Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, các nhà khoa học tốn không ít công sức, thậm chí đã từng bị gẫy răng… để có được bộ sưu tập bướm lớn này.
Gian nan thu thập, tìm kiếm mẫu
Tiếp chúng tôi trong căn phòng treo rất nhiều tranh bướm, xung quanh những câu chuyện về loài côn trùng đầy màu sắc này, TS Vũ Văn Liên, Phó Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam kể lại: “Với niềm yêu thích vẻ đẹp của loài bướm trong những kỷ niệm tuổi thơ, cách đây 20 năm khi có điều kiện nghiên cứu về côn trùng và nhận thấy nước ta có rất ít nghiên cứu về bướm trong khi đây là loài côn trùng rất có giá trị, vậy là tôi bắt tay vào nghiên cứu bướm”.
TS Vũ Văn Liên cho biết, Việt Nam khá đa dạng về bướm với hơn 1.000 loài. Tuy nhiều là thế, nhưng việc thu thập mẫu để phục vụ nghiên cứu, trưng bày, giảng dạy… lại không phải là điều đơn giản. Lý do bởi bướm mà chúng ta vẫn gặp trong cuộc sống hằng ngày đã rất phổ biến và chiếm số lượng cũng rất ít, trong khi những loài bướm quý, bướm lạ chủ yếu lại sinh sống trong rừng, đặc biệt là có loài chỉ sinh sống ở những vùng núi cao, càng cao thì càng quý hiếm. Như vậy, việc thu thập, tìm kiếm những loài bướm này trở nên rất gian nan…
|
TS Vũ Văn Liên giới thiệu về một số loài bướm được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. |
Chỉ cho chúng tôi xem một con bướm đã được ép khô có tên gọi là bướm chủng, TS Vũ Văn Liên cho hay, đây là một trong số những loài bướm rất quý giá và việc thu thập được chúng cũng không hề đơn giản vì chúng chỉ sống trên núi cao. Đặc biệt như bướm chủng Tam Đảo (Vĩnh Phúc), ông đã đi lại hơn chục năm nay mà vẫn chưa tự tay bắt được con nào, nhiều khi muốn có mẫu phải mua lại của dân. Ông nhớ lại, vào khoảng năm 2001, trong một lần mình ông leo đỉnh Phanxipang để tìm bướm, khi leo đến độ cao khoảng 2.300m so với mực nước biển, ông phát hiện một chú bướm chủng Sa Pa (Lào Cai). Lúc này, ông rơi vào thế bí, nếu quyết định bắt bướm có khi phải mất vài tiếng đồng hồ. Nhưng nếu mất vài tiếng đồng hồ cũng đồng nghĩa với việc ông sẽ không kịp quay trở về trước khi trời tối và như vậy khả năng phải mắc võng để ngủ trên cây giữa rừng núi là điều có thể nhìn thấy. Tuy nhiên, ông quyết định ở lại để bắt bướm. Cuộc truy bắt đó đúng như dự đoán mất đến vài tiếng đồng hồ, bởi bướm thường bay ở trên cao và muốn bắt được thì không tránh khỏi việc trèo cây rình và vợt. Có nhiều khi tưởng tóm được rồi, vậy mà chỉ trong một khoảng khắc ngắn ngủi, bướm lại bay sang cây khác và cuộc truy bắt lại diễn ra từ đầu. “Hôm đó quả thực là một ngày may mắn khi tôi đã gặp và “tóm” được con bướm vào loại hiếm này. Tuy nhiên, sau khi bắt bướm thành công, thì trời cũng gần tối, tôi phải đi như chạy xuống núi để tránh ngủ đêm trong rừng”, TS Vũ Văn Liên tâm sự.
Một kỷ niệm nữa mà TS Vũ Văn Liên nhớ mãi là lần đi thu thập mẫu ở khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (Kon Tum), lần ấy cũng tình cờ ông phát hiện một chú bướm quý đang đậu ở trên cao. Vậy là tay cầm vợt, tay bám cây để trèo, cổ thì treo máy ảnh. Khi đã cố định được ở một cành cây chắc chắn, vừa giơ máy ảnh lên thì mất thăng bằng, ông ngã nhào xuống đất, máy ảnh đập vào mặt và… gẫy răng. TS Vũ Văn Liên kể, công việc sưu tầm bướm vất vả là thế, nhưng mà vui và đem lại cho ông nhiều trải nghiệm thú vị, từ việc đi rừng, ngủ rừng để săn bướm đêm, cho đến niềm vui sướng như trẻ được quà khi bắt được con bướm lạ, hay là cảm giác hụt hẫng, tiếc nuối khi rình cả buổi, tưởng là chụp bắt được đến nơi rồi thì lại hụt mất…
|
Một cánh bướm đã được "lau" hết phấn để nghiên cứu xương cánh. |
Tỉ mỉ + kiên nhẫn
Dẫn chúng tôi vào phòng bảo quản mẫu vật sực nức mùi băng phiến, TS Vũ Văn Liên cho hay, việc bắt bướm đã khó, việc bảo quản và chế tiêu bản còn khó hơn. Theo đó, ngay khi bắt được bướm, khâu đầu tiên là phải làm cho con bướm ngất đi để nó không giãy giụa làm mất phấn sau đó cho vào phong bì làm bằng giấy chuyên dụng và cho vào hộp có chứa băng phiến để phòng tránh các loài côn trùng khác tấn công. Nếu còn ở rừng lâu ngày phải có thêm thuốc hút ẩm hoặc phải làm khô tạm thời để bướm không bị nấm mốc xâm hại làm hỏng hoặc phân hủy. Có những khi thu thập được mẫu vật xong, nếu có nắng các nhà khoa học phải tranh thủ phơi mẫu, nhưng lại phải tránh ánh nắng trực tiếp nếu không muốn làm mất màu hoặc quá khô giòn cánh bướm.
Bướm có một đặc điểm sống rất đặc trưng là bướm cái có nhiệm vụ tìm cây và đẻ trứng. Chúng phải chọn đúng cây phù hợp làm thức ăn cho sâu chứ không phải cây nào cũng có thể sử dụng được. Nếu chọn nhầm cây, sâu non đẻ ra sẽ không thể sống được bởi không có lá cây làm thức ăn. Có những con bướm cái phải bay đến vài km để tìm đúng cây đẻ trứng, thậm chí khi tìm được rồi nhưng cây ấy đã từng có nhiều trứng bướm đã được đẻ thì nó sẽ bay tiếp tìm cây khác, vì không muốn sâu con phải cạnh tranh trong môi trường khan hiếm thức ăn.
TS Vũ Văn Liên
Đấy là bước sơ chế tạm thời. Khi về đến nhà, nếu thấy mẫu chưa đủ khô thì cho vào tủ lạnh để ngăn mát hoặc ngăn đá một thời gian để giữ mẫu không bị hỏng. Nói là phơi khô, nhưng không phải cứ khô là được, bởi nếu khô quá thì bướm lại bị giòn, râu và cánh rất dễ bị gãy. Mẫu khô khi làm tiêu bản phải làm mềm mẫu lại bằng cách đặt lên giấy mềm đã được phun ẩm và để trong hộp một hoặc vài ngày. Những mẫu sau khi được làm mềm vừa đủ sẽ được căng ra làm tiêu bản trưng bày hoặc nghiên cứu. Kỹ thuật này đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn bởi phải làm hoàn toàn với kẹp côn trùng, ghim và băng giấy (giấy can hoặc giấy bóng kính), người làm phải thật khéo léo nếu không muốn làm gãy râu, cánh hoặc mất phấn trên cánh và thân bướm. Các mẫu được làm tiêu bản, xử lý sau đó sẽ đưa vào phòng bảo quản ở nhiệt độ khoảng 20 – 250C, độ ẩm ở ngưỡng 50%.
Chỉ cho chúng tôi xem mấy tấm tranh đông hồ được làm từ bướm, TS Vũ Văn Liên kể, trong quá trình thu thập, xử lý, làm tiêu bản, những con bướm nào bị gãy, dập nát cánh các nhà khoa học sẽ tận dụng để làm tranh. Tranh Đông Hồ trên giấy dó sẽ được “chép” lại trên giấy thường, sau đó, các nhà khoa học sẽ dùng kẹp gắp từng “mảnh” cánh bướm bé li ti để ghép tạo thành tranh… Các công đoạn này rất phức tạp, tỉ mẩn, mất nhiều công sức và thời gian… nhưng thành quả sẽ là những bức tranh đẹp đến ngỡ ngàng, nhìn từ xa, không ai phát hiện ra tranh Đông Hồ truyền thống lại được làm từ những cánh bướm dập nát.
Giáo dục cho thế hệ trẻ
Hiện tại Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đang lưu giữ khoảng hơn 40.000 mẫu vật thuộc các thể loại từ mẫu địa chất, cổ sinh, thực vật, động vật, côn trùng… trong đó riêng bướm chiếm đến một nửa số mẫu vật này. TS Vũ Văn Liên bật mí, số mẫu vật này, một phần rất ít sẽ được phục vụ trưng bày để người dân tham quan, số còn lại đang được lưu giữ tại phòng bảo quản để phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy và trưng bày sau này. Những năm gần đây, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã mở những lớp học làm tiêu bản bướm, làm tranh bướm cho các đối tượng là các bé mẫu giáo, học sinh tiểu học, trung học. Tại đây, các thế hệ trẻ của đất nước sẽ được học các công đoạn làm tiêu bản, cách làm một bức tranh bướm hoàn chỉnh. Việc học này sẽ giúp các bạn nhỏ thêm hiểu, thêm yêu thiên nhiên và loài côn trùng đầy màu sắc này.
Với một loài mà vòng đời ngắn và tốc độ sinh sản lớn như bướm thì việc bảo tồn sinh cảnh sống cho chúng là điều vô cùng quan trọng. Việc chặt và tàn phá rừng, làm mất sinh cảnh của chúng là nguyên nhân đe dọa tới sự sống còn của bướm và nhiều loài khác.
Hoa Na