Tin đồn có vàng ở vùng đồi núi Hạ Đạt, xã Thành Công (Phổ Yên, Thái Nguyên) đã khiến hàng nghìn phu vàng từ khắp các nơi đổ về với mong muốn thay đổi số phận. Giấc mộng vàng Hạ Đạt đã “băm nát” bản làng của hàng trăm hộ dân người dân tộc Sán Dìu ở vùng đồi núi này.
Hỗn loạn Hạ Đạt
Con đường dẫn vào thôn Hạ Đạt tính từ trụ sở UBND xã Thành Công chỉ dài vỏn vẹn 5 cây số nhưng nếu ai muốn vào thì phải mất cả tiếng đồng hồ mới có thể chạm chân tới vùng đất sinh sống của người Sán Dìu. Con đường đất sình lầy, chỗ thụt sâu xuống, chỗ lại nhớp nháp, trơn trượt.
Nguyên nhân con đường đất trở thành lầy lội mà theo như ông trưởng thôn Mạch Văn Hai là do xe trọng tải lớn qua lại. Trong số những xe tải đó có cả những xe thuộc khu khai thác vàng nằm trong địa phận của thôn Hạ Đạt.
Theo ông Hai, từ những năm 2009 đã xuất hiện tin đồn Hạ Đạt có vàng. Số lượng nhiều ít thế nào thì không rõ, nhưng việc một số người dân đào đãi được vàng là có thật. Chỉ sau một thời gian ngắn, Hạ Đạt đã xuất hiện hàng trăm “vị khách không mời mà đến”. Họ là những phu vàng từ khắp các nơi kéo về để mong có cơ hội đổi đời nhờ vàng.
“Ngày cao điểm lên tới hàng nghìn người chứ không ít hơn. Lạ là số người địa phương rất ít, chủ yếu là từ bên Vĩnh Phúc, Hòa Bình sang. Họ có đầy đủ mọi dụng cụ đào đãi vàng chuyên nghiệp. Người Hạ Đạt chúng tôi thì có bao giờ đào đãi vàng ở đâu mà biết cách”, ông Hai cho biết.
Đó có lẽ là “cơn lốc” vàng lớn nhất miền Bắc từ trước tới nay. Bản làng heo hút là nơi giáp ranh hai tỉnh Thái Nguyên – Vĩnh Phúc trở thành một bãi vàng dã chiến với hàng nghìn người tay búa, tay cuốc đào bới suốt ngày đêm. Vì tin đồn mới phát sinh, người dân ồ ạt kéo đến khiến chính quyền địa phương không kịp trở tay.
Theo xác nhận của ông Hai, đã từng có xô xát giữa các nhóm đào vàng. Người Hạ Đạt tuy cũng tham gia nhưng vì không chuyên nghiệp nên số lượng người được vàng chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Bản thân tôi cũng tham gia đào đãi vàng. Nhưng chúng tôi làm nhỏ lẻ nên hầu hết là bị thua lỗ. Khi sự việc ở bãi vàng trở nên bát nháo, chính quyền địa phương đã vào cuộc xử lý”, ông Hai cho hay.
|
Con đường đất dẫn vào thôn Hạ Đạt. |
Nát đồi vì vàng
Theo thống kê của ông Dương Văn Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Công, thôn Hạ Đạt là vùng đất giáp ranh với Vĩnh Phúc, tổng số hộ dân là 91 với 374 nhân khẩu. Tất cả đều là người dân tộc Sán Dìu, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn. Người dân chủ yếu sống bằng nghề trồng rừng và làm nương rẫy.
Tuy nhiên, từ khi người dân các nơi đổ về Hạ Đạt đào đãi vàng thì đó là mối họa từ trên trời rơi xuống. Thử tượng tượng cuộc sống của 374 con người đang yên bình trong bản làng xa xôi, bỗng một hôm cả nghìn người mang cuốc búa kéo đến “băm nát” tất cả ruộng nương, đồi rừng mà người dân đã gây dựng.
Trong số đó, thiệt hại nặng nề nhất là hộ ông Đặng Văn Sáu với 5ha đất bị đào bới. Cây lâm nghiệp lâu năm sắp đến kỳ thu hoạch bỗng tan hoang như bãi chiến trường. Cạnh đó là nhà ông Đặng Văn Hai mất 4,4ha cũng bị đào bới vô tội vạ.
“Một số lượng người lớn chưa từng có chia nhau quần nát cả khu vực. Đồi nương nhà mình đấy nhưng không ai dám ra mặt đuổi đi. Vàng đã làm họ vàng mắt nên chúng tôi đành ngồi im nhìn người lạ đến tàn phá đất đai của mình”, ông Đặng Văn Sáu chia sẻ.
Không chỉ có hộ ông Sáu, ông Hai mà còn hàng chục hộ dân khác rơi vào cảnh “nhà tan, vườn nát”. Hàng vạn cây keo, bạch đàn và đồi chè bị tàn phá không hề thương tiếc. Số tiền mà các hộ dân bị thiệt hại là bao nhiêu thì chưa có thống kê, nhưng để khôi phục lại nương đồi thì phải mất hàng chục năm ròng.
|
Không chỉ là tin đồn, nhiều người đã khai thác được vàng ở Hạ Đạt.
|
Có vàng là sự thật
Không chỉ là tin đồn thiếu căn cứ, mà ở Hạ Đạt việc có vàng là sự thật. Việc này được ông Mạch Văn Hai, Trưởng thôn Hạ Đạt xác nhận. Tuy nhiên, theo ông Hai vì người Hạ Đạt không quen với việc đào đãi vàng nên số lượng thu được rất ít hoặc thua lỗ.
Tuy nhiên, không chỉ có người dân Hạ Đạt mà rất nhiều người trong xã Thành Công cũng tham gia đào đãi vàng. Một người giấu tên cho biết, nhờ việc đào vàng mà nhiều hộ trong xã trở nên giàu có. Trong số nghìn người đào bới bãi vàng, người bản địa chỉ chiếm một phần nhỏ nhưng số vàng họ thu được không phải ít.
Theo một bưởng vàng ở Thái Nguyên, bãi vàng Hạ Đạt có trữ lượng khá lớn. Tuy chủ yếu là vàng cám nhưng nếu chịu khó đào đãi thì lượng vàng thu được là không nhỏ. Nhiều người cho rằng, ở khu vực đèo Bụt là một vỉa quặng có vàng, nhưng chính quyền địa phương từng lúng túng vì chưa có cơ quan nào trực tiếp thăm dò, đánh giá một cách khoa học.
|
Nhiều người cho rằng, chính người địa phương cũng đào được vàng.
|
“Chúng tôi đã giải quyết ổn thỏa”
Cho đến nay, giấc mộng vàng Hạ Đạt đã lắng xuống, bề ngoài có vẻ yên ổn nhưng bên trong không ít những nghi ngại mà người dân đang đặt ra câu hỏi. Liệu công ty khai thác vàng mà chính quyền tỉnh Thái Nguyên giao phó đã quy hoạch vùng khai thác có đảm bảo hay không?
Việc khiến người dân nghi ngại là sau khi các cấp chính quyền địa phương vào cuộc dẹp nạn đào đãi vàng trái phép và cho một công ty khai thác tại địa bàn để quản lý. Tuy nhiên, theo người dân bản địa công ty này không hề khai thác mà “án binh bất động” rất khó hiểu.
Trong khi đó, theo như ông Dương Văn Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Công: “Chúng tôi đã giải quyết ổn thỏa. Hiện nay không còn tình trạng khai thác vàng bừa bãi ở Hạ Đạt nữa. Thời gian sự việc trở nên phức tạp là vì Hạ Đạt nằm ở ranh giới với xã Ngọc Thanh (Phúc Yên, Vĩnh Phúc) nên mới có tranh chấp”.
Ông Nguyễn Đình Chung, Công an viên xã Thành Công cho biết: “Khu vực bãi vàng rộng hàng chục hecta, hoàn toàn là đất có chủ nhưng không giữ nổi trước cơn lốc vàng. Cứ khi nào công an đến là người dân bỏ chạy. Chúng tôi phải ăn ngủ cả đêm lẫn ngày để giữ an ninh khu vực”.
“Khi tình hình còn phức tạp, chính quyền địa phương phải đương đầu với sự chống đối của các đối tượng đào đãi vàng. Có những đồng chí công an bị thương, bị dính bẫy chông, thậm chí bị gọi điện đe dọa sẽ nổ mìn. Thời gian này mọi việc đã im ắng và ổn định hơn, nhưng chúng tôi vẫn rất cảnh giác trước các đối tượng xấu”.
Ông Dương Văn Tuyên (Phó Chủ tịch UBND xã Thành Công)
Trần Hòa