Những ngày cuối tháng 5, đợt nắng nóng kỷ lục với mức nhiệt trên 40 độ C bao trùm Hà Nội gây không ít khó khăn đến người dân thủ đô. Cuộc sống trong những ngày này khiến nhiều sinh viên cảm thấy bức bối.
|
Sinh viên té nước lên tường cho đỡ nóng. |
Ngọc Trang - sinh viên năm nhất, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho hay: “Quê mình ở Lạng Sơn, thời tiết quanh năm mát mẻ, năm đầu làm quen với nắng nóng Hà Nội, mình thấy khá khó chịu. Về sinh hoạt hàng ngày, do phòng ở ký túc xá được lắp điều hòa, mình không gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, việc đến trường, ngồi học hoặc ra ngoài đi ăn trong những ngày này đều trở thành nỗi khiếp sợ. Mỗi khi ra ngoài, mình thường bịt kín mít từ đầu đến chân mà da vẫn bỏng rát”.
|
Việc đến trường trở thành nỗi khiếp sợ với Trang. |
Hoàng Văn Hùng - sinh viên khoa Y Dược, ĐHQG Hà Nội - cho biết, những ngày này cuộc sống ở ký túc rất vất vả. Hùng và bạn bè thường xuyên bật quạt hết công suất. Chưa dừng lại ở đó, các nam sinh trong ký túc cũng áp dụng kinh nghiệm từ những người đi trước là mua đá về để trước quạt. "Tuy nhiên, phương pháp này không hiệu quả lâu. Trời khô nóng, đá tan rất nhanh nên cũng chỉ mát được một lúc. Sau đó, chúng mình dùng nước thường thay đá".
Ngoài ra, Hùng cũng cho biết, cả phòng hạn chế việc bật đèn bởi khí nóng tỏa ra nhiều. "Thời tiết thật đáng sợ. Mình ngồi không mà mồ hôi toát khắp người. Trong ký túc không được sử dụng nước thoải mái, việc tắm gội bị hạn chế khiến mình và mọi người rất bức bách. Riêng ngồi không cũng mệt nên việc học tập cũng ảnh hưởng khá nhiều" - nam sinh chia sẻ.
|
Cách chống nóng tại ký túc xá của Hoàng Văn Hùng. |
Tương tự với Hùng và Trang, Minh Tuấn - sinh viên ĐH Lâm Nghiệp - cũng khá chật vật với nắng nóng. Không ở ký túc xá, Tuấn và bạn thuê phòng trọ cạnh trường để tiện nấu nướng, ăn uống. Tuy nhiên, vào những ngày này, nam sinh và nhiều bạn bè thường phải lên thư viện học nhằm tránh nóng.
"Hàng sáng, mình thường dậy sớm để tranh thủ lên kiếm chỗ tại thư viện. Mình rất sợ về phòng trọ bởi nóng bức, ngột ngạt. Ngoài ra, thời tiết oi ả, mình và bạn bè không ăn uống được gì. Nhiều khi nấu cơm xong, mấy đứa con trai chỉ ăn lưng bát rồi bỏ. Tất cả gần như dùng nước thay cơm. Bởi vậy, mới gần một tuần, mình giảm hơn 2 kg" - Tuấn tâm sự. Dù là con trai, cơ thể Tuấn cũng có những biểu hiện đầu hàng với thời tiết chớm hè.
|
Sinh viên Đại học Lâm nghiệp chọn thư viện làm nơi tránh nóng. |
Đối với Tuấn, ban ngày khó chịu là thế, nhưng còn được ngồi mát tại thư viện. Đêm ở phòng, Tuấn và bạn vật vã không ngủ nổi vì giường nóng, phòng ngột ngạt. "Mấy đứa mình thay nhau lau nhà liên tục nhưng cũng không ăn thua. Chỉ cần nghĩ đến việc đặt lưng xuống mình đã thấy sợ bởi nóng rát, mồ hôi nhớp nháp. Đêm muộn, mấy đứa vẫn phải ra hóng mát ngoài ban công, khi nào buồn ngủ quá thì vào giường nhưng cũng trằn trọc" - Tuấn kể.
|
Cách để chống nóng tốt nhất của một số bạn trẻ là cho đá vào khăn mặt và quàng vào vai. |
Có nhà tại ở Hà Nội, không phải đối mặt với tình trạng ở trọ, nhưng Việt Anh – sinh viên năm 3, Học viện Báo chí Tuyên truyền - lại cực khổ trong việc di chuyển tới trường bởi nhà xa. "Nhà mình cách trường hơn 10 km. Bình thường mình không bao giờ
mặc áo chống nắng, nhưng những ngày này, việc đó là một thói quen. Dù vậy, da vẫn bỏng và đen đi nhiều. Ngoài ra, mồ hôi ra nhiều, tình trạng thiếu nước, đi ngoài trời lâu khiến mình choáng váng”.
Kinh nghiệm của Việt Anh trong những ngày nắng nóng là phải giữ thân nhiệt luôn ổn định, mang theo nước mỗi khi ra ngoài do di chuyển nhiều.
|
Sinh viên Học viện Báo chí mang theo quạt khi tới trường. |
Ngoài ra, đối với Việt Anh, lớp học cũng là nỗi ám ảnh với cậu nhiều sinh viên khác. “Ngoài những phòng thực hành có điều hòa, phần lớn chúng mình phải học tại những phòng rất nóng. Nếu có máy lạnh cũng không bù lại được với số lượng sinh viên trong lớp. Bởi vậy, tại trường, một số bạn 'tự cứu thân' bằng việc mang theo quạt đến lớp".
Dù có những biện pháp tránh nắng nóng, làm giảm bớt những ảnh hưởng của thời tiết, nhưng hầu hết các sinh viên đều tỏ ra mệt mỏi. "Nếu thời tiết cứ tiếp diễn thế này, việc ốm đau xảy ra là điều không tránh khỏi. Bởi vậy, mình luôn mong mỏi kỳ thi kết thúc nhanh chóng để được trở về nhà" - Ngọc Trang chia sẻ.
Theo Zing