“Dị nhân” tự học nuốt 15 thanh kiếm
Đã từng chứng kiến nhiều màn biểu diễn “sởn gai ốc” từ các võ sĩ tại nhiều môn phái như Lâm Sơn Động, Võ Bình Định… nhưng khi tận mắt chứng kiến màn biểu diễn của Nguyễn Đắc Điệu năm 2007, chúng tôi phải thảng thốt ngạc nhiên. Nhiều người khác khi chứng kiến màn nuốt 15 thanh kiếm đã trầm trồ thán phục, gọi anh là “dị nhân”.
Một lần tìm về nhà “dị nhân” Nguyễn Đắc Điệu (xã Hồng Dụ, huyện Ninh Giang, Hải Dương), chúng tôi gặp anh với vẻ ngoài hiền khô, dáng dấp thư sinh, dễ gần.
Tâm sự với chúng tôi, anh cho biết, để có những màn biểu diễn ấy cần một niềm đam mê cháy bỏng, chỉ khi con người ta có niềm đam mê thôi thúc, cố gắng rèn luyện thì mới có ngày thực hiện được tâm nguyện.
Anh Điệu chia sẻ: “Hồi đó khi tham gia đoàn xiếc Đại Dương, tôi có cơ hội được thực hiện niềm đam mê của mình khi gặp sư phụ Ba Minh. Được ông truyền nghề nhưng để nuốt kiếm không hề đơn giản và có thể mất mạng bất cứ khi nào. Lúc đầu khi tập luyện, tôi cũng đã gặp không ít tai nạn, lần nuốt kiếm dài hơn 20cm, tôi đã bị chảy máu yết hầu phải đi cấp cứu.
|
"Dị nhân" Nguyễn Đắc Điệu với màn nuốt kiếm. |
Dần dần sau những tháng ngày gian khổ luyện tập, được sư phụ truyền cho những bí kíp, tôi đã thực hiện được những việc tưởng như trong đời sẽ khó làm được. Đầu những năm 90 tôi chỉ nuốt được 1 thanh kiếm, nhưng năm 2007 trong màn biểu diễn tham gia chương trình Tìm kiếm kỷ lục Việt Nam, tôi đã nuốt 15 thanh kiếm có chiều dài phần lưỡi đi vào bụng là 56cm tại Bệnh viện Tràng An (Hà Nội) dưới sự giám sát của máy móc y học hiện đại, có thể thấy rõ đường đi của kiếm khi được đưa từ miệng xuống bụng. Lần đó, tôi được công nhận là kỷ lục gia, là người có thể nuốt nhiều kiếm và kiếm dài nhất Việt Nam”.
Khi có lời đề nghị được xem anh biểu diễn của chúng tôi, “dị nhân” Nguyễn Đắc Điệu không ngần ngại nhận lời. Anh mang ra những thanh kiếm đủ loại hình, có cái cong, cái lưỡi cưa… Sau khi vận nội công, anh mở miệng rộng và đưa các thanh kiếm qua họng xuống cổ rồi vào trong bụng đến khi ngập cán kiếm.
Ngoài ra, anh còn dùng những thanh kim loại nhỏ đâm xuyên qua da mặt trước ánh mắt ngạc nhiên và ngỡ ngàng của chúng tôi.
Bỏ diễn xiếc về quê chạy sô đám cưới
Như một cơ duyên, mới đây trong một lần về xã Hiệp Lực (huyện Ninh Giang, Hải Dương) dự đám cưới một người bạn, chúng tôi lại được gặp anh Nguyễn Đắc Điệu. Nhưng lần gặp gỡ này là khi anh đang biểu diễn trong ban nhạc đám cưới với vai trò là nghệ sĩ đánh đàn organ.
Trong lúc nghỉ ngơi, chúng tôi tò mò trò chuyện với anh, anh Điệu vội giải thích: “Bây giờ, tôi không theo nghiệp diễn nuốt kiếm ở đoàn xiếc nữa, thi thoảng nhớ nghề mới tham gia cho vui. Công việc chính của tôi bây giờ như các anh thấy, đó chính là đánh đàn cho những đám cưới ở làng.
Tôi có năng khiếu với âm nhạc từ nhỏ, năm lớp 5 tôi đã đi mượn các nhạc cụ về tự học, lớn lên thi thoảng đi thổi kèn đám ma. Sau tôi tập chơi đàn organ. Vì có năng khiếu âm nhạc nên khi nhạc công của đoàn xiếc Đại Dương bị ốm không thể tham gia, tôi mới lên chơi thử vài bản nhạc và được nhận vào đoàn xiếc, từ đó mới bén duyên với việc diễn nuốt kiếm”.
|
Công việc hiện nay của "dị nhân" nuốt kiếm là chơi đàn chạy sô đám cưới. |
Tâm sự với chúng tôi, “dị nhân” Điệu không giấu diếm lý do anh bỏ nghề biểu diễn nuốt kiếm cũng bởi nghề này luôn tiềm ẩn sự nguy hiểm. Anh cũng chỉ tay lên mặt, nơi có những di chứng biến dạng của các lần nuốt kiếm và đâm thép xuyên mặt.
Anh Điệu nói về tính mạo hiểm của nuốt kiếm: “Trong quá trình nuốt kiếm, tôi vừa đưa kiếm vào cổ họng vừa vận nội công, ép thực quản sang một bên, không được để đụng chạm đến bộ phận này, do thực quản rất dễ bị tổn thương khi gặp bất cứ vật cứng nào. Khi kiếm xuống gần vị trí dạ dày, tôi ép dạ dày sang bên trái hoặc bên phải. Đối với loại kiếm hình cong lưỡi liềm thì quá trình dạ dày bị ép cũng phải đi theo đường cong của kiếm. Chỉ cần một sơ suất hay sức khỏe kém là ảnh hưởng đến tính mạng.
Có trường hợp, một người ở Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long) biểu diễn nuốt kiếm đã bị thủng thực quản vì đang biểu diễn thì một người say rượu ngã phải. Việc thực hiện các màn biểu diễn nuốt vật lạ này vô cùng nguy hiểm. Vết thương thủng thực quản gây nguy cơ tử vong rất cao, có may lại lỗ thủng thì nguy cơ bục vết thương vẫn cao vì thực quản là bộ phận liên tục tiếp xúc với môi trường a-xít tiêu hóa từ dạ dày trào lên và tuyến nước bọt đưa xuống".
"Nhưng không phải vì nguy hiểm mà bỏ nghề diễn, tôi chỉ muốn mọi người đừng tự học biểu diễn nuốt kiếm, dễ nguy hiểm đến tính mạng. Tôi không diễn xiếc nữa không phải vì sợ mà đơn giản không muốn xa gia đình. Làm nghệ sĩ đánh đàn đám cưới ở quê tuy thu nhập không cao nhưng lại được gần vợ gần con, hạnh phúc nào bằng”, anh Điệu tâm sự.
TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU
Hải Ninh