Đội xe ôm “cấp cứu 115” hiếm có ở Việt Trì

Google News

Ở TP Việt Trì, người ta thường hay nhắc tới "đội xe ôm nghĩa hiệp" như một biểu tượng của lòng nhân ái và tinh thần nghĩa hiệp.

- Nhặt được của rơi trả người đánh mất, cứu người tai nạn, chở khách đi hàng trăm cây số không lấy tiền... là hành động cao đẹp của những người nghèo trong "đội xe ôm nghĩa hiệp" ở TP Việt Trì (Phú Thọ) suốt 5 năm qua.
 
Lòng tốt của những người nghèo

Ở TP Việt Trì, người ta thường hay nhắc tới "đội xe ôm nghĩa hiệp" như một biểu tượng của lòng nhân ái và tinh thần nghĩa hiệp. Tò mò, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Huệ hiện đang là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Gia Cẩm mới vỡ lẽ, đội xe ôm ấy chính là những người có hộ khẩu trong phường của ông.

Điều lạ và cũng đáng mừng, đội xe ôm quy tụ toàn những người nghèo đủ mọi lứa tuổi để cùng nhau nhân rộng tinh thần nghĩa hiệp theo phương châm "gieo mầm nhân ái để lòng tốt đơm hoa".

Chúng tôi dọc theo Đại lộ Hùng Vương, không khó để tìm những thành viên trong đội xe ôm này. Áo khoác xanh, phù hiệu cài ngực... họ túc trực ở những ngã tư đông người qua lại. Anh Nguyễn Ngọc Toản, Đội trưởng Đội xe ôm mỉm cười bảo: "15 anh em trong đội phải phân công nhau trên suốt một địa bàn rộng lớn, khu vực nào có chuyện thì alô để cùng nhau đến giúp".

Câu chuyện chưa dứt thì điện thoại anh Toản rung lên bần bật, tức tốc các anh em trong đội phóng đi. Gần đường tàu cắt ngang Đại lộ Hùng Vương, một nữ thanh niên bị tai nạn khá nặng. Anh Toản và một người trong đội nhanh chóng đưa nạn nhân vào bệnh viện. Những người còn lại làm nhiệm vụ đưa xe và tài sản về trụ sở phường để sau này giao lại cho nạn nhân.

Ở phía ngã tư gần chợ trung tâm, một chiếc ô tô bị hỏng máy khiến đoạn đường tắc ứ. Anh Quân, người trong đội xe ôm đã nhanh chóng đến điều khiển hướng đi lại, giúp tài xế đẩy chiếc ô tô đến nơi sửa chữa gần nhất. Người tài xế rút ví trả công, Quân xua tay từ chối mỉm cười đi về ngã tư tiếp tục làm "nhiệm vụ".

Quân bảo: "Mình làm phúc giúp người mà nhận tiền công thì chẳng có ích gì. Giúp được người khác dù là việc nhỏ cũng thấy thanh thản. Tuy rằng, nhiều lúc mình gặp nạn mà chẳng ai giúp. Nhưng không thể lấy lý do "không ai giúp" để trả thù đời, để hoạnh họe người khác".

Đội trưởng Toản cho hay: "15 anh em trong đội xe ôm nghĩa hiệp đều xuất thân từ nông dân, ít học nên không kiếm được công việc nhàn hạ. Cuộc sống ai cũng khó khăn nhưng được cái anh em đều tốt bụng, sẵn sàng giúp đỡ người khác".

Đội xe nghĩa hiệp và ông Obwin (áo kẻ), Hội Chữ thập đỏ Na Uy.
Đội xe nghĩa hiệp và ông Obwin (áo kẻ), Hội Chữ thập đỏ Na Uy.

Tốn tiền, mất thời gian vẫn... vui

Việc giúp đỡ người nghèo, người hoạn nạn không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ. Ở đội xe của anh Toản không ít người đã gặp nạn khi cứu người bị nạn. Như anh Trần Văn Minh đã từng hai lần bị đánh tới tấp khi đưa nạn nhân đi cấp cứu. Gia đình nạn nhân tưởng anh là đối tượng gây ra vụ tai nạn nên đã hành xử thiếu suy nghĩ khiến anh không khỏi chạnh lòng.

Còn anh Đội phó Nguyễn Quang Toàn chở một sinh viên đi hàng trăm cây số về tận Yên Bái. Không ngờ, khi đến nơi thấy gia cảnh cậu ta quá nghèo, bố lại đang ốm nên anh Toàn đã không lấy tiền công. Quay xe ra đến ngõ, nghĩ đi nghĩ lại anh quay vào rút tiền giúp cậu sinh viên có chút chi phí đưa bố đi bệnh viện.

Anh Toàn bảo: "Biết là làm thế thì vợ con mình ở nhà sẽ bớt đi miếng thịt nhưng nếu không làm thế thì áy náy lắm. Tiền thì ai cũng thích nhưng cái tình người với nhau còn đáng giá hơn".

Còn anh Lưu Văn Xanh trong một chuyến đi đã nhặt được 20 triệu đồng. Anh chắc mẩm sẽ đem về giúp vợ con được một món to. Nhưng rồi anh lại nghĩ, chắc người mất tiền đang đau khổ lắm. Anh quyết định đem số tiền ấy nộp cho công an. Người mất của tìm được tiền thì mừng rỡ mời anh Xanh đi nhà hàng để tạ ơn, nhưng anh từ chối và chỉ xin một cốc nước chè.

Đội trưởng Toản cho hay: "15 anh em trong đội xe ôm ai cũng lập được chiến công. Người thì giúp nạn nhân, người thì tìm mẹ giúp bé bị lạc... nhiều khi phải bỏ tiền túi mình ra lại tốn thời gian nhưng ai cũng vui. Tôi hay nói với anh em, rằng phải gieo mầm nhân ái thì lòng tốt mới có thể đơm hoa, làm việc thiện là đang tích phúc cho con cháu".

3 thành viên trong đội xe túc trực tại Tổ cứu hộ.
3 thành viên trong đội xe túc trực tại Tổ cứu hộ.

"Cha đẻ" đội xe nghĩa hiệp

Đội xe nghĩa hiệp khi mới ra đời vào năm 2008 có tên là đội xe an toàn do ông Nguyễn Văn Huệ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Gia Cẩm thành lập. Thấy giao thông nhộn nhạo, tai nạn thường xuyên nên ông tập hợp một số anh em xe ôm lại để tìm ra phương án tối ưu.

Ông Huệ còn phác thảo ra một bản "hiến pháp" riêng cho đội xe ôm thực hiện. Như không bao giờ phạm luật, thấy người gặp nạn không cứu là phạm tội... nhưng ông cũng rất tâm lý khi đi xin tài trợ để may đồng phục và đề xuất với cấp trên trao tặng giấy khen cho những người lập công.

Thấy đội xe ôm nghĩa hiệp hoạt động hiệu quả, bà Nguyễn Thị Liễu ở tổ 17B khu 17 gần ngã tư Đại lộ Hùng Vương đã cho đội mượn nhà để làm trụ sở cấp cứu người tai nạn. Ông Huệ bảo: "Ngôi nhà của bà Liễu là mặt tiền rộng rãi, nếu cho doanh nghiệp thuê thì cũng phải thu được hàng chục triệu đồng một tháng chứ không ít".

Ngoài cứu người gặp nạn, đội xe nghĩa hiệp còn kiêm nhiệm vụ "săn" những hoàn cảnh éo le tại bệnh viện, những nơi công cộng để giúp đỡ hoặc báo cáo với Hội Chữ thập đỏ để có phương án giúp người nghèo qua khó khăn, người gặp nạn qua cơn nguy hiểm.

"Tuy chúng tôi ra sức làm việc thiện nhưng cũng không ít lần bị hiểu lầm. Như việc giữ xe và tài sản cho người gặp nạn chẳng hạn, có người nói rằng chúng tôi đem về chia chác nhau. Thậm chí, chở người bệnh không công đi cấp cứu mà người ta cũng nói là trấn lột. Nhiều lúc thấy buồn nhưng tôi vẫn khuyên các anh em cố gắng và phát huy tính thiện trong mỗi con người".
Anh Nguyễn Ngọc Toản (Đội trưởng Đội xe nghĩa hiệp)

"Thành tích của đội xe nghĩa hiệp thì tôi không dám nói nhiều, nhưng thực tế đội xe đã giúp ích cho hàng nghìn người nghèo khó, hàng trăm nạn nhân đã được cấp cứu kịp thời. Các anh em trong đội xe nghĩa hiệp thực sự đã bỏ công sức mà công lao nhận được chỉ là những tấm bằng khen treo tường. Vui cũng ở chỗ ấy, buồn cũng thế và điều đáng quý là không một ai bỏ đội".
Ông Nguyễn Văn Huệ (Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Gia Cẩm)
 
Trần Hòa
BÀI ĐỌC NHIỀU: