Sáng 26/6, PV Kiến Thức đã được dịp tham quan một trong 3 “kho” - cũng là nơi trưng bày cổ vật tại nhà riêng của ông Cường ở số 64, đường Đông Du, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM (2 địa điểm còn lại là ở quận Thủ Đức và quận 7).
|
Ông Hoàng Văn Cường, người đang sở hữu kho cổ vật khổng lồ có tâm nguyện bán đấu giá toàn bộ để sung quỹ Quốc phòng phục vụ công cuộc bảo vệ đất nước. |
Căn nhà chứa cổ vật trăm triệu USD trên "đất vàng"
Đó là căn nhà 3 tầng lầu khang trang nằm ở vị trí “đất vàng” giữa trung tâm "Hòn ngọc Viễn Đông". Tầng trệt được một siêu thị thuê kinh doanh, 2 tầng còn lại là nơi ở của vợ chồng ông Cường và 2 người con (các con của ông Cường đã trưởng thành và đều có việc làm ổn định với mức thu nhập cao).
|
"Long sàng ấu Chúa" có từ thời Vua Tự Đức thế kỷ 18, theo ông Cường cổ vật này trị giá 1 triệu USD. |
Theo quan sát của phóng viên, ngay tại nơi này, "Vua đồ cổ" Hoàng Văn Cường trưng bày hàng trăm món cổ vật có niên đại hàng trăm năm như: long sàng (giường nằm) của vua, ấu chúa từ thời Gia Long, Dục Đức; hàng chục món đồ Ngự dùng (ly, tách, chén, đĩa…) của triều đình nhà Nguyễn; bộ sưu tập độc sắc (chỉ một màu trắng) của các triều đại Tống, Minh, Nguyên, Thanh; những món đồ sứ có men màu lam, chỉ dụ của vua hay những cây đèn dầu được chạm khắc tinh vi, sắc xảo.
|
Đây là chiếc sập bằng gỗ Lệ Chi có từ 300 năm trước. "Từng có người trả giá 2 triệu USD nhưng tôi không bán", ông Cường cho biết. |
Tại lầu 1, ngoài vô số cổ vật với đủ niên đại, chiếc sập được làm bằng gỗ Lệ Chi (gỗ cây vải hàng ngàn năm tuổi) nằm giữa nhà khiến ai lần đầu bước chân đến nhà ông Cường cũng trầm trồ, cuốn hút.
“Đây là chiếc sập “Thiên hạ vô đối” - không có chiếc thứ 2, ông Cường giải thích - được chạm khắc Tam sư hí cầu (3 sư tử vờn quả cầu); voi phục 2 bên, chim chóc, cỏ cây vô cùng tinh xảo. Nhiều năm trước từng có người muốn mua với giá 2 triệu USD, nhưng tôi không bán”, ông Cường cho biết.
|
Năm 2000, nhân chuyến thăm Việt Nam, vợ chồng Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã đến thăm và thích thú với kho cổ vật của ông Cường (ông Cường là người thứ 2 từ phải sang). |
Hiến 70% giá trị cổ vật... phục vụ công cuộc giữ gìn biển đảo thiêng liêng
Năm 1969, khi còn là anh phóng viên 20 tuổi đời của hãng Thống tấn Quốc tế UPI, ông Cường đã bắt đầu đam mê sưu tập đồ cổ theo “gen” truyền thống của ông nội và cha mình. Sau ngày đất nước thống nhất, ông đã có hàng nghìn món đồ cổ “vô giá” và đến nay “kho” đồ cổ của ông ước tính lên đến cả trăm triệu USD. Điều vinh dự là lần đầu đến thăm Việt Nam năm 2000, Tổng thống Mỹ Bill Clinton và phu nhân đã đến thăm kho đồ cổ của ông Cường và tỏ ra vô cùng thích thú.
“Trước cảnh bạo ngược của kẻ bành trướng tham tàn đang chà đạp lên công lý Quốc tế. Mang trong huyết quản dòng máu Lạc Hồng, quyết không cam lòng nhưng nay tuổi xế chiều, tài năng có hạn nên sau khi thống nhất với gia đình, tôi xin hiến 70% tổng giá trị sau khi đấu giá bộ sưu tập đồ cổ quý hiếm (ước tính 70 triệu USD) để sung vào quỹ Quốc phòng, phục vụ công cuộc giữ gìn đất nước”, ông Cường chia sẻ.
|
Những món đồ cổ từ lớn đến nhỏ được ông Cường sở hữu mà theo ông tất cả có giá trị lên đến trăm triệu USD. |
"Vua đồ cổ" Sài Gòn cũng thổ lộ: “Dù vô giá đến đâu nhưng khi đất nước xảy ra binh biến thì tất cả cũng không giữ được, mà hóa thành tro bụi. Tôi chỉ xin giữ lại 30% cho con cái, dòng họ vẫn còn nhiều khó khăn”, ông Cường thổ lộ.
Được biết đến thời điểm này, tâm nguyện của ông Cường chỉ mới thông qua các phóng viên báo chí. Ông Cường mong muốn UBMT Tổ quốc Việt Nam TP HCM với chương trình “Vì biển đảo quê hương” sẽ là cầu nối cho ông với các cơ quan chức năng để tiến hành định giá số cổ vật để ông sớm đạt thành tâm nguyện.
Trước nghĩa cử cao quý của ông Cường, đại diện UBMT Tổ quốc Việt Nam TP HCM cam kết giúp đỡ mọi mặt về thủ tục để đưa số tài sản này ra đấu giá theo nguyện vọng của ông. Tuy nhiên, trưởng phòng Di sản văn hóa (Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP HCM) Phạm Thành Nam cho biết: “Trước tiên để tiến hành đấu giá tài sản là di vật - cổ vật, ông Cường phải tiến hành làm thủ tục đăng ký số di vật - cổ vật sở hữu và thông báo danh mục đến Sở VH-TT và DL để thực hiện”.
Nhiều người mua bán đồ cổ ở phố Lê Công Kiều, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM đã khẳng định: “Dù chưa biết tổng giá trị toàn bộ cổ vật của ông Cường trị giá bao nhiêu nhưng có lẽ ông ta là người sở hữu số lượng cổ vật lớn nhất mà chúng tôi biết. Ông Cường có nhiều món đồ cổ “độc nhất vô nhị” mà giới chơi đồ cổ ai cũng ao ước…”
Vũ Sơn