêm nguồn thu rồi những vườn rau tăng gia, góp vào bữa ăn của các thầy cô…Nói chung là chuyện thưởng Tết bằng gói mì chính 1kg, chỉ có người ngoài chạnh lòng còn các thầy cô ở đây chưa bao giờ lấy đó làm thước đo lòng yêu nghề", cô Hồng tâm sự.
|
Dù nghèo, thưởng Tết không nhiều, nhưng cô giáo Hồng vẫn yêu nghề.
|
Cô Ngô Thị Thư - Phó hiệu trưởng trường THPT Tương Dương I cho biết: “Các nguồn thu khác của nhà trường hầu như không có, tất cả phải nhìn phải sự hỗ trợ của nhà nước, bây giờ nhà trường cũng rất muốn có một cái gì đó để động viên giáo viên khi về Tết”.
|
Cô Thư- Phó hiệu trưởng -Trường THPT Tương Dương I.
|
Nhưng theo cô Thư, cho tới thời điểm này thì ban giám hiệu thực sự cũng chưa tìm được cái nguồn nào để thưởng Tết cho các giáo viên trong nhà trường cả. Nhưng dẫu sao, những người có trách nhiệm của ngành giáo dục cũng nên suy nghĩ, khi đón xuân mới với những điều kiện đủ đầy...
Ở một diễn biến khác cùng liên quan đến tiền thưởng Tết, dư luận gần đây xôn xao cho rằng, mức thưởng Tết 2015 hậu hĩnh là Ngân hàng SHB với mức thưởng cao nhất lên đến 27 triệu đồng/người. Trong khi đó, Ngân hàng BIDV dù chưa công khai mức thưởng Tết nhưng cũng cho biết là sẽ không có nhiều thay đổi so với năm ngoái, với mức khoảng 7 – 15 triệu đồng/người.
Tiếp đến là nghành xăng dầu, tuy nhận được mức thưởng Tết khoảng chục triệu đồng/người xong nhân viên ngành xăng dầu vẫn cho biết bị giảm một nửa so với năm ngoái. Trong khi đó, một lãnh đạo ngành này cho biết, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành chỉ thưởng 1 tháng lương thứ 13 cho nhân viên vì đợt cuối năm, giá xăng dầu giảm liên tục, các doanh nghiệp đầu mối thường xuyên chịu lỗ. Mức lương cao nhất của ngành xăng dầu được cho rơi vào khoảng 20 triệu đồng.
Trong ngành ngành giáo dục, tuy không phải là ngành có mức thưởng Tết cao đột biến xong vẫn ghi nhận mức thưởng Tết “khủng” 100 triệu đồng/người thuộc về Trường Đại Học Công nghệ TP HCM.
Ngoài ra, mức thưởng vài chục triệu đồng/người cho những giảng viên có nhiều thành tích cũng không phải không có. Trong khi đó, mức phổ biến ở các trường đại học cho các giảng viên trung bình là 2-3 tháng lương. Bên cạnh đó, nhà trường còn tặng quà tết và hỗ trợ xe cộ về quê cho cán bộ giáo viên.
Tiến Dũng