- Nhiều dự án hàng ngàn tỷ đồng chống ngập đã được triển khai ở TPHCM, nhưng cứ mỗi khi mưa lớn, nhiều tuyến đường lại biến thành sông. Đặc biệt, từ đầu tháng 10/2012 đến nay là khoảng thời gian kinh hoàng nhất khi nhiều khu vực, người dân phải “bơi” trên đường sau mưa...
Cống không đáp ứng đủ lưu lượng thoát nước
Đầu tháng 10/2012 tại TPHCM đã xảy ra 2 trận mưa lớn. Lượng mưa do được tại thời điểm đó khoảng 60,6mm và 76mm khiến hàng chục tuyến đường lớn tại nhiều quận của TPHCM hóa thành sông. Thậm chí nhiều tuyến đường lâm vào tình cảnh thê thảm chưa từng gặp nên Trung tâm chống ngập TPHCM phải huy động máy bơm lưu động, xe hút nước và thiết bị chuyên dụng ứng cứu...
Theo thống kê của Trung tâm chống ngập TPHCM, từ đầu năm 2012 đến nay, các tuyến đường nằm trong lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm gồm: Hòa Bình, Bàu Cát, Đồng Đen... thường xuyên bị ngập nước mỗi khi có mưa. Đường Hòa Bình đoạn từ đường Lạc Long Quân đến kênh Tân Hóa thời gian ngập kéo dài 10 - 15 giờ. Tại đây, đơn vị thi công gói thầu xây lắp số 1, 2 và 3 đã lấp kênh, thay thế bằng cống hộp có kích thước từ 2m x 2,5 x 3,0 - 4 x 2,5 x 3m.
Tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm có nhiệm vụ thoát nước cho lưu vực khoảng 1.446ha nhưng đơn vị thi công chỉ dẫn dòng thi công bằng cống tròn D1200mm không đảm bảo thoát nước. Tình trạng tương tự đã xảy ở khu vực nút giao thông cầu vượt Gò Dưa, phường Tam Bình và phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, nơi thường xuyên bị ngập mỗi khi mưa lớn. Nguyên nhân được xác định là do đơn vị thi công cống hộp thay thế rạch Cầu Miếu thuộc dự án nút giao thông Gò Dưa dẫn dòng bằng cống D600mm không đủ lưu lượng thoát nước.
|
Mưa xuống, nhiều tuyến đường hóa thành sông. |
Giải quyết chưa triệt để
Theo tìm hiểu của phóng viên, 2 vấn đề tồn đọng lớn nhất được đưa ra khiến thành phố tiếp tục ngập nặng, dù sau bao nhiêu năm chống ngập cùng hàng loạt dự án hàng ngàn tỷ đồng là do tình trạng lấn chiếm kênh rạch và thi công dự án gây ngập.
Tại quận 6, đơn vị thi công thuộc Dự án Nâng cấp đô thị đã bít cống Nguyễn Văn Luông làm tuyến cống Kinh Dương Vương không thoát về được cửa xả cầu ông Buông nên gây ngập.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Dự án Vệ sinh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (quận Bình Thạnh). Tại giao lộ với Trần Quang Khải đơn vị thi công đã làm sụp vách, đỉnh cống vòm. Tại giao lộ Trần Quốc Toản, đơn vị thi công đã thay 02 đoạn cống dọc D500 (trên lề Trần Quốc Toản) bằng 1 đoạn cống D400 (dưới đường Hai Bà Trưng) nối vào tuyến cống D2000, làm giảm nhiều tiết diện dòng chảy nên gây ngập khi mưa lớn.
Theo KS Vũ Đức Thắng (Hội Xây dựng Cảng, Cầu đường TPHCM), có ý kiến cho rằng, chính việc thi công dự án chống ngập của TPHCM do các đơn vị thi công cũng là một lý do cần quan tâm xem xét. Vì ngoài việc thi công ẩu thì chính do cách giải quyết vấn đề của chúng ta chưa triệt để nên càng khiến xử lý điểm ngập này lại sinh ra điểm khác, giải quyết xong lại “tái ngập”...
Giải thích nguyên nhân nước thoát chậm, gây ngập lụt lớn những ngày đầu tháng 10 vừa qua, ThS Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước, Trung tâm chống ngập TPHCM cho rằng, nguyên nhân là do dòng chảy bị chặn bởi các công trình đang thi công như công trình dự án vệ sinh môi trường thành phố, gây ngập các tuyến đường quận Phú Nhuận; công trình cầu Đỏ, gây ngập đường Nguyễn Xí, Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh)...
Việc lắp đặt các tuyến cống thoát nước quá lỗi thời, không phù hợp thực tế cũng là một nguyên nhân, như việc lấp rạch Cầu Miếu (quận Thủ Đức) để thay bằng cống dẫn dòng chảy D600mm. Loại cống này quá nhỏ, không đảm bảo thoát nước. Đường Nguyễn Văn Quá (quận 12) có hệ thống thoát nước dọc đường bằng cống D300 - 800 dẫn đến quá tải khiến đường này thường xuyên bị ngập khi mưa lớn.
Việc các dự án thi công gần như phó mặc cho chủ đầu tư, không có cơ chế giám sát chính là thủ phạm gây nên ngập lớn như hiện nay. Trong khi đó, việc giải quyết chưa mang tính toàn cục, mà chỉ mang tính cục bộ nên những tuyến đường lớn, những điểm ngập trước đây chỉ giảm bớt chứ chưa giảm hoàn toàn.
GS Lê Huy Bá (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Tài nguyên Môi trường) |
Việt Nhân
[links()]