Giáo sư Hoàng Tụy: Người ươm mầm nhưng không phủ bóng

Google News

(Kiến Thức) - Với nhiều người, cái tên Giáo sư Hoàng Tụy có lẽ không quen, nhưng bất cứ ai làm khoa học hoặc liên quan đến Toán học đều biết GS luôn là đỉnh cao mà ở góc độ nào người ta cũng thấy và ngả mũ kính trọng.

GS. Hoàng Tụy - người tiên phong trong việc xây dựng ngành toán học của Việt Nam, cha đẻ của lĩnh vực tối ưu hóa toàn cục trong toán học ứng dụng - tạ thế lúc 15 giờ 30 chiều ngày 14/7, ở tuổi 92 khiến nhiều người tiếc nuối.
Giáo sư Hoàng Tụy sinh năm 1927 tại Quảng Nam, đỗ đầu kỹ thi tú tài toàn phần ban Toán. Sau khi tham gia kháng chiến chống Pháp ở quê rồi dạy học ở Quảng Ngãi, năm 1951, ông tự học chương trình đại học toán của Liên Xô và nghiên cứu những vấn đề tổng quát về giáo dục. Đầu năm 1955, ông Hoàng Tụy được Bộ Giáo dục giao phụ trách chuẩn bị cải cách giáo dục phổ thông để thống nhất hệ phổ thông 9 năm ở vùng tự do với hệ 12 năm ở vùng mới giải phóng thành hệ 10 năm. Sau đó, ông phụ trách tổ chức biên soạn chương trình, sách giáo khoa tất cả môn học của giáo dục phổ thông.
Trong công bố năm 1964 trên "Báo cáo của Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô", Hoàng Tụy là người đầu tiên khảo sát các bài toán quy hoạch lõm (trước đó các bài toán quy hoạch chỉ xét trường hợp "lồi") và đưa ra phướng pháp xử lý sau này mang tên ông, lát cắt Tụy, , được coi là mốc đánh dấu sự ra đời của một chuyên ngành Toán học mới. Nghiên cứu của ông mở đường cho việc tiếp cận hiệu quả bài toán tối ưu toàn cục.
Giao su Hoang Tuy: Nguoi uom mam nhung khong phu bong
Giáo sư Hoàng Tụy. 
Năm 1968, ông chuyển về Ủy ban Khoa học Kỹ thuật, phụ trách Thư ký vụ ban Toán, và chuyển về Viện Toán học năm 1970 khi viện được thành lập. Cùng với GS. Lê Văn Thiêm, GS. Hoàng Tụy đã góp phần xây dựng Viện Toán học trở thành một viện nghiên cứu với các chuẩn mực quốc tế từ rất sớm.
Hơn 100 công trình khoa học của ông được đăng trên các tạp chí uy tín quốc tế về nhiều lĩnh vực của toán học. Cuốn sách tối ưu toàn cục tiếp cận xác định mà ông viết chung với GS Reiner Horst được đánh giá là "kinh thánh" của chuyên ngành tối ưu toàn cục. Là Viện trưởng Viện Toán học giai đoạn 1980-1990, GS Tụy đã dẫn dắt Viện phát triển, khẳng định vai trò trụ cột trong nền Toán học Việt Nam và uy tín quốc tế.
Tạp chí MathReview – một tạp chí bình luận toán học của Hội Toán học Hoa Kỳ, Hoàng Tụy công bố công trình khoa học đầu tiên năm 1959 và công bố công trình cuối cùng năm 2018. Trọn 60 năm cuộc đời, 168 công bố của ông đã có hơn 900 tác giả trích dẫn, nhiều nhất trong số các tác giả Việt Nam.
Với nhiều thành tựu xuất sắc, nhà toán học Hoàng Tụy được trao các danh hiệu như tiến sĩ danh dự Trường ĐH Linköping, Thụy Điển (1995); Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (1996); Giải thưởng Phan Châu Trinh (2010); Giải thưởng Constantin Carathéodory (2011).
Nhìn lại chặng đường cống hiến cho toán học của ông cho thấy tầm ảnh hưởng khoa học sẽ còn lâu dài sau khi ông mất đi. Trong mắt các nhà toán học Việt Nam, GS Hoàng Tụy không chỉ là một người thầy, người truyền cảm hứng, người tạo điều kiện cho toán học Việt Nam phát triển. Như lời Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam Phùng Hồ Hải nhận định: “Ấn tượng lớn nhất của Giáo sư Hoàng Tụy đối với tôi là ông đã góp phần ươm mầm nhưng không phủ bóng khiến các cây con lớn được. Toán học Việt Nam đã có những người vượt qua ông, nhờ một phần đóng góp của ông”.
Không chỉ nổi tiếng là một nhà toán học, Giáo sư Hoàng Tụy còn được biết đến là một người hay trăn trở cả đời cho giáo dục Việt Nam. Ông là người có nhiều đóng góp cho công cuộc chấn hưng nền giáo dục Việt Nam.Trong suốt mấy chục năm, theo chiều dài lịch sử, Giáo sư Hoàng Tụy thường xuyên tranh luận, lên tiếng trên các diễn đàn để thẳng thắn chỉ ra những điều bất cập, lệch lạc, gây trở ngại cho sự tiến bộ của khoa học, giáo dục, cũng như sự nghiệp phát triển đất nước nói chung.
GS Hoàng Tụy từng kiến nghị 4 vấn đề trong cải cách giáo dục gồm cải thiện cơ bản chính sách đối với người thầy;Cải cách hệ thống giáo dục phổ thông và dạy nghề; Thay đổi căn bản cung cách học và thi, xoá bỏ khổ dịch thi cử nặng nề, tốn kém mà kém hiệu quả và Chuyển giáo dục ĐH theo hướng hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
"Ngày nay, sau mấy chục năm giáo dục chìm đắm trong khủng hoảng triền miên bởi các ràng buộc ý thức hệ cứng nhắc, đã đến lúc chúng ta phải có sự lựa chọn: hoặc là tiếp tục con đường cũ, tiếp tục giam hãm đất nước trong nền giáo dục ngày càng tụt hậu so với thế giới, hoặc là cương quyết thay đổi tư duy, thực hiện bước ngoặc cơ bản, mở đường cho một giai đoạn giáo dục khai phóng phát triển”, ông từng viết trong bản kiến nghị.
Theo GS Hoàng Tụy, từ lâu, giáo dục đã trở thành chỗ nghẽn lớn nhất trong sự phát triển của đất nước. Vì vậy cải cách giáo dục toàn diện và triệt để theo tinh thần các nghị quyết gần đây của Đảng là đòi hỏi bức thiết của cuộc sống. Đã đến lúc không còn có thể tiếp tục kiểu đổi mới nửa vời, vụn vặt, chắp vá, không có hệ thống, đã kéo dài hàng chục năm qua.
"Biết rằng, trong hiện tình đất nước có vô vàn khó khăn, nhưng đây cũng là thời cơ để giáo dục có thể lột xác, từ một kiểu giáo dục nặng tính giáo điều, lạc hậu và lạc điệu với thời đại và thế giới, tiến lên một nền giáo dục khai sáng, lành mạnh, trung thực, hiện đại, phù hợp xu thế tiến hóa chung của nhân loại và đáp ứng lợi ích tối cao của đất nước”, ông viết trong bản kiến nghị.
Ông còn được biết đến là người ham can dự vào các vấn đề quốc gia đại sự. 
Ngay từ những năm 60 – 70 của thế kỷ trước, Trung ương Đảng đặt ra vấn đề các Ủy viên Trung ương phải nhận nhiệm vụ theo dõi, chỉ đạo công tác khoa học - kỹ thuật. Ngay từ hồi đó, ông Hoàng Tụy khi được đăng đàn đã đề cấp đến sự bất hợp lý về cơ chế giá - lương - tiền. Theo ông, nó bất hợp lý ở chỗ không phản ánh đúng thực tế, không theo cơ chế thị trường mà lại do chủ quan những người quản lý điều hành, tức mang nặng tính quan liêu bao cấp.
Trong giai đoạn đó, quan điểm của ông đã va phải không ít ý kiến phản ứng khá gay gắt của một số người đương chức trong bộ máy quản lý. Sau đó, ông đã hệ thống tất cả những điều đã trình bày nói trên thành một bài báo, đăng trên báo Tin tức hoạt động khoa học của Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước và được Tổng bí thư Lê Duẩn đánh giá: “Tuy còn một số vấn đề cần thảo luận, nhưng về cơ bản, tôi đồng ý với quan điểm của bài báo”.
Đến những năm 1997-1998, ông lại tiếp tục kiến nghị Đảng và Nhà nước về cải cách tiền lương. Theo ông, mức lương chúng ta hiện rất thấp và đó là một trong những nguyên nhân chính sinh ra tiêu cực.
“Đó không phải là do chúng ta nghèo. Trên thực tế, đại bộ phận công chức có sống bằng mức lương thuần túy đâu mà ngược lại, bằng rất nhiều cách, nhiều nguồn cả bất chính, vô minh, có thu nhập cao gấp nhiều lần lương” – GS Hoàng Tụy từng cho biết. Đề xuất của ông một lần nữa lại được những người giữ cương vị cao nhất của Đảng và Nhà nước ghi nhận, thực hiện.
“Là người suốt đời gắn bó với sự nghiệp giáo dục, GS Hoàng Tụy thường trăn trở với những vấn đề đặt ra cho giáo dục hiện nay. Nhiều bài viết của Ông về các vấn đề giáo dục trên các báo đã gây những tiếng vang lớn. Nhưng không thể thấy hết lòng thiết tha với sự nghiệp giáo dục nếu chỉ đọc các bài viết của Ông. Phải trực tiếp nghe Ông nói. Người ta có thể đồng ý hay không đồng ý với những quan điểm nào đó của Ông, nhưng không ai không cảm động trước nhiệt tình của Ông khi trình bày những quan điểm đó. Không giống như những người đang phát biểu trong cuộc họp, Ông như đang giãi bày tâm sự sâu nặng của mình. Và trong cách Ông nói, dường như có cả sự day dứt của một con người khi chưa hoàn thành được ước nguyện nào đó của cuộc đời mình”, GS Hà Huy Khoái (Nguyên Viện trưởng Viện Toán học) trong một bài viết mới đây cho biết.
Sự trăn trở với nền giáo dục nước nhà theo ông đến suốt cuộc đời, kể cả khi ông ốm đau như lời GS. Phùng Hồ Hải - Viện trưởng Viện toán học Việt Nam mới đây chia sẻ: “Những lần chúng tôi tới thăm trong năm nay, GS. Hoàng Tụy thường tâm sự rằng nỗi khổ lớn nhất bây giờ là không đọc được, không viết được, không nghe được, dù vẫn suy nghĩ được, và ông sẵn sàng đổi tất cả những vinh quang đã có để có được sức khỏe. Âu cũng là trăn trở của một kẻ sĩ đối với đất nước”.
Giáo sư Hoàng Tụy - Cây đại thụ ngành Toán học đã mãi mãi ra đi nhưng những cống hiến của ông cho Toán học và ngành giáo dục nước nhà sẽ còn mãi mãi…
Thiên Nga