Anh Đinh Hồng Thái, thôn Đan Khê Ngoài (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) cho biết: Cố đô Hoa Lư vốn là vùng đất nổi tiếng dê núi. Nhưng hiện nay, số người nuôi dê núi chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Gia đình anh có nhiều thế hệ gắn bó với con dê núi. Tính đến anh là đời thứ 3 cai quản đàn dê núi.
Ninh Bình nổi tiếng với dê núi-cơm cháy. Nhưng theo người dân xã Ninh Hải thì dê bán ở các nhà hàng là dê nuôi dưới đất, được nhập từ các tỉnh về. Dê nuôi trên núi ít khi người dân bán cho nhà hàng mà chỉ để phục vụ đình đám ở địa phương.
|
Dê kiếm ăn trên triền núi. |
Dê núi giá trị cao nhưng không thể nuôi nhiều
Ông Bùi Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư cho biết: Ninh Bình nhiều nơi có truyền thống nuôi dê trên núi. Nhưng xã Ninh Hải có thâm niên nuôi dê lâu đời nhất. Trước đây, 5 thôn trong xã đều nuôi dê trên núi, nhưng dần số hộ nuôi bị thu hẹp. Hiện giờ chỉ còn 15 hộ nuôi.
Ông Thủy cho hay: Trước đây người dân làm giàu nhờ nuôi dê núi. Dê núi khi bán ra thị trường lúc nào giá cũng gấp đôi dê thường. Nhưng việc nhân giống, phát triển số lượng đàn dê quả là bài toán khó khăn. Bởi mang tiếng nuôi dê, nhưng gia chủ không thể kiểm soát đàn dê. Dê ăn uống, ngủ nghỉ trên núi, gia chủ kiểm tra số lượng còn khó, huống hồ kiểm soát nó.
“Gia đình tôi trước đây từng nuôi mấy chục con trên núi, nhưng không trông coi được, dê cứ mất dần. Chúng sống trên đỉnh núi làm sao quản lý được. Dê con hay leo trèo bị sẩy chân xuống vực chết rất nhiều”, ông Thủy cho biết.
Theo ông Thủy, mấy năm gần đây, nhiều gia đình trong xã đưa giống dê lai về nuôi, nhưng không thành công. Họ thả dê lên núi, được vài hôm lên thăm không thấy dê đâu. Đi tìm mới thấy dê chết ở hốc đá. Khi tìm hiểu họ mới biết dê chết do không chịu được giá lạnh và sương muối trên núi. Biết dê lai không phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây, từ đó họ không nuôi trên núi nữa.
Dê có chủ, không nhà
Theo giới thiệu của ông Thủy, chúng tôi đến gia đình anh Đinh Hồng Thái (thôn Đan Khê Ngoài) một trong những hộ có thâm niên nuôi dê lâu đời nhất nơi đây. Anh Thái cho biết: “Gia đình tôi có 3 đời nuôi dê trên núi. Mấy chục năm trước, các cụ trong gia đình nuôi dê trên núi, giờ con cháu nối tiếp cai quản. Hiện nay, gia đình tôi nuôi khoảng hơn 20 con dê trên núi”.
Để cho chúng tôi tận mắt nhìn thấy đàn dê của gia đình, anh Thái đã đưa chúng tôi lên núi. Anh bảo, tiếng là dê của gia đình, nhưng có khi cả tháng không thấy dê đâu. Dê có chủ mà không có nhà. Thường chúng đi ăn rất xa và không ở một nơi nhất định. Nhưng điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là dù không chăn thả dê, nhưng đứng ở dưới chân núi, ngước mắt lên anh Thái vẫn đọc vanh vách tiểu sử từng con.
“Mấy chục năm trời nuôi, nhưng đàn dê của gia đình tăng lên ít. Mỗi năm dê mẹ đẻ một lứa, nhưng có hơn nửa số đó không sống sót. Khi dê mẹ đẻ, dê con thường rơi xuống vực sâu chết. Hay khi dê mẹ dẫn con đi ăn ở triền núi sẩy chân xuống vực bị chết nhiều. Đó là chưa kể thú dữ và chó cắn chết. Khi đi thăm, nhìn thấy dê chết nhiều mà xót xa. Có năm, gia đình tôi được vài con giết thịt, có năm đàn dê không thêm được con nào”, anh Thái cho biết.
Anh Thái đã nghiên cứu nhiều cách để nhân giống dê của gia đình, nhưng cuối cùng anh đành bất lực. Vì thế, anh cứ để dê ăn cây cỏ trên núi, tự sinh tự dưỡng, sinh nở thêm con nào thì được, không thì đành chịu. Từ xưa, các cụ cũng nghĩ nhiều cách nuôi sao cho hiệu quả, nhưng vẫn không được.
Đại gia săn dê đại tướng
Anh Thái kể: “Mấy tháng trước, gia đình tôi tổ chức đám cưới cho anh trai. Để phục vụ khách gần xa, gia đình quyết định làm thịt con dê đầu đàn. Con dê này 20 năm tuổi, cân nặng hơn 50kg, được người dân gọi là dê đại tướng. Khi biết chúng tôi bắt con dê này làm thịt, một chủ nhà hàng ở TP Ninh Bình muốn mua lại. Đổi lại, họ sẽ cung cấp toàn bộ số thịt dê cho đám cưới. Nhưng gia đình tôi từ chối. Nhiều đại gia kéo về nhà hỏi mua đôi sừng dê với giá vài chục triệu đồng, nhưng gia đình tôi không bán mà để lại làm kỷ niệm”.
|
Anh Thái giữ thủ cấp và sừng dê đầu đàn làm kỷ niệm. |
Chúng tôi thắc mắc, việc dê sinh sống trên núi cao, vực thẳm làm sao để bắt. Anh Thái nói rằng, việc bắt dê trên núi quả thực không hề đơn giản. Từ xưa, các cụ trong làng nghĩ ra nhiều kế sách bắt dê. Nhưng do địa thế hiểm trở, chỉ có cách bắt dê duy nhất bằng thủ công.
“Mỗi dịp gia đình nào có việc, cần dê ăn thịt phải huy động người trước cả tháng lên núi bắt dê. Để bắt được chú dê đầu đàn phục vụ đám cưới cho anh trai, tôi phải nhờ gần 20 thanh niên trai tráng trong làng. Từ sáng sớm, tôi dẫn anh em men theo triền núi, phục kích những nơi dê hay đến ăn cỏ. Sau đó, chia nhau mỗi người một ngả để chặn đầu, đề phòng dê tháo chạy. Chúng tôi phải mai phục cả ngày mới bắt được chú dê đó”, anh Thái cho biết.
Người dân nơi đây vẫn còn nhớ, cách đây mấy năm gia đình ông Đinh Văn Biển nhờ người lên núi bắt dê về ăn Tết. Đàn dê của gia đình có hàng chục con, nhưng vài chục người quần thảo cả ngày mà không bắt được con nào. Đã vậy, trong quá trình vây bắt dê trên núi, có người đã bị chú dê đầu đàn húc trọng thương, mọi người phải đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Anh Thái cho hay, dê núi nuôi khó. Nhưng giá trị kinh tế cao. Vì dê núi thịt săn chắc, ăn rất thơm ngon. Giá thịt dê núi không dưới 300.000đ/kg. Trong khi đó, thịt dê nuôi dưới đất giá chỉ bằng nửa số đó. “Dê núi hiếm và thường đắt nên rất ít nhà hàng bán. Người dân ít khi bán dê núi cho nhà hàng, họ để đãi khách hoặc dùng khi trong nhà có đình đám. Hay mỗi dịp lễ Tết, các gia đình chung nhau giết thịt. Do đó, các nhà hàng trưng biển dê núi - cơm cháy chẳng qua là ăn theo thương hiệu vùng đất cố đô Hoa Lư”, anh Thái cho biết.
Thời gian tới, anh Thái sẽ đầu tư mạnh hơn nữa để phát triển đàn dê núi. Dự tính, anh sẽ thuê hàng chục người để hằng ngày bảo vệ đàn dê trên núi. Đồng thời anh sẽ xây dựng một nhà hàng chuyên dê núi – cơm cháy. Nguồn thịt dê cung cấp cho thực khách là những con dê được thả rông trên núi đá vôi.
Cát Lợi