Sự nghiệp của nhà khoa học trẻ này mới chỉ bắt đầu, anh luôn quan niệm, làm việc phải cảm thấy hạnh phúc. Không làm khoa học bằng mọi giá, vì dù có làm được mà cuộc sống không đẹp thì cũng vô nghĩa.
Nhóm nghiên cứu phòng trọ
Những người có mặt trong buổi gặp mặt các nhà khoa học trẻ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có lẽ đều ấn tượng với tiến sĩ trẻ Nguyễn Bá Hải đến từ trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Khi nghe vị tiến sĩ trẻ này nói về chiếc kính mắt dành cho người khiếm thị có tên là “Mắt thần” mà Hải đang làm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ngắt lời, đề nghị nói kỹ hơn về sản phẩm này. Cuộc đối thoại thú vị với vị tiến sĩ sinh năm 1983 đã khiến Thủ tướng quyết định sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí cho dự án sản xuất 100.000 kính “Mắt thần”. TS Nguyễn Bá Hải chia sẻ, thực ra anh không đặt mục tiêu gì trước khi cuộc gặp gỡ đó diễn ra, vẫn nghĩ đó chỉ là cuộc gặp bình thường như mọi cuộc gặp khác. Nhưng điều làm nên sự “nổi trội” đó có lẽ bởi vì anh đã nỗ lực suốt nhiều năm qua như lời anh nói.
|
TS Nguyễn Bá Hải. |
Từ lúc điều kiện vật chất còn thiếu thốn, nghèo nàn, mấy anh em cùng nhà trọ mày mò làm, dò dẫm đi từng bước một. Đến nay, anh đã tập hợp được 30 người yêu khoa học cùng làm việc với nhau tại một phòng nghiên cứu trong nhà trường với 3 dự án chính: Công nghệ hỗ trợ tránh vật cản cho người khiếm thị (Mắt thần), dự án cà phê sạch cho người Việt Nam và thế giới (JAVI Coffee) nhờ công nghệ pha chế mới hoàn toàn của Nhật – Việt – Ý do người Việt kết tinh các nền văn hóa, sáng tạo ra và dự án robot Việt Nam phục vụ con người (đặc biệt là người khuyết tật, các cửa hàng…) trong cuộc sống hằng ngày.
TS Nguyễn Bá Hải cho biết, dự án “Mắt thần” cho người khiếm thị đã trải qua 4 năm và may mắn hơn 2 năm gần đây có khoảng 200 cá nhân, doanh nghiệp trong cũng như ngoài nước chung tay cùng sản xuất và trao tặng tới người khiếm thị gần 1.000 chiếc kính “Mắt thần” tránh vật cản giúp người khiếm thị Việt Nam cùng khoảng 20 người khiếm thị ở các nước (Mỹ, Đức, Phần Lan...) di chuyển an toàn hơn, hòa nhập cuộc sống tốt hơn. TS Nguyễn Bá Hải cũng đã tâm nguyện dành tặng mọi sáng chế liên quan người khiếm thị cho những người kém may mắn mất đi đôi mắt của mình.
Nếu không đam mê, hãy tránh xa
Thẳng thắn chia sẻ, TS Nguyễn Bá Hải cho rằng, làm khoa học thực sự thì khó khăn và gian nan cũng vô cùng. “Nếu bạn không coi khoa học là đam mê khát vọng (như ADN của bản thân mình) thì hãy tránh xa nó. Nhưng khi làm khoa học đã là đam mê và khát vọng trong dòng máu của mình thì cũng… rất sướng dù kết quả thế nào đi nữa. Nói cách khác, nếu đã yêu khoa học thì… bạn có thể thiền trong nó, có thể thấy tình yêu trong những con ốc vít, thấy hương thơm trong những thanh kim loại, và sự lãng mạn tột đỉnh trong những máy móc vốn dĩ người khác chỉ thấy nó thô kệch”.
Cũng bởi chữ “yêu” mà anh không bao giờ và chưa khi nào hối hận vì đã lựa chọn con đường đầy gian nan, chông gai nhưng cũng vô cùng phấn khích ấy. “Nhiều người hỏi tôi làm khoa học có giàu không? Dễ hay khó. Nhưng tôi nghĩ, nhà khoa học không làm vì động lực tiền bạc, nhưng cũng rất hiếm khi nhà khoa học thiếu cơm ăn áo mặc nếu nhà khoa học làm việc nghiêm túc và có hiệu quả. Thế nên, đừng bao giờ đánh đổi đam mê của mình với bất kỳ điều gì – dù đó là một bữa ăn ngon, bởi vì… bữa ăn ngon chưa chắc đã cho chúng ta một niềm hạnh phúc tự tại hay bền lâu. Tuy nhiên, để theo đuổi được đam mê, ít nhất chúng ta cần có một sức khoẻ đủ tốt”, anh chia sẻ.
|
TS Nguyễn Bá Hải thử nghiệm kính "mắt thần" cho người khiếm thị. |
Chàng tiến sĩ 8X chia sẻ rằng, thứ khoa học mà anh theo đuổi là thứ khoa học gắn với tình người, thứ khoa học đặt tính nhân bản, nhân văn lên vị trí số một. Hải muốn thông qua khoa học làm được cái gì đó có lợi cho cộng đồng, làm sao để cộng đồng thấy ấm áp hơn. “Đấy là lý do mình làm ra những sản phẩm như kính mắt cho người mù, lớp học 1 đô la hay máy pha cà phê để những người nghèo có thể khởi nghiệp được”, anh Hải chia sẻ. Vì thế, anh Hải nói rằng rất thích Steve Jobs nhưng chỉ có một nửa, đó là “nửa con người công nghệ” chứ không phải “nửa con người xã hội” nơi ông.
Tặng “Mắt thần” cho người khiếm thị
Dù có được Nhà nước hỗ trợ hay không, anh cũng vẫn sẽ kiên trì đeo đuổi con đường đã lựa chọn. Tới đây, nhóm vẫn tiếp tục trao tặng “Mắt thần” cho người khiếm thị theo 3 tiêu chí như 3 năm qua vẫn làm: Khiếm thị hoàn toàn không nhìn thấy gì, có hoàn cảnh khó khăn và có nhu cầu đi lại. Đối tượng ưu tiên là học sinh sinh viên, nạn nhân sau chiến tranh, người vùng núi, hải đảo, biên giới và những người khiếm thị hoàn toàn đang phải mưu sinh ngày đêm ngoài đường (đi bán vé số dạo, làm tăm tre….). TS Nguyễn Bá Hải nhắn nhủ, nếu bạn gặp người mù nào thuộc đối tượng trên, hãy thông báo bằng cách kết nối và chia sẻ Facebook của chương trình: Mắt Thần cho người khiếm thị hoặc liên lạc với TS Nguyễn Bá Hải qua email: bahai.ce@gmail.com. Chỉ cần chung tay qua việc nhỏ này thì bạn cũng đã làm được một việc hướng thiện giúp ích cho xã hội Việt Nam và toàn cầu tốt đẹp hơn.
Tự nhận là một người hạnh phúc và điều quan trọng nhất trong cuộc sống là hiện tại, chứ không phải quá khứ hay tương lai, anh tâm niệm, sống trọn vẹn với hiện tại, yêu thương hiện tại chính là khát vọng lớn lao nhất. Dù cuộc sống có bận rộn, với anh, Tết vẫn luôn là một khoảng lặng như nốt trầm trong những nốt thăng của bản nhạc cuộc sống suốt 365 ngày.
“Mắt thần” là loại kính điện tử gọn nhẹ. Trong khoảng cách lập trình sẵn, kính nhận diện các vật cản đứng yên hay di động, sau đó báo rung cho người sử dụng để chọn hướng đi an toàn. Phiên bản Mắt thần 3, Mắt thần 4 sắp ra mắt là chiếc kính nhỏ gọn, không còn đây đeo và thiết bị điều khiển, có thêm tính năng nghe nhạc, báo thức. Chiếc mắt kính được gọi là “Mắt thần” này khá đơn giản. Ngoài bộ phận đo khoảng cách từ người đeo đến các vật xung quanh, còn có bộ phận điều khiển trung tâm để thu các tín hiệu khoảng cách và bộ rung động để phát ra các tín hiệu xúc giác. Và chính bộ rung động này giúp người mù khi đeo phát hiện được vật cản ở xa hay gần, to hay nhỏ, cao hay thấp, giúp người mù tránh được vật cản và biết được vật cản còn cách mình bao xa.
Tô Hội