Hành trình vận mệnh tìm kiếm rubi Lục Yên

Google News

(Kiến Thức) - Mặc dù thời hoàng kim của đá đỏ (hồng ngọc, rubi) Lục Yên, tỉnh Yên Bái đã lùi xa mấy chục năm nay, nhưng ước mơ đổi đời nhờ vận may đá quý vẫn đeo bám một bộ phận dân nghèo nơi xóm núi.

Qua núi Tắt Thở

Duy chui tọt vào khe đá như một con chuột rừng, lát sau anh thanh niên người Tày lôi ra một chậu đá sỏi và chùi, gọt từng viên, mỗi khi thấy viên đá hồng, đá đỏ ánh mắt anh lại sáng quắc lên như tia lửa chất chứa hy vọng đổi đời, nhưng rồi đôi mắt lấy lại nhanh chóng cụp xuống đầy thất vọng mệt mỏi và rệu rã...

Qua nhiều lần thuyết phục, chúng tôi được Lục Văn Duy - một phu đá đỏ ở xã Minh Xuân đồng ý cho nhập đội để lên rừng tìm đá đỏ. Trước khi lên rừng, Duy căn dặn chúng tôi chuẩn bị thực phẩm như thịt, cá và vài lít rượu để khi lên núi còn có cái mà làm quen với anh em sống bụi nằm bờ.

Duy mua thêm vài cân thịt lợn nữa cho vào túi bóng để đem lên núi góp bữa với anh em phu đá ăn trong 2 ngày. Từ xã Minh Xuân, Duy dẫn chúng tôi hành quân qua đoạn đường khoảng 6km sang một khe núi gần xã Nghĩa Đô rồi gửi xe ở một cái lán tạm dưới chân núi. Từ đây chúng tôi bắt đầu cuộc hành quân kéo dài nhiều giờ đồng hồ leo núi, xuyên rừng để đi đào đá đỏ.

Phóng viên cùng phu đá luồn lách vào kẽ núi để truy tìm đá đỏ. 

Sau gần một tiếng quăng người qua những cành cây, vách đá, Duy vứt bao tải thực phẩm xuống đất ngồi thở hổn hển. Duy kể: "Cái núi này có tên là Tắt Thở. Ngày trước người dân hành quân đến bãi đã đỏ thì phải đi mất nửa ngày đường mới đến được ngọn núi này. Đường xa, núi cao mà trên lưng mỗi người phải cõng theo 40 - 60kg lương thực, thực phẩm đủ sống trong rừng trong vòng một tháng. Dân đua nhau leo đèo, vượt núi, có người sức yếu mình hèn qua được núi Tắt Thở thì lăn ra ngất, rồi phải căng lều mắc võng ngủ lại đây dưỡng sức ngày hôm sau mới đủ sức để tiếp tục vào cuộc mưu sinh cùng đá đỏ. Vì lí do đó nên dân đào đá đỏ đã đặt tên cho ngọn núi này là Tắt Thở".

Qua núi Tắt Thở, chúng tôi dừng chân khoảng 30 phút rồi tiếp tục hành trình vào bãi đá. Từ núi Tắt Thở vào bãi đá chỉ còn khoảng 4km nhưng cơn mưa phùn đủ làm cho con đường vắt vẻo qua lưng chừng núi trơn tuột như lươn. Duy động viên: "Sắp tới nơi rồi, anh em cố lên! Vào trong đó anh em phải nhậu với nhau một bữa cho đã". Thế rồi Duy kể hết chuyện trên trời, dưới bể làm đoàn người cười náo động một góc rừng, chúng tôi cũng quên đi mệt nhọc để tiếp tục cuộc hành trình khốn khổ. Riêng Duy vẫn cười, nói và đưa bước chân vững như bàn thạch thoăn thoắt nhảy qua vách đá như con lợn rừng, còn chúng tôi thì lồm cồm bò theo.

Khoảng một giờ leo núi, Duy dẫn chúng tôi lọt thỏm ra một thung lũng bằng phẳng nằm giữa các ngọn núi nơi có bốn chiếc lều tạm ẩn dật sau những hốc đá và lùm cây rậm rạp. Duy khoe: "Đây là khu bãi đá gần nhất trong tất cả các bãi đá đỏ đang được khai thác ở xã Nghĩa Đô. Bãi đá này được dân đào bới rầm rộ từ năm 1990. Lúc cao điểm có hàng trăm người cùng nhau khai thác với hàng trăm hầm, hào đan đâm ngang bổ dọc chằng chịt dưới lòng đất. Thế nhưng, nhiều người không những không tìm được đá đỏ mà còn phải bỏ mạng nơi rừng sâu núi thẳm nên mọi người dần bỏ nghề, lúc đó Nhà nước cũng cấm khai thác đá nên bãi này vãn bóng người một thời gian. Tuy nhiên, một nhóm người vẫn đeo bám bãi đá mong có ngày đổi đời".

Một lán của phu đá đỏ nằm ẩn dật sau những tán cây rừng. 

Đánh kẹp

Đó là cách gọi của dân đá đỏ nói về những người đi đào đá bằng cách len lỏi qua kẽ đá moi móc từng xô đất truy lùng đá màu.

Dẫn chúng tôi leo lên một sườn núi Duy chui tọt vào khe đá như một con chuột rừng, lát sau anh thanh niên người Tày lôi ra một chậu đá sỏi và chùi, gọt từng viên, mỗi khi thấy viên đá hồng, đá đỏ ánh mắt anh lại sáng quắc lên như tia lửa chất chứa hy vọng đổi đời, nhưng rồi đôi mắt lấy lại nhanh chóng cụp xuống đầy thất vọng mệt mỏi và kiệt cùng rệu rã...

Theo chân Duy, tôi cũng liều mình chui vào kẽ đá và luồn sâu vào lòng đất. Duy bảo chúng tôi ngồi đợi rồi thò đầu vào hang đá hú một tiếng thật to. Từ trong mịt mùng bóng tối có ánh đèn le lói chiếu ra như con đom đóm, rồi một tiếng vọng bay ra, đập vào vách đá: "Gì đấy?", tiếng người im bặt. Một lúc sau, từ trong kẽ đá một thanh niên chui ra. Đó là Hiệp - một người trong nhóm khai thác đá với Duy.

Sau khi đi đánh kẹp, lượng đá sỏi thu về được đãi để lọc ra đá có chất lượng tốt.

Duy hổn hển: "Đoạn này hàng đẹp (đá màu đẹp - PV), nhưng mà ít sỏi quá! Nếu mà được phát nào thì chết phát đấy". Nói rồi Hiệp móc trong túi ra viên đá màu rồi bật đèn pin điện thoại chiếu cho chúng tôi xem. Ánh sáng của ánh đèn chiếu qua làm viên đá nổi màu đỏ rực. Hiệp trầm trồ: "Giá như viên này mà trong hơn thì anh em mình trúng đậm". Kiểm tra đá xong, Hiệp đút viên đá màu vào túi quần và moi ra một viên đá hình bát giác rồi lại chẹp miệng tiếc nuối: "Giá viên bát giác này mà có màu đỏ như tiết, trong như nước suối thì mình có cả tỷ chứ chả đùa".

Trong lúc trò chuyện, không biết Duy đã lủi vào vách đá từ khi nào, Hiệp lại thay Duy dẫn chúng tôi bò qua những kẽ đá tối om, chằng chịt như mạng nhện dưới lòng đất, qua những kẽ đá hẹp chúng tôi lọt ra một hang rộng bằng cả gian nhà, ở đó có bốn người đang hì hụi dùng dao ngoáy đất. Hiệp liền hô mọi người về nghỉ ngơi nấu cơm ăn, hôm nay có "khách lạ" tới thăm. Sau lời hô hào của Hiệp, nhóm người vứt bỏ xô, chậu, dao, cuốc chim lại hang rồi ì ạch chui khỏi hang giống như bầy chuột núi.
(còn tiếp)

"Muốn đánh kẹp, bọn em phải chặt củi khô chum vào vách đá để đốt đá. Phải nung đá cho đến khi đá vỡ nát ra làm lộ những kẽ đá. Bọn em sẽ lách vào kẽ đá bới đất lên để tìm hàng (đá đỏ), nếu gặp xỉ thì đem về bán cho các cửa hiệu làm tranh đá với giá 200.000 - 500.000đ/kg tùy từng loại đá và chất đá. Nếu may mắn gặp được đá đỏ loại tốt thì đổi đời", Bế Văn Hiệp, một phu đá đỏ cho biết.
TIN LIÊN QUAN

BÀI ĐỌC NHIỀU

Quách Dương